Bài chòi - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Thứ Hai, 18/12/2017, 08:18
"Rủ nhau đi đánh bài chòi/ Để con nó khóc cho lòi rốn ra", ngay từ bé tôi đã thuộc lòng những câu ca này. Bởi không chỉ hội làng mới thấy các anh chị hiệu hô, mà thế hệ cha ông tôi vẫn thường hát với nhau mỗi khi rảnh rỗi. Có thể là trong đêm trăng thanh tịnh, hay phút nghỉ ngơi giữa cánh đồng... Bình Định quê tôi được xem như một trong những cái nôi của nghệ thuật bài chòi - loại hình nghệ thuật vừa chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.


1.Trong các di sản văn hóa phi vật thể từng được vinh danh tại Việt Nam, "Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ" là trường hợp rất độc đáo, khi loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học này "phủ sóng" tới 9 tỉnh miền Trung, bao gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và TP Đà Nẵng.

Vốn xuất phát từ trò chơi dân gian của những người dựng chòi canh nương rẫy rồi sau này được Đào Duy Từ (1571-1643) khi theo chân chúa Nguyễn vào Nam đã tập hợp, chỉnh lý lại thành những làn điệu hò vè, hát ru, hát lí… để làm thành những câu hát cho hội đánh bài chòi dân gian nhiều kiểu cách như hiện nay.

Ở Bình Định, bài chòi có sức sống mãnh liệt và rất sâu sắc trong lòng người dân. Bài chòi dù trải qua bao năm tháng thăng trầm cũng như chiến tranh nhưng được tầng lớp nhân dân mến yêu gìn giữ và phát triển tốt, vì tính dân gian rất gần gũi với nhân dân lao động.

Cách thức chơi bài chòi truyền thống gần như vẫn được giữ nguyên, với 9 chòi tất cả. Người mua thẻ chơi bài được ngồi trong các chòi để lắng nghe anh chị hiệu hô (người làm trò). Các nhạc cụ phục vụ hô bài chòi gồm trống chiến, mõ, thanh la, đàn nhị, đàn hồ, kèn bầu. Mỗi lượt chơi chỉ có một chòi giành chiến thắng. Phần thưởng ở đây thường là một ly rượu trắng ngon và một ít tiền tượng trưng.

Bài chòi - "món ăn tinh thần" không thể thiếu của người dân Bình Định.

Trong bộ bài chòi gồm 30 cặp, trong mỗi con bài không có ghi chữ, mà là những hình vẽ theo kiểu tượng trưng, siêu thực và được đặt bằng những cái tên mang tính ước lệ như Bạch Huê, Nhứt Nọt, Ngũ Trượt, Chín Cu… Nghệ thuật bài chòi mang nhiều giá trị và ý nghĩa sâu sắc, đặc biệt là trong nội dung của những câu thai. Thai là những câu mà các anh chị hiệu dùng để xướng tên con bài, có thể đó là những câu dân ca, tục ngữ, hoặc là do tự sáng tác.

Thông qua nội dung của những câu thai, ta có thể tìm thấy trong đó sự ca ngợi tình phụ mẫu, tình thầy trò, theo những chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc. Những câu hát còn ca ngợi tình cảm phu thê. Tình yêu luôn là đề tài muôn thuở, nó chiếm một phần không nhỏ trong tâm hồn của mỗi người. Có khi nó sẽ làm thăng hoa một cảm xúc và có khi để lại một khoảng lặng buồn trong tâm hồn của chúng ta.

Những câu hát còn ca ngợi những đức tính tốt đẹp của con người. Đó là lòng hiếu nghĩa, lòng nhân ái, sự bao dung, chia sẻ, cái tâm trong sáng và những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó là sự giáo dục về đạo đức, về nhân cách sống, về tình yêu quê hương đất nước, hướng con người đến những giá trị, những chuẩn mực đạo đức cao đẹp hơn.

Dù cho ở khía cạnh nào thì thông qua những câu thai trong bài chòi, người dân Bình Định muốn gửi gắm vào đó những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống. Khi nghe được những câu ca này, tự mỗi người sẽ cảm nhận được những ý nghĩa bên trong, để từ đó tạo cho ta một cách sống tốt đẹp hơn phù hợp với truyền thống của dân tộc.

2. Bao đời nay, các thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân Bình Định dành nhiều tâm huyết để sáng tạo, vun đắp cho nghệ thuật bài chòi. Nếu tính từ mốc năm 2010 khi Bình Định triển khai phục dựng hội đánh bài chòi cổ đến nay, đó là quãng thời gian không dài nhưng bài chòi đã khẳng định được vị thế của mình. Đến nay, theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định, hiện cả tỉnh có 28 câu lạc bộ bài chòi dân gian với 176 nghệ nhân tham gia sinh hoạt, trong đó số thực hành hô thai là 80 người, số có khả năng truyền dạy là 50 người.

Ở miền biển quê tôi, mỗi dịp Tết đều có hô bài chòi. Người thủ lĩnh đó là ông Bảy Huy, năm nay ông cũng đã ngoài 80 nhưng giọng hô rất khỏe. Khi nghe tôi thông báo bài chòi vừa được thế giới vinh danh. Ông liền thốt lên: "Vinh dự, tự hào quá! Bài chòi vẫn luôn tươi đẹp, sống mãi!". Ông bảo, bài chòi là loại hình nghệ thuật rất dân dã nhưng chứa đựng, truyền tải nhiều giá trị đạo lý; dễ hát, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người, phù hợp cho tất cả, bài chòi thật sự là một phần hồn cốt của ông nói riêng và của người Bình Định nói chung.

Một đời hô hát bài chòi, nghệ nhân ưu tú Lê Thị Đào (92 tuổi, ở thị xã An Nhơn), bầu gánh kiêm nghệ nhân bài chòi dân gian cao tuổi nhất ở Bình Định vui mừng khi biết bài chòi được thế giới vinh danh. Khi nghe tin này, cụ bảo chưa từng nghĩ có ngày bài chòi vươn ra khỏi làng quê, được thế giới biết đến, vinh danh như hôm nay.

Đã có lần cụ nghĩ dù có luyến tiếc đến đâu thì cũng phải chấp nhận thực tế theo thời gian loại hình nghệ thuật này sẽ vĩnh viễn mất đi. "Nhưng thực tế, mấy năm ròng qua, hội đánh bài chòi tở mở khắp nơi trong tỉnh rồi ra tới Hà Nội, vô tận TP Hồ Chí Minh biểu diễn; hiệu trẻ, nghệ nhân trẻ ngày một nhiều thêm. Tôi mừng đến ứa nước mắt", người nghệ nhân già bộc bạch.

Nói về chỉnh thể di sản bài chòi, không nhắc đến bộ phận sân khấu bài chòi chuyên nghiệp sẽ là một thiếu sót, mà đại diện là Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định - đơn vị luôn giữ vững thương hiệu hàng đầu của làng sân khấu bài chòi chuyên nghiệp cả nước.

Là nghệ sĩ bài chòi sân khấu, đặc biệt thực hiện nhiệm vụ chính trị bảo tồn và phát triển một bộ phận của di sản bài chòi, NSND Hoài Huệ, Trưởng đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định thật sự cảm động khi bài chòi được vinh danh. Điều đầu tiên ông nghĩ đến là tài năng, tâm huyết của bao lớp thế hệ nghệ nhân bài chòi dân gian đã được cơ quan chức năng của quốc tế, nhân dân thế giới ghi nhận, trân trọng. Về phần mình, ông cũng như đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định sẽ nỗ lực hết mình cho sân khấu bài chòi chuyên nghiệp Bình Định, đóng góp vào thành công chung của di sản.

Theo ông Văn Trọng Hùng, Trưởng đại diện Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tại khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên, trong bảo tồn, phát huy di sản, ta nên lưu ý cả bài chòi dân gian lẫn bài chòi sân khấu chuyên nghiệp. Đứng vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bên cạnh vinh dự, những quyền lợi nếu có, từ đây trách nhiệm bảo tồn, phát huy di sản cũng sẽ nặng nề hơn.

Theo ông, có hai việc cần tiếp tục, ưu tiên thực hiện. Thứ nhất là nhân rộng, làm lan tỏa di sản hơn nữa, hướng về địa phương, cơ sở. Lực lượng nghệ nhân phải đông hơn, trẻ hơn, giỏi chuyên môn lẫn kỹ thuật, kỹ năng biểu diễn; gây dựng thêm nhiều câu lạc bộ và tổ chức sinh hoạt hiệu quả, làm cho bản đồ phân bố di sản dày hơn, đầy hơn.

Sau cùng, quan trọng hơn hết vẫn là làm sao để càng ngày càng có nhiều người dân hiểu biết về di sản, yêu thích và có thể tham gia, thực hành. Thứ hai, bên cạnh với quan tâm bảo tồn, phát huy bài chòi dân gian, bài chòi sân khấu chuyên nghiệp rất cần được nhanh chóng đầu tư về cơ sở vật chất. Thời gian tới, nếu các địa phương không thể đảm bảo khâu cơ bản này thì khó có thể nói bảo tồn, phát huy tốt di sản.

Thời công nghiệp văn minh, nhiều loại hình giải trí hiện đại dần thế chỗ nhưng nhiều địa phương ở Bình Định vẫn duy trì tổ chức những hội bài chòi, đặc biệt những hội chòi này vẫn thu hút rất đông người. Ví như tại TP Quy Nhơn, hội đánh bài chòi cổ dân gian vẫn được duy trì thường xuyên định kỳ 3 tối cuối tuần từ năm 2012 đến nay.

Hội bài chòi không chỉ tổ chức vào dịp đầu xuân, dịp lễ hội để phục vụ người dân, mà còn là một đặc sản, một "món ăn tinh thần" không thể thiếu được trong kho tàng văn hóa dân gian Bình Định để giới thiệu với du khách gần xa.

Phan Nhuận Phin
.
.
.