Ca sĩ Việt với giấc mộng thần tượng K-pop

Thứ Năm, 07/03/2019, 08:20
Hai nhóm nhạc K-pop là Z-Girls và Z-Boys vừa có đêm trình diễn chào sân khán giả Hàn Quốc tối 23-2. Sự kiện này khiến công chúng Việt Nam vô cùng ngóng đợi và phấn khích bởi hai nhóm đều sở hữu thành viên người Việt. Phải chăng ước mơ trở thành thần tượng K-pop của giọng ca Việt đã bắt đầu thành hiện thực?


Z-Girls và Z-Boys là hai nhóm thuộc dự án Z-Pop Dream của công ty giải trí Zenith Media Contents, Hàn Quốc. Các thành viên của cả hai nhóm đều đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Nhóm nữ Z-Girls có 7 thành viên gồm các cô gái ở độ tuổi 9X đến từ Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Đài Loan, Indonesia, Philippines và Nhật Bản. Cô gái đến từ Việt Nam có nghệ danh là Queen (tên thật là Lục Quyên).

Queen đảm nhận vai trò rapper của nhóm. Nhóm nam Z-Boys thì sở hữu những giọng ca đến từ Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Roy (tên thật Hoài Bảo) là thành viên người Việt duy nhất trong nhóm. Anh đảm nhận vai trò giọng ca chính.

Hai ca sỹ Queen và Roy là thành viên người Việt thuộc nhóm nhạc K-pop Z-Girls và Z-Boys.

Những thành viên đa quốc tịch này được công ty cất công tuyển chọn từ mỗi nước. Họ được đưa sang Hàn Quốc đào tạo thanh nhạc, vũ đạo, giao tiếp... với một lịch trình khắt khe, bài bản. Queen cho biết càng gần ngày ra mắt, cường độ tập luyện càng tăng nặng. Có những hôm cô và các bạn phải tập hơn 12 tiếng.

Dự án Z-Pop Dream được thành lập nhằm tạo ra một nền tảng trao đổi văn hóa trên khắp châu Á. Dự án đi cùng tham vọng mang lại làn gió mới cho làng giải trí xứ kim chi. Bên cạnh đó, chọn thành viên đa quốc tịch cũng nằm trong chiến lược tranh thủ thị trường sở tại của các thành viên.

Ngoài việc biểu diễn tại Hàn Quốc, mỗi thành viên được công ty bố trí quản lý riêng và lên kế hoạch biểu diễn quảng bá tại quốc gia quê nhà. Sau buổi ra mắt tại Hàn Quốc, Việt Nam sẽ là địa điểm hai nhóm ghé thăm. Fan Việt háo hức kỳ vọng ca sĩ Việt sẽ trở thành thần tượng K-pop xứ người, thậm chí càn quét thị trường âm nhạc quốc tế như những gì công ty Zenith Media Contents hứa hẹn.

Tưởng tượng đến cảnh Z-Girls và Z-Boys nổi đình nổi đám không kém gì những nhóm nhạc thần tượng thời kỳ đầu như SNSD, T-ara, Wonder Girls, Big Bang, Super Junior... hay đang đình đám toàn cầu như nhóm BTS là các fan Việt đã sướng rân.

Tuy nhiên, kỳ vọng này có nguy cơ biến thành ảo vọng. Ngay khi mới úp mở về quốc tịch các thành viên và cho đến ngày biểu diễn chính thức, cả hai nhóm đều không nhận được nhiều phản hồi tích cực của công chúng. Thậm chí khó khăn nhanh chóng bủa vây.

Trình diễn quảng bá trên đường phố, các thành viên của Z-Girls  được đánh giá vũ đạo đồng đều, đẹp mắt nhưng giọng ca vẫn chưa thật sự nổi bật. Việc đào tạo chóng vánh trong vòng 4 tháng của công ty Zenith Media Contents khiến người hâm mộ nghi ngờ đến chất lượng nhóm nhạc. Bởi thông thường, các ca sĩ thần tượng phải được đào tạo trong một thời gian khá dài, ít nhất là 10 tháng. Thậm chí, có người được rèn đến 10 năm. Rất ít ca sĩ có thời gian đào tạo thần tốc trừ khi họ sở hữu tài năng thiên bẩm hoặc đã được đào tạo trước đó.

Riêng Z-Boys thì vấp phải scandal ngay trước ngày ra mắt khiến khán giả Hàn Quốc đòi tẩy chay. Cụ thể, trên trang cá nhân, thành viên người Ấn Độ bất cẩn dùng từ "niggas" - một từ ám chỉ người da màu với ý miệt thị, phân biệt chủng tộc. Dù thành viên này đã gỡ bỏ dòng trạng thái nhưng làn sóng giận dữ của công chúng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Công ty Zenith Media Contents cũng không phải là một bảo chứng tin cậy để lăng xê tên tuổi Z-Girls và Z-Boys. Tìm kiếm tên công ty này trên các trang web sẽ thấy họ chỉ là đơn vị quy mô nhỏ, kém danh tiếng. Hai "gà cưng" của Zenith Media Contents là  nhóm nhạc Wanna.B và LipBubble ra đời đã lâu nhưng vẫn vô cùng mờ nhạt giữa thị trường âm nhạc bản xứ.

Điều tai hại nhất là fan Hàn Quốc lại thường tỏ ra e dè với những nhóm nhạc đa quốc tịch. Dù có tò mò chú ý với nhóm toàn thành viên ngoại quốc nhưng công chúng vẫn yêu thích các nhóm "thuần Hàn" hơn. Không hiếm gặp các la ó trên diễn đàn âm nhạc xứ kim chi:"Một nhóm nhạc K-pop mà không có người Hàn à? Sao có thể tồn tại đây?".

Điều làm khán giả càng không mặn mà với hai nhóm còn bởi họ đều hát tiếng Anh chứ không phải tiếng Hàn. Sự thất bại của EXP Edition - nhóm nhạc nam Kpop có 4 thành viên đến từ Âu Mỹ - trước đây là minh chứng cho sự yểu mệnh của định dạng nhóm kiểu này tại Hàn Quốc. 11 năm trước, lần đầu tiên chúng ta có một người Việt trở thành thành viên của nhóm nhạc Hàn Quốc. Đó là Hà Hoàng Hải Yến của nhóm M.I.S.O. Nhưng cô nhanh chóng rời nhóm và M.I.S.O cũng tan rã khi không để lại dấu ấn nào.

Ngoài khó khăn trong việc tiếp cận khán giả Hàn Quốc, các thành viên trong nhóm cũng gặp trở ngại khi giao tiếp, hòa nhập. Mỗi thành viên đến từ một đất nước, một vùng văn hóa khác nhau nên chuyện khác biệt trong lối sống, chuyện không hiểu ý nhau là cơm bữa.

Ra đời thời điểm này, Z-Girls và Z-Boys càng đối mặt với lắm thử thách khi làn sóng Hallyu (làn sóng văn hóa Hàn Quốc) trên đà thoái trào. Ngay tại xứ kim chi, mỗi năm có hàng trăm nhóm nhạc thần tượng "thuần Hàn" ra đời khiến thị trường rơi vào bão hòa. Bước ra từ nhiều công ty danh tiếng nhưng họ cũng nhanh chóng chết yểu, không kịp để cho khán giả nhớ mặt biết tên. Sự cạnh tranh khốc liệt của showbiz xứ Hàn lẫn màu sắc các nhóm nhạc na ná nhau, khó tạo sự chú ý khiến công chúng ngán ngẩm bội thực.

Sở hữu các thành viên đa quốc tịch, nhóm Z-Girls vẫn không được khán giả Hàn Quốc đánh giá cao.

Tại cái nôi đào tạo đã thế, tham vọng tiến sâu vào quê nhà các thành viên của công ty Zenith Media Contents xem ra cũng không mấy khả quan. Nhóm Lime là bài học nhãn tiền cay đắng. Được đào tạo chuyên nghiệp theo chuẩn K-pop tại Hàn Quốc nhưng nhóm Lime gồm 3 thành viên người Việt không thể chinh phục thị trường này. Họ chỉ gây chú ý với phần trình diễn ca khúc "Take It Slow" trong chương trình "I Can See Your Voice" khiến nhóm nhạc nổi tiếng một thời Wonder Girls phải trầm trồ. Sau đó nhóm gần như mất hút. Chật vật ở xứ kim chi một thời gian, tháng 4-2017, nhóm Lime trở về quê hương Việt Nam với tham vọng trở thành nhóm nhạc nữ hàng đầu showbiz Việt. Thế nhưng, họ nhanh chóng vỡ mộng khi vài ca khúc dò đường đều rơi vào thinh lặng.

Nếu ở K-pop chuộng mô hình nhóm nhạc thì V-pop lại chỉ ưa thích ca sĩ solo. Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương từng tiết lộ chị cũng cố công thành lập một số nhóm nhạc có thành viên chất lượng nhưng không thể đi được đường dài. Những nhóm nhạc được fan Việt ưa thích như Ngọt, Cá hồi hoang, Lộn xộn...  thì họ phải vô cùng đặc biệt, tạo dấu ấn âm nhạc rất riêng, rất Việt Nam. Còn nhóm nào ăn theo, bắt chước K-pop thì cầm chắc sự quay lưng.

Đây là điều có thể dự đoán được bởi không chỉ khán giả Hàn bội thực mà khán giả Việt lẫn công chúng nhiều nước trên thế giới đang tìm cách thoát khỏi sự ảnh hưởng của làn sóng Hallyu để bảo vệ bản sắc văn hóa nước nhà. Vài năm gần đây, dễ nhận thấy rất nhiều chương trình âm nhạc của K-pop tại Việt Nam không bán được vé, phải hủy show dù họ mời toàn những gương mặt đình đám như Lee Min Ho, Psy của Gangnam Style...

Điểm lại vẫn có một số ca sĩ Việt khẳng định được tên tuổi ở xứ sở kim chi. Nhưng họ hoàn toàn là ca sĩ solo như Mỹ Tâm, Noo Phước Thịnh, Đông Nhi, Vũ Cát Tường... Ngoài Mỹ Tâm được biết đến rộng rãi ở Hàn Quốc với nhiều bài hit như "Dường như ta đã", "Người hãy quên em đi"... thì những ca sĩ khác đa phần được biết đến theo kiểu chương trình ngoại giao hữu nghị. Thi thoảng họ mới đến Hàn Quốc biểu diễn giao lưu cho vui chứ không chủ tâm nghiêm túc tấn công thị trường K-pop. Vậy mới thấy con đường trở thành thần tượng xứ Hàn của nghệ sĩ Việt không dễ dàng chút nào, nhất là với mô hình nhóm nhạc.

Nguyễn Trang
.
.
.