Kỷ niệm Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27-7:

Bức tranh Gạc Ma và vòng tròn tri ân

Thứ Hai, 27/07/2015, 08:06
Ngày 22/7, buổi đấu giá chính thức bức tranh sẽ diễn ra tại chùa Vĩnh Nghiêm, TP Hồ Chí Minh. Cùng lúc, đại lễ tưởng niệm, cầu siêu cho  anh linh các anh hùng, liệt sĩ cũng diễn ra tại đây. Số tiền thu sau buổi đấu giá dự kiến được Thiếu tướng, AHLLVTND Lê Mã Lương cùng đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân và người đấu giá thành công trực tiếp đến trao tận tay cho thân nhân 64 liệt sĩ Gạc Ma nhân Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27-7.

Bức tranh "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử" có kích thước 1,6mx2,2m, được vẽ bằng chất liệu sơn dầu. Họa sĩ Bùi Lệ Trang đã tái hiện cuộc hải chiến đầy đau thương ngày 14/3/1988, giữa một bên là những người lính Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo Gạc Ma, trong tay không một tấc sắt; còn bên kia là những nòng súng hung bạo của đối phương. Sự kiện ấy đã đi vào lịch sử như một cột mốc bi thương nhưng oai hùng trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Họa sĩ Bùi Lệ Trang cho biết: "Bức tranh được tôi thực hiện trong vòng một tháng. Người chiến sĩ trong bức tranh chính là Trung úy Trần Văn Phương. Đến phút cuối cùng, trên mình đầy thương tích, anh và đồng đội vẫn giữ chặt lá cờ Tổ quốc". 

Tháng 5/2014, First News cùng Thiếu tướng Lê Mã Lương và các nhà báo thực hiện bản thảo cuốn sách "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử". Thiếu tướng Lê Mã Lương chủ biên, hiệu đính, viết lời giới thiệu; G. James Zumwalt - con trai của Đô đốc Hải Quân Mỹ Zumwalt, từng là Trung tá Hải quân trong chiến tranh Việt Nam và nhà sử học Dương Trung Quốc viết lời giới thiệu và lời bạt.

 Hiện tại, bản thảo cuốn sách đã hoàn tất và chuẩn bị để kịp phát hành vào dịp 27-7 năm nay. Từ bản thảo cuốn sách "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử" cùng những thước phim tư liệu, họa sĩ Bùi Lệ Trang đã lên ý tưởng và thiện nguyện vẽ bức tranh sơn dầu có cùng tên gọi. Ngày ra mắt bức tranh, họa sĩ Bùi Lệ Trang tâm sự: "Đây là lần đầu tiên tôi vẽ về đề tài chiến sĩ. Tôi vẽ theo dòng cảm xúc ào ạt và thiêng liêng khi được đọc cuốn sách và xem thước phim. Hy vọng bức tranh sẽ nhận được sự đón nhận của đông đảo mọi người để có thể chia sẻ được phần nào về vật chất cũng như tinh thần với thân nhân của 64 liệt sĩ".

Họa sĩ Bùi Lệ Trang và bức tranh "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử".

Hơn một tháng phát động cuộc đấu giá, Ban tổ chức liên tiếp đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Từ Hà Nội, Thiếu tướng Lê Mã Lương là người đầu tiên "mở màn" với 50 triệu đồng. Ông chia sẻ: "Tôi là một người lính, rất nặng nợ với Trường Sa, Hoàng Sa, cũng như Gạc Ma. Tôi cũng từng chứng kiến những chiến sĩ hy sinh và bị bắt ngày ấy. Là một người con của Việt Nam, chứng kiến cảnh đó không thể không đau lòng. Chính vì vậy, khi biết tin có một họa sĩ thực hiện bức tranh với tên gọi "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử", tôi rất cảm động. Theo tôi, đó là một người có cái tâm rất tốt. Và cái tâm của tôi cũng rất nặng nợ và luôn hướng về các chiến sĩ Gạc Ma".

Ngay sau đó, không khí đấu giá nóng lên từng ngày. Mức giá từ 50 triệu đồng được nâng lên nhanh chóng với 200 triệu rồi 500, 730 triệu... Hiếm có cuộc đấu giá tranh sơn dầu nào dù chưa đấu giá chính thức mà thu hút sự chú ý và quan tâm của nhiều giới như vậy. Rất nhiều thầy cô giáo, giới trí thức, bác sĩ, quân nhân, doanh nhân, thậm chí cả nhà sư liên hệ với Ban tổ chức để tham gia.

Tiến sĩ Tô Văn Trường, đại diện cho cộng đồng cựu sinh viên Học viện Kỹ thuật châu Á tại Việt Nam (AITA-VN) tham gia đấu giá chia sẻ: "Bức tranh như một vòng hoa bất tử. Bằng ngôn ngữ "biểu tượng", họa sĩ  Bùi Lệ Trang đã khéo léo thể hiện một "trận chiến" dưới dạng một vòng  cung, một chiến lũy "nước" ở trung tâm bức họa. Đó còn là một vòng hoa lớn được đan kết bằng những con người trong trận chiến "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

Biểu tượng người chiến sỹ cầm cờ đỏ sao vàng, không vũ khí trong tay với trái tim rỉ máu có lẽ là phần thể hiện cảm xúc tinh tế nhất mà họa sĩ Bùi Lệ Trang muốn chuyển tải đến người xem. Nó thể hiện ý chí sắt đá và tinh thần quật cường, bất diệt của dân tộc ta, không khuất phục trước bất kỳ kẻ thù nào, được trang bị vũ khí tối tân đến mấy".

Hiểu được thông điệp nhân văn và thiết thực của cuộc đấu giá, hai vợ chồng bác Nguyễn Thị Phương và Nguyễn Công Nghệ đã dùng số tiền tiết kiệm mà hai bác đã dành dụm suốt nhiều năm để mua tranh. Ở tuổi 88 nhưng hai bác vẫn thường xuyên hỗ trợ, ủng hộ cho các chương trình hướng về biển đảo quê hương, thậm chí không ngại sóng gió để đặt chân lên Trường Sa thăm chiến sĩ. Kể về chuyến đi ra đảo Trường Sa năm ngoái, đôi mắt hai vợ chồng vẫn lấp lánh kỷ niệm. Nên với cuộc đấu giá này, hai bác đâu thể đứng ngoài lề.

Buổi đấu giá không chỉ thu hút nhân dân trong nước, mà còn được cộng đồng người Việt ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hưởng ứng. Tham gia với mức giá 500 triệu đồng, Yên Hồng Ngọc, một người Việt gốc Hoa thuộc thế hệ 9X vừa tốt nghiệp đại học tại Canada bộc bạch: "Tôi rất trân trọng lời chỉ dạy của ông bà tổ tiên truyền lại về lòng trung thực khi tôi còn nhỏ: "Không bao giờ nên chiếm lấy hay sử dụng những gì mà nguồn gốc ban đầu không thuộc về mình - cho dù với bất kỳ lý do, mục đích nào đi nữa. Nếu có lỡ lấy rồi thì tốt hơn nên trao trả lại cùng một lời xin lỗi".

Sức nóng của cuộc đấu giá lan tỏa đến tận phía bên kia bán cầu khi nhà nghiên cứu James G. Zumwalt, con trai của cố Đô đốc Hải Quân Mỹ Zumwal, viết bài báo về sự kiện này trên chuyên mục An ninh quốc gia của tờ Breibart (một trong những tờ báo điện tử uy tín ở Mỹ). James G. Zumwalt được biết đến ở Việt Nam qua cuốn sách nổi tiếng "Chân trần - Chí thép" ca ngợi ý chí và tinh thần chiến đấu quả cảm, thông minh của những người lính Việt Nam. Trong bài báo có đoạn: "Trong cuộc tấn công đảo Gạc Ma, lá cờ Việt Nam được thấy vẫn bay cao với "Vòng tròn bất tử" được tạo ra bởi 73 chiến sĩ hải quân dàn thế phòng thủ cố giữ lá cờ. (...)

Một bức tranh gần đây về cuộc tàn sát này - do một nghệ sĩ thực hiện để tìm sự đồng cảm của nhân dân Việt Nam về sự tàn bạo của sự việc đã xảy ra và tri ân lòng dũng cảm của những người lính đó - đã thu hút sự chú ýá, quan tâm của hầu hết tất cả mọi người ở Việt Nam khi bức tranh đã được đưa ra bán đấu giá. Kết quả là nhiều người đã tham gia, trong đó có tác giả bài báo này - bởi tôi xem đó như sự kiện "Alamo" của Việt Nam (sự kiện Alamo là sự kiện mà quân đội Mexico xâm nhập qua biên giới và giết chết tất cả người lính tự vệ Texas ở gần San Antonio de Béxar, nay là San Antonio, Texas). Bởi vì họ đã dũng cảm chấp nhận cái chết dưới bàn tay của lực lượng kẻ thù mạnh hơn rất nhiều". Từ Washington DC, ông James G. Zumwalt đưa ra mức giá là 17.000 USD (tương đương 350 triệu đồng).

Điều đặc biệt là hầu hết người đấu giá đều có nhã ý muốn tặng lại bức tranh để gửi gắm, lan tỏa thông điệp về hòa bình. Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng muốn tặng bức tranh cho Quốc hội Việt Nam. Nhiều doanh nhân muốn tặng lại bức tranh cho Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam, Viện Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, hay tặng cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Riêng Yên Hồng Ngọc muốn tặng lại cho Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Ngày Trung úy Trần Văn Phương ngã xuống, anh vẫn chưa hề hay biết người vợ ở quê nhà đã mang thai hơn một tháng. Và đứa con gái Trần Thị Thủy của anh đã lớn lên mà chưa một lần được nhìn thấy và gọi tiếng cha. Kỷ vật duy nhất của cha mà chị còn giữ là những bức thư mà cha gửi mẹ. Nối bước cha, Trần Thị Thủy hiện là Thiếu úy Lữ Đoàn 146, Vùng 4 Hải quân. Lần đầu tiên xem bức tranh "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử"  mà trong đó có hình ảnh người cha mình làm trung tâm, Thủy nghẹn ngào. Một niềm tự hào lẫn nỗi đau chưa bao giờ vơi cạn. Cảm xúc òa vỡ như sớm bình minh cách đây 5 năm. Tàu đi qua vùng biển Gạc Ma, chị trông theo về hướng đảo. Hình bóng người cha thân yêu hiện ra trong vùng trời nước mênh mông, ánh mắt cha nhìn chị trìu mến, chở che.

Giây phút đó, chị bật khóc. "Bức tranh như cho tôi gặp lại cha mình ngày đó. Đây không những là bức tranh có ý nghĩa với chỉ riêng mình tôi, mà còn có ý nghĩa hết sức nhân văn với toàn dân tộc. Nó thức dậy lòng yêu nước, tình đoàn kết và tự hào trong cuộc sống xô bồ hôm nay" - chị nói.

Nguyễn Trang
.
.
.