"100 cuốn sách hay nhất thế kỷ 21" - chỉ như một danh sách tham khảo

Thứ Sáu, 26/07/2024, 07:18

Mới đây, Tạp chí The New York Times danh tiếng của Mỹ đã công bố danh sách 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ 21 dựa trên bình chọn của hơn 500 tác giả, học giả, biên tập viên, nhà báo, nhà phê bình, nhà xuất bản, nhà thơ, dịch giả, nhà bán sách và các thủ thư... Dẫu biết danh sách nào cũng có những thiên kiến riêng, nhưng bảng xếp hạng nói trên lại cho thấy nhiều điểm yếu đáng kể.

Đứng đầu là cuốn tiểu thuyết “Người bạn phi thường” của nhà văn Ý ẩn danh - Elena Ferrante. Cùng với quyển này, bà cũng có 2 tựa khác nằm trong danh sách, do đó cùng với nhà văn Mỹ George Saunders, bà đã trở thành một trong hai tác giả có nhiều tác phẩm lọt vào danh sách nói trên.

Top 10 cũng gồm những tiểu thuyết khác đã được chuyển ngữ, như “Lâu đài sói” (Hilary Mantel), “2666” (Roberto Bolano), “Tuyến hỏa xa ngầm” (Colson Whitehead), “Austerlitz - Một cái tên” (W.G. Sebald), “Mãi đừng xa tôi” (Kazuo Ishiguro), “Gia hương” (Marilynne Robinson). Nhà văn quá cố người Chile - Roberto Bolano cũng lập kỷ lục là người có nhiều tác phẩm được chuyển ngữ nhất nằm trong danh sách, khi bên cạnh “2666” thì “Thám tử hoang dã” cũng nằm ở số 38.

10 trong s%3f 100 tác ph%3fm dã du%3fc chuy%3fn ng%3f d%3fng %3f nh%3fng v%3f trí d%3fu danh sách copy.jpg -0
10 trong số 100 tác phẩm đã được chuyển ngữ đứng ở những vị trí đầu danh sách.

Danh sách này cũng bao gồm những tựa sách phi hư cấu hoặc tự truyện nổi tiếng, có thể kể đến như “Từ địa ngục trở về” (Joan Didion), “Hoàng đế của Bách bệnh” (Siddhartha Mukherjee)… Những tưởng với sự đầy đủ của nhiều thể loại từ hư cấu đến phi hư cấu, cũng như ngôn ngữ từ khá phổ biến như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha… đến các thứ tiếng ít quen thuộc hơn như tiếng Hàn, tiếng Nynorsk… thì danh sách này sẽ tạo nên một bảng xếp hạng có tính tham khảo, thế nhưng cũng chính vì sự ôm đồm mà cuối cùng ta chỉ nhìn thấy danh sách không có độ phủ, không hề thống nhất, chứa nhiều thiên kiến, không đáng tin cậy.

Đầu tiên về mặt thời gian. Tuy giải thích rõ danh sách nói trên ra đời trong bối cảnh kỷ niệm 25 năm đầu tiên của thế kỷ 21 vừa mới trôi qua, thế nhưng với việc gắn mốc thời gian vốn có giới hạn với một tên gọi “đao to búa lớn” - “100 Best Books of the 21st Century” hay “100 tựa sách hay nhất thế kỷ 21”, đã cho ta thấy một sự chênh lệch tương đối đáng kể cũng như góc nhìn tương đối chủ quan. Điều này còn chưa tính đến việc bao gồm các bản dịch, khi có nhiều trong số này đã được xuất bản trong thế kỷ trước hay trước điểm mốc ngày 1/1/2000 như đã đưa ra. Chẳng hạn “Thám tử hoang dã” của Roberto Bolano vốn đã ra mắt từ năm 1998, và tuy bản dịch ra mắt những năm sau này, thế nhưng điều đó ít nhiều tạo ra sự không thống nhất cho bảng xếp hạng.

Thứ hai, việc có quá nhiều thể loại trong danh sách này cũng khiến cho Top 100 rất khó nắm bắt, và hầu như không có ý nghĩa thống kê. Hư cấu và phi hư cấu là 2 lĩnh vực có biên độ sáng tác, quan điểm sáng tác cũng như có nhiều giới hạn khác xa hẳn nhau. Do đó việc so sánh chúng là thiếu hợp lý, và với việc phần lớn vị trí của danh sách này thuộc về các tác phẩm hư cấu, thì liệu số lượng dành cho thể loại còn lại có phản ánh đúng và chính xác những tác phẩm nổi trội? Điều đó còn chưa tính đến đa số những cuốn phi hư cấu là sách phát hành trong 5 năm qua, rất ít tựa sách góp mặt tại đây được xét từ những năm 2000, và điều này càng cho ta thấy việc không phân chia theo các hạng mục khác nhau khiến bảng xếp hạng tương đối hổ lốn, không có định hướng để các độc giả có thể dựa vào, từ đó tìm ra tựa sách phù hợp với phong cách đọc riêng của bản thân.

Thứ ba, việc có quá nhiều tiểu thuyết/ tác phẩm được viết bởi các nhà văn Mỹ cũng khiến không ít người hoài nghi liệu nó có mang được tính toàn cầu, dẫu tiêu chí chung còn bao hàm cả những tác phẩm dịch. Theo dõi danh sách, chỉ có 13/100 vị trí là tác phẩm dịch, và hiển nhiên, điều này không thể phản ánh đúng bối cảnh toàn cầu mà chỉ hợp lý với giới xuất bản Mỹ, nơi tác phẩm dịch thường chiếm thị phần rất nhỏ. Các tác phẩm đến từ châu Phi, châu Mỹ Latin cũng như châu Á gần như vắng bóng.

Ở khía cạnh khác, ta cũng nhìn thấy có nhiều tác phẩm đoạt giải Pulitzer - của tác giả Mỹ viết về nước Mỹ - hơn hẳn những giải thưởng khác, như Booker, Womens Prize for Fiction hay thậm chí là Nobel Văn chương. Điều này cũng không quá lạ nếu ta nhìn lại những người bình chọn chủ yếu là các công dân đến từ nước Mỹ, và không ít người trong số họ cũng đã “cầm cân nảy mực” tại giải thưởng này.

Đơn cử có khoảng 20 tác phẩm từng đoạt giải này ở nhiều hạng mục, thậm chí cán cân còn nghiêng hơn cả về những năm sau này, khi những cuốn chiến thắng vào năm 2023 như “Demon Copperhead” (Barbara Kingsolver), “Trust” (Hernan Diaz), “Stay True” (Hua Hsu) liên tục xuất hiện. Trong khi đại diện của Nobel Văn chương chỉ ghi nhận Kazuo Ishiguro với “Mãi đừng xa tôi”, Toni Morrison với “A Mercy”, Alice Munro với “Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới”, “Trốn chạy”, Svetlana Alexievich với “Secondhand Time”, Annie Ernaux với “The Years” và Jon Fosse với “Bộ bảy - Septology”.

Giải Booker hay Booker Quốc tế cũng thất bại hoàn toàn, khi không có cuốn sách nào từng chiến thắng giải thưởng lọt vào danh sách chung cuộc. Điều này cho thấy nếu muốn phản ánh đúng với tên gọi, bảng xếp hạng này cần thể hiện rõ hơn nữa những yếu tố đánh giá bên lề, về xuất xứ tiểu thuyết hay lai lịch của người viết chúng, để không đánh đồng hoặc gây hiểu nhầm cho các cuốn sách đã không xuất hiện trong danh sách này.

s%3f góp m%3ft c%3fa hàng lo%3ft tác ph%3fm do%3ft gi%3fi pulitzer và s%3f ít ti%3fu thuy%3ft d%3fch d%3ft ra câu h%3fi v%3f tính toàn c%3fu c%3fa danh sách copy.jpg -1
Sự góp mặt của hàng loạt tác phẩm đoạt giải Pulitzer và số ít tiểu thuyết dịch đặt ra câu hỏi về tính toàn cầu của danh sách.

Thứ tư, tiêu chí đánh giá của các cuốn sách cũng không được đề cập đủ. Liệu danh sách này được chọn dựa trên vị nghệ thuật hay vị nhân sinh? Liệu thứ hạng của nó phản ánh độ hay, độ độc đáo, sự thú vị trong nghệ thuật viết và quan điểm sáng tác của các nhà văn hay ở con số thương mại, số lượng bán ra, mức độ nó được bàn tán trên mạng xã hội?

Ở khía cạnh này, ta lại càng thấy những điểm bất hợp lý hơn bao giờ hết. Đơn cử, trong khi tiểu thuyết “Pachinko” của Min Jin Lee, hầu như không có nghệ thuật viết đặc biệt khi chỉ tuân theo motif của chủ nghĩa hiện thực, tái hiện số phận của con người ở hai miền Nam - Bắc Hàn còn nhiều chia rẽ đứng ở vị trí 15, thì “Vòm rừng” của Richard Powers với độ dài sử thi, đem đến câu chuyện của nhiều chủng tộc ở khắp mọi nơi và nhiều vấn đề xã hội, kết hợp cùng nhiều ẩn dụ văn hóa dân gian thì lại đứng tận vị trí 24.

Ngoài ra, trong khi “Ngày mai, ngày mai và ngày mai nữa” của nhà văn trẻ Gabrielle Zevin đứng ở vị trí 76, thì tuyệt tác “Bộ bảy” với những áng văn nói hộ những điều không thể nói ra của chủ nhân Nobel Văn chương 2023 - Jon Fosse lại nằm ở 78, còn “Nhan sắc” của Zadie Smith khai thác những xung đột chủng tộc, giai cấp, màu da trong lối viết châm biếm, giễu nhại vô cùng độc đáo thì ở vị trí 94? Và còn rất nhiều ví dụ tương tự như thế có thể liệt kê, đặt ra câu hỏi đâu là lý do giải thích cho vị trí của một cuốn sách nào đó.

Thoạt nhìn lời giải thích hợp lý nhất đó là thang đo độ yêu thích, khi rõ ràng “Pachinko” hay “Ngày mai, ngày mai và ngày mai nữa” là những tác phẩm có lượng độc giả vô cùng đông đảo nếu so với Jon Fosse hay Zadie Smith. Thế nhưng trong top 10, việc W.G.Sebald, Roberto Bolano, Kazuo Ishiguro - những nhà văn vốn được biết đến bởi lối viết độc đáo và những cách tân nghệ thuật sáng tạo - vốn không phải là tên tuổi rất được yêu thích lại nằm ở vị trí cao, thì lại không thật hợp lý với lời giải thích như đã nói trên.

Do đó có thể nói rằng bảng xếp hạng này chỉ như một danh sách tham khảo được tạo ra vô thưởng vô phạt, khi không có tiêu chí hay giới hạn cụ thể nào cho việc đánh giá. Với tôn chỉ “truyền cảm hứng đọc cho bạn đọc bởi sự đa dạng của các chủ đề, ngôn ngữ, ý kiến, trải nghiệm và trí tưởng tượng”, có thể nói danh sách lần này làm được điều đó. Nhưng để gán ghép vào lời dẫn khác mang tính sứ mệnh, rằng đây là “những cuốn sách quan trọng, có tầm ảnh hưởng nhất thời đại” thì nó lại quá khiên cưỡng. Vì vậy một khi tác phẩm nào đó không thuộc vào danh sách này không hẳn vì nó không hay, mà chỉ vì bị lãng quên trong một khoảnh khắc bởi bản chất bất toàn và vô nguyên nhiễm của chính con người. Vì vậy, nếu muốn tìm được một cuốn sách hay, hãy cứ cầm lên và ngấu nghiến nó. Biết đâu bạn sẽ tìm thấy điều gì thú vị?

Đoàn Tuấn Anh
.
.
.