Ca sĩ Anh Thơ: Vạn sự khởi đầu nan

Thứ Ba, 15/12/2009, 13:00

Tôi chuyện trò với ca sĩ Anh Thơ trong một quán nhỏ ven đường. Chị giản dị và gần gũi hơn so với trí tưởng tượng của tôi. Nhưng chị lại già dặn và từng trải hơn so với cái tuổi ngoài ba mươi của mình.

Sinh ra trong một gia đình có tới 6 anh chị em ở miền Trung (Thanh Hóa) nên quãng thời gian tuổi thơ mà ca sĩ Anh Thơ trải qua, chị đã gọi nó bằng cái tên "tuổi thơ hờn tủi". Anh Thơ luôn cảm thấy hờn tủi trong suốt tuổi thơ của mình, không chỉ đơn thuần vì sự vất vả, thiếu cái ăn ngon, thiếu quần áo đẹp. Chả hiểu có phải vì gia đình quá đông anh em, cuộc sống bộn phần khó khăn hay không mà cô bé Anh Thơ chưa từng một lần có được cái cảm giác yêu thương, gần gũi từ chính cha mẹ của mình. Đó là một sự thiếu hụt mà cho đến tận bây giờ chị vẫn cảm nhận rất rõ.

Anh Thơ bảo, chị thấy mình từ bé đã khác hẳn các anh chị em trong gia đình. Chị dường như nhạy cảm hơn, sống hướng nội hơn nên luôn cảm thấy đời sống tinh thần của mình không bao giờ đủ. Không chỉ nhạy cảm mà từ bé Anh Thơ đã tỏ ra mình là một người con năng động nhất trong gia đình. Cũng chính vì thế mà mẹ chị tin tưởng giao vốn, giao cửa hàng cho chị buôn bán ngay từ hồi chị còn rất nhỏ. Anh Thơ cười, nói: "Mình buôn gì cũng lãi. Có duyên lắm đấy!".

Con đường nghệ thuật như một cái duyên gắn với chị. Bởi ngay từ năm lớp 10, Anh Thơ đã từng đi thi tuyển vào Đoàn Cải lương tỉnh Thanh Hóa nhưng rồi bị chê vì vóc dáng quá nhỏ. Chị đùa bảo: "Cũng may chứ nếu lỡ hồi đó mình thi đỗ thì có khi giờ này đang là nghệ sĩ hát cải lương của tỉnh Thanh Hóa rồi".

Không từ bỏ niềm đam mê nghệ thuật nên đến năm học lớp 11, Anh Thơ lại thi vào Trường Nghệ thuật của tỉnh. Vì trường khi đó chỉ lấy rất ít suất, mà các suất dường như đã được ấn định sẵn rồi nên chị chỉ đỗ vào hệ B (nghĩa là phải tự đóng tiền học phí). Sau 3 năm học tại trường tỉnh, Anh Thơ khăn gói quả mướp ra Hà Nội, liều một phen thi tuyển vào khoa Thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội. Lộ phí đi đường và lệ phí ôn thi cũng là do chị dành dụm từ những lần đi hát tại các hội nghị nho nhỏ hoặc là tiền thưởng từ các giải thi. Người trực tiếp hướng dẫn ôn thi cho Anh Thơ chính là cô Diệu Thúy. Chẳng biết có phải cảm phục đức tính chịu thương chịu khó học tập hay vì nhìn thấy khả năng tiềm ẩn của Anh Thơ mà trong gần một tháng trời hướng dẫn cho Anh Thơ, cô đã không lấy một đồng tiền công nào. Ca sĩ Anh Thơ bảo, đến giờ chị vẫn không quên nghĩa cử cao đẹp đó của cô giáo Diệu Thúy.

Vì là dân tỉnh lẻ, gia đình lại nghèo nên Anh Thơ luôn phải tự thân vận động trong suốt quá trình học. Không ngại khi phải làm bất cứ việc gì để kiếm tiền ăn học, kể cả việc bán ốc ở ký túc xá. Anh Thơ tâm sự, chị đã từng nhiều lần rơi nước mắt khi đang còn là sinh viên năm thứ nhất phải đi kiếm thêm bằng nghề hát tiệc. Vừa hát vừa khóc vì tủi phận khi nghĩ rằng, người ta thì ăn uống vui vẻ còn mình thì phải hát. Mà hát cũng chỉ là đứng đó trang điểm thôi chứ có ai thèm để ý nghe đâu. Vì đã từng trải qua những cảnh huống ấy nên sau này, khi ở cương vị của một giảng viên, Anh Thơ hường xuyên nhắc nhở học trò phải biết giữ mình khi đi hát ở những nơi tiệc tùng, quán bar. Khi đứng trên bất kỳ sân khấu nào cũng phải giữ cho tâm hồn mình trong sạch. Khi tâm sáng thì tiếng hát mới thanh cao.

Bìa đĩa của ca sĩ Anh Thơ.

Giờ đây, tiếng hát Anh Thơ đã trở thành một thương hiệu trong dòng nhạc truyền thống. Để đạt được thành công như ngày hôm nay, không chỉ do khả năng thiên bẩm mà phần nhiều là do sự tập luyện không ngừng của bản thân. Anh Thơ tâm sự: "Năng khiếu chỉ là một phần thuận lợi, nếu không bỏ công khổ luyện thì chẳng ai có thể thành tài được". Quả đúng vậy, vì người yêu âm nhạc đã chứng kiến sự trưởng thành qua từng giai đoạn của ca sĩ Anh Thơ. Còn nhớ, năm Anh Thơ dự thi Sao Mai, chị đã được giải Ba (giải ca sĩ triển vọng) vì Ban giám khảo nhìn thấy ở Anh Thơ một sự bứt phá trong tương lai, chứ theo nhận xét của bản thân chị thì khi đó chị hát còn phô và chênh.

Đã có lúc người ta kháo với nhau rằng, nếu trả mức cátsê dưới 25 triệu thì đừng mong Anh Thơ nhận lời tham gia. Chính chị cũng không hiểu tin đồn đó từ đâu mà có. Nhưng chị cũng thừa nhận mình là người dũng cảm khi dám đứng ra đòi mức cátsê sao cho tương xứng với khả năng và công sức mà mình đã bỏ ra. Nhiều người vẫn nghĩ Anh Thơ chắc giàu lắm, vì cátsê cao, lại chạy sô nhiều, nhưng có gặp và hỏi chuyện chị thì mới hay sự thật không phải thế. Chị bảo cátsê cũng có thể cao nhưng không đến mức như người ta đồn đại, hơn nữa không phải bất kể chương trình nào mời, chị cũng đều tham gia biểu diễn. Bởi với người nghệ sĩ, sự trân trọng nghề và việc giữ giọng là một việc rất nên làm.

Chị không xô bồ chạy sô, một tuần đều đặn chị nhận khoảng vài ba show diễn, thời gian còn lại chị dành cho công việc giảng dạy và thực hiện thiên chức của một người vợ, người mẹ. Người chồng hiện nay của chị chính là người đã đồng kham cộng khổ với chị từ khi chị còn... vô danh. Yêu nhau 8 năm rồi đi đến hôn nhân. Quãng thời gian xa nhau, khi chị đã ở thủ đô, còn người yêu vẫn đang sống ở Thanh Hóa, người ta vẫn hồ nghi về tình yêu của anh chị. Họ đoán rằng trước sau gì thì mối tình ấy cũng sẽ tan vỡ thôi, bởi chị giờ đã là người Hà Nội, mà nhất lại là một nghệ sĩ. Không màng đến những lời bàn ra tán vào của thiên hạ, tình yêu của họ vẫn kết thúc có hậu bằng một đám cưới vào năm 2002. Kết tinh của tình yêu ấy là sự ra đời của một bé gái kháu khỉnh, giờ đã tròn 6 tuổi. Chị bảo, chị hạnh phúc vì đã tìm được chỗ dựa vững chãi cho cuộc đời mình. Và cô con gái bé bỏng chính là thiên thần để gắn kết tình yêu giữa hai người.

Anh Thơ là người khi làm bất kể việc gì cũng dồn toàn tâm toàn ý để hoàn thành thật tốt. Trong nghề ca hát cũng vậy, chị luôn là người cầu toàn. Ấy vậy mà đôi khi vẫn không tránh khỏi những tai nạn nghề nghiệp nho nhỏ hết sức hài hước. Nhớ có lần chị cùng với ca sĩ Việt Hoàn đang song ca một bài hát tại một hội nghị, đang hát bỗng Anh Thơ quên mất lời, bị anh Hoàn phát hiện ra. Thế là cả hai cùng phá lên cười, và sau đó đành phải xin lỗi tất cả mọi người có mặt tại hội nghị hôm đó.

Cũng một lần khác, tại một hội nghị, Anh Thơ lên sân khấu để hát bài "Xa khơi" (đó là bài tủ và cũng là bài làm nên tên tuổi Anh Thơ, chị bảo ngày nào chị cũng hát bài đó tới 2, 3 lần), vậy mà chẳng hiểu sao sau khi bước lên bục biểu diễn, chị chỉ hát được đúng một câu "Nắng tỏa chiều nay, chiều tỏa nắng..." rồi không thể nhớ thêm được bất kỳ câu nào trong bài hát đó nữa. Chị đành xin lỗi khán giả và chữa thẹn rằng: "Có lẽ do Anh Thơ hồi hộp quá nên quên mất lời bài hát, cho phép Anh Thơ hát bài khác để phục vụ quý vị". Anh Thơ cười và bảo: "Cũng may đó chỉ là những chương trình nho nhỏ nên hậu quả không có gì nghiêm trọng. Nhưng đó cũng là bài học nhớ đời".

Khi tôi hỏi, là một ca sĩ nổi tiếng, sao chị không thuê người quản lý thì chị tâm sự rằng: "Để thuê được một người quản lý thực sự thương mình, xót xa cho mình dường như là quá khó nên chị sẽ không thuê, cho dù đã có lúc nhận tiền thù lao xong mà nước mắt cứ chực rơi. Bởi có buổi sáng hát liền 2 sô mà ruột đói cồn cào vì không có cả thời gian ăn sáng".

Tôi phải hẹn với Anh Thơ rất nhiều lần mới có được một cuộc gặp gỡ chính thức. Chẳng phải chị khó khăn gì mà vì trong thời gian này chị đang hối hả hoàn tất cho việc ra mắt album DVD mới của mình. Khi hỏi tên của đứa con tinh thần ấy, Anh Thơ trả lời: "Thói quen của mình là khi nào mọi thứ xong xuôi mới dựa vào đó để gọi tên đứa con tinh thần". Với tôi, đây cũng là một thói quen rất… lạ.

Hy vọng với sự nỗ lực không ngừng và thái độ làm việc nghiêm túc, không biết mệt mỏi, ca sĩ Anh Thơ sẽ được ghi nhận một cách xứng đáng trong lòng khán giả. Có lẽ sẽ không ngoa khi nói rằng chị chính là "diva" của dòng nhạc truyền thống Việt Nam

Ngọc Anh
.
.
.