Ca khúc Con kênh xanh xanh và một góc tâm hồn Việt
Trong kỷ yếu "Nhạc sĩ Việt Nam hiện đại" do Hội Nhạc sĩ Việt Nam xuất bản năm 1997, phần tiểu sử của Ngô Huỳnh được mở đầu bằng mấy dòng khá giản lược: "Ngô Huỳnh tên khai sinh là Huỳnh Tấn Chử, sinh ngày 31 tháng 12 năm 1931. Quê ở Sài Gòn. Nguyên công tác tại Hội Âm nhạc TP HCM. Đã mất" (còn mất năm nào thì các nhà làm sách không cho biết).
Nếu như nhắc tới những bài hát gợi nhớ một thời chiến đấu oanh liệt của quân đội ta ở Đồng Tháp Mười thời kỳ đầu chống Pháp, mọi người thường nhớ tới nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí với khúc tráng ca "Tiểu đoàn 307" (phổ thơ Nguyễn Bính) thì với ca khúc "Con kênh xanh xanh" sáng tác năm 1949, nhạc sĩ Ngô Huỳnh lại dẫn dắt chúng ta đến với một không khí lao động rộn ràng, chan hòa tình quân dân và tình yêu đôi lứa nảy nở trên những con kênh thơ mộng của một vùng đất từng ghi bao dấu tích của lòng yêu nước, của ý chí quật cường truyền thụ qua nhiều thế hệ: “Con kênh xanh xanh những chiều êm ả lướt trôi/ Đêm đêm trăng lên theo dòng buồm căng gió xuôi/ Con kênh xanh xanh những mùa sen nở khắp nơi/ Bao câu tơ duyên dạt dào tình ai thắm tươi/ Thuyền ai lướt qua hàng chuối với bờ kênh/ Thuyền ai lướt qua bông lúa thướt tha/ Tiếng ai hò khoan vẳng đưa những câu tình ca/ Ngả nghiêng hàng tràm vang hòa tiếng hò xa xa”.
Chỉ với vài ba hình ảnh giản dị (sen nở, thuyền bơi qua những bông lúa nước) nhẹ nhàng điểm xuyết trên nền một giai điệu mượt mà, tình tứ, tác giả đã phác ngay ra "hồn cốt" của một vùng sông nước Nam Bộ, với những "chi tiết đặc chủng". Rất lãng mạn, trữ tình, mặc dù công việc lao động sản xuất cũng như tinh thần chiến đấu của người "dân quê tôi" được tác giả không quên nhắc tới ở đoạn tiếp theo: “Chiến khu bừng vui ấm bao lòng dân quê tôi/ Tiếng ai giã bàng nhịp nhàng như tiếng lòng tôi”. Và: “Con kênh xanh xanh những chiều êm ả nước trôi/ Ghi sâu nơi tôi bao ngày chiến đấu nổi sôi/ Con kênh xanh ơi dập tàn chinh chiến khắp nơi/ Bên nhau ta xây trọn bài tình ca thắm tươi”.
Một dòng kênh xanh ở Đồng Tháp Mười. |
Thật ra, chẳng cần phải người hiểu biết gì lắm về âm nhạc cũng có thể nhận thấy, đây là một ca khúc thuộc loại... dễ hát. Giai điệu không có những bước chuyển đổi cầu kỳ, phức tạp, chủ yếu chỉ tập trung trong khoảng 6 câu (còn lại là thay lời trên phông nền giai điệu cũ). Tuy nhiên, với một giai điệu như những làn sóng nhịp nhàng loang xa, kết hợp với những hình ảnh giàu sức khơi gợi, có thể nói, bài hát đã đem tới cho các thính giả một luồng gió trẻ trung, yêu đời (điều này hẳn được hỗ trợ bởi sức trẻ của tác giả: Khi sáng tác "Con kênh xanh xanh", nhạc sĩ Ngô Huỳnh mới 18 tuổi). Không chỉ là đặc sản tinh thần của vùng sông nước Nam Bộ, "Con kênh xanh xanh" còn len lỏi đi vào ngõ ngách tâm hồn của rất nhiều tầng lớp thính giả ở các vùng quê khác nhau và dường như, ai cũng thấy trong bài hát có một góc tâm hồn, một góc quê hương của mình trong đó.
Để tìm hiểu đâu là con kênh đã khơi nguồn hứng cảm cho người nhạc sĩ trẻ sáng tác nên ca khúc bất hủ, gần đây, đọc một tài liệu liên quan tới nhạc sĩ Ngô Huỳnh, tôi được biết "con kênh xanh xanh" từng làm ông mê đắm chính là kênh Dương Văn Dương. Theo nguồn thông tin đó, kênh Dương Văn Dương có bề ngang rộng tới 20 mét, được đào từ đầu thế kỷ XX. Chiến khu Dương Văn Dương trong thời kháng chiến chống Pháp với các xã Nhơn Hòa, Tân Lập, Hậu Thạnh, Tân Hòa, Nhơn Ninh và Tân Ninh nằm dọc hai bờ kênh chính là không gian được tác giả Ngô Huỳnh đề cập tới trong "Con kênh xanh xanh".
Nhiều khán giả miền Bắc, khi nghe đến câu hát: "Chiến khu bừng vui ấm bao lòng dân quê tôi/ Tiếng ai giã bàng nhịp nhàng như tiếng lòng tôi" hẳn sẽ băn khoăn không hiểu giã bàng để làm gì, và tại sao phải giã? Với người dân ở vùng Đồng Tháp Mười thì điều này khá đơn giản: Bàng ở đây không phải là loại cây hay được trồng ở các sân trường để lấy bóng mát. Ca dao Đồng Tháp Mười có câu: "Bông xanh mà lá cũng xanh/ Em đi cấy lúa cho anh nhổ bàng". Bàng ở đây là loại cây thân cỏ. Cỏ bàng cao khoảng 2 mét, thân tròn dạng ống, to như que đũa. Người dân sau khi cắt cỏ bàng về, họ phải qua nhiều công đoạn sơ chế (như giã dập bằng chày tay rồi phơi khô) để đan đệm. Về việc này, tác giả Lê Công Lý cho biết: "Khi giã bàng, người ta đặt neo bàng lên trên mục bàng rồi đứng lên nó, hai tay nắm chặt chày nện đều xuống. Vì giã bàng là công việc nặng nhọc nên thường được tiến hành vào ban đêm cho mát mẻ, đỡ nóng bức; hơn nữa, ban ngày, họ bận việc đồng áng hoặc đan đệm. Cứ thế, giữa đêm khuya, tiếng giã bàng với âm thanh cùm cụp nhịp nhàng vang vọng khắp xóm khắp làng". Cũng theo tác giả Lê Công Lý: "Biết bao cặp trai gái quê mùa từ chỗ cùng nhau đan đệm đã dệt luôn ước vọng lứa đôi". Sở dĩ tôi phải nhắc tỉ mỉ vậy để bạn yêu âm nhạc thêm hiểu nội dung mà nhạc sĩ Ngô Huỳnh đề cập.
Nhắc tới Ngô Huỳnh, giới nhạc sĩ xem ông là hiện tượng "tác giả một bài". Thật ra, trong sự nghiệp âm nhạc của mình, ngoài ca khúc, Ngô Huỳnh còn sáng tác khí nhạc và nhạc phim, nhạc sân khấu (như nhạc phim "Chị Nhung", nhạc sân khấu "Câu chuyện nàng Sita")... song phải thừa nhận một thực tế là, sáng tác nổi trội nhất của đời ông vẫn là ca khúc "Con kênh xanh xanh". Hẳn nhiều khán giả của Đài Truyền hình Việt Nam thập niên 80 (của thế kỷ XX) còn nhớ: Hồi ấy, chương trình thường chỉ phát đến 11 giờ đêm. Và ca khúc "Con kênh xanh xanh" của nhạc sĩ Ngô Huỳnh được dùng làm nhạc hiệu kết thúc chương trình. Ít người biết rằng, người phối âm phối khí ca khúc này chính là nhạc sĩ Thanh Tùng. Nó thành công đến mức có khán giả đã phải thốt lên: "Bài này nếu có bản ghi âm tốt nghe trên CD player thì hay chẳng kém nhạc Paul Mauriat".
Năm 2005, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập nước, UBND tỉnh Đồng Tháp đã truy tặng nhạc sĩ Ngô Huỳnh (cùng với nhà thơ Nguyễn Bính, nhạc sĩ Hoàng Việt, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhiếp ảnh gia Lâm Tấn Tài, soạn giả Thanh Nha) giải thưởng đặc biệt mang tên nhà chí sĩ yêu nước Lê Quang Diêu.
Bên cạnh sự tôn vinh của các cấp chính quyền, ca khúc "Con kênh xanh xanh" của nhạc sĩ Ngô Huỳnh đến nay vẫn có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với các thí sinh trẻ trong các kỳ thi âm nhạc. Trong đêm Live show thứ 2 của Bài hát Việt 2009 diễn ra tại Nhà hát Bến Thành (TP Hồ Chí Minh), phần Bài hát Việt tôn vinh của tháng 6 đã được dành cho hai ca khúc "Con kênh xanh xanh" của Ngô Huỳnh (do nhóm 5 dòng kẻ thể hiện) và "Sẽ về Thủ đô" của Huy Du (do Đăng Dương thể hiện). Trong aibum "Tình em" của ca sĩ Thu Minh, người từng nhiều lần gây sốc bởi y phục quá... đặc biệt cũng có "Con kênh xanh xanh" bên cạnh "Trường ca sông Lô" của Văn Cao và "Thời hoa đỏ" của Nguyễn Đình Bảng. Gần đây, trong album "Quê hương tôi Việt Nam", bạn yêu âm nhạc cũng lại được thưởng thức ca khúc này qua giọng ca đầy truyền cảm của ca sĩ Anh Thơ.
Chưa hết, trong chương trình Ngôi sao tiếng hát truyền hình 2008 diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình tối 9/10/2008, nhiều khán giả đã bất ngờ và xúc động khi ca sĩ Hàn Quốc Cho Hae - ryon thể hiện một số ca khúc Việt qua hai ngôn ngữ Việt - Hàn, trong đó có "Con kênh xanh xanh". Trả lời phỏng vấn của báo giới sau khi kết thúc đêm diễn, Cho Hae - ryon cho hay, trong số các ca khúc Việt Nam, chị đặc biệt thích ba bài: "Bài ca hy vọng", "Hà Nội niềm tin và hy vọng" và "Con kênh xanh xanh".
Điều ấy cho thấy, trải qua bao biến thiên thời cuộc, đến nay, "Con kênh xanh xanh" vẫn thể hiện được sức sống dẻo dai, bền bỉ...