Xung quanh việc bảo vệ, phát huy giá trị của di tích:

“Cẩn thận” không đúng chỗ!

Thứ Sáu, 04/12/2009, 15:00
Báo Công an nhân dân số ra ngày 3/11/ 2009 có in bài "Di tích lịch sử phải sống động, hút hồn du khách" của tác giả Hồng Thái (tức nhà văn Nguyễn Hồng Thái). Với những dẫn dụ xác đáng cùng cách phân tích ý nhị, pha nét hóm hỉnh, tác giả đã đặt ra một vấn đề rất cần được các cơ quan chức năng quan tâm, xem xét. Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, tôi xin có đôi lời bàn thêm...

Tác giả Hồng Thái quả có lý khi cho rằng, với việc những tấm biển đặt trước các di tích được ghi vẻn vẹn dòng chữ "Di tích đã xếp hạng. Cấm vi phạm", nó "hình như giống một lời răn đe hơn là lời mời gọi".

Nó khiến du khách "ai cũng cảm thấy sờ sợ, phải rón rén, dò dẫm vì sợ bị trừng phạt bất cứ lúc nào", và kết quả là "những tấm biển đanh thép như thế dễ làm nản lòng khách thập phương". Càng có lý khi tác giả buông lời than: "Nào ai mong đến chỗ văn hóa, đến di tích để phá hoại đâu".

Như chúng ta vẫn thường nói vui với nhau: ở ta, cái gì không ngăn được thì biện pháp phổ biến nhất là "cấm". Với các di tích lịch sử, văn hóa (cả được xếp hạng lẫn chưa được xếp hạng), đã có hiện tượng những tấm biển "cấm" này được dựng lên một cách tràn lan, vô tội vạ. Tưởng như chỉ cần vạch ra mấy chữ có tính "răn đe" (như nhận xét của tác giả Hồng Thái) là ai đó có thể hoàn toàn...vô tư, thoải mái kê cao gối ngủ.

Đúng ra, họ cần phải biết cân nhắc, sàng lọc, xem xem trong các di tích lịch sử, văn hóa, các hiện vật quý giá còn được lưu giữ đến hôm nay, cái nào cần có biện pháp bảo vệ, phòng ngừa từ xa, cái nào cần để cho mọi người được tiếp cận một cách thoải mái, tự nhiên. Bởi mọi di tích, hiện vật chỉ phát huy ý nghĩa văn hóa, lịch sử của mình khi nó đem đến cho du khách những bài học thiết thực, trở nên gần gũi và tiếp tục đồng hành cùng thời đại.

Ngoài chuyện lạm dụng quá mức việc sử dụng những tấm biển "Cấm vi phạm", "Cấm sờ vào hiện vật", chẳng khó khăn gì mà chúng ta không nhận thấy cái phản cảm của những tấm biển "Cấm đái bậy" được dựng lên ở không ít nơi vốn là chốn trang nghiêm, thành kính hoặc nơi mọi con mắt du khách bốn phương tìm đến.

Chẳng đã có giai thoại, nhiều du khách - nhất là những anh "Tây ba lô"- khi sang ta đã ngạc nhiên không biết hai chữ Cam Dai là gì mà xuất hiện ở nhiều phố phường Hà Nội đến thế. Thoạt đầu họ còn tưởng đó là...tên phố (chẳng thế mà trước đây, báo chí ta từng cho in một phóng sự lấy tên là "Ở đâu có phố Cam Dai"?).

Tất nhiên, câu chuyện trên chỉ là giai thoại, song quả thật, việc chăng những tấm biển "Cấm đái bậy" ở những nơi như khu vực Đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì quả là đáng xấu hổ cho chúng ta và thực sự là việc lợi bất cấp hại.

Tôi không có may mắn được thăm thú những địa danh nổi tiếng trên thế giới, song chuyến thăm Hàn Quốc cách đây ít năm cũng để lại trong tôi nhiều ấn tượng, nhất là cách người ta "đối xử" với các di tích văn hóa, lịch sử.

Tôi nhớ, trong lần cùng đoàn nhà văn trẻ Việt Nam lên thăm pháo đài cổ Gwang Seong, chúng tôi đã được thoải mái chiêm ngưỡng và thoải mái "vỗ về" những nòng thần công đen xỉn đặt trên bệ đỡ giữa một gò đất cao. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi được... đụng tay vào một khẩu thần công, mặc dù trước đấy đã được nghe nói nhiều tới loại vũ khí này trong những bài học lịch sử.

Ở Hà Nội, tôi từng nhìn thấy chúng ở một vị trí trên đường Hoàng Diệu, song vì chúng được đặt cách xa lề đường, lại giữa chốn thâm nghiêm, luôn có bộ đội đứng gác cạnh bên, cho nên cũng chỉ dám ngó nghiêng đôi chút chứ không dám tiếp cận...

Lại nhớ tới những thước phim ghi cảnh Bác Hồ sang thăm Pháp năm 1946. Một trong những cảnh huống mà tôi cho là ấn tượng nhất chính là cảnh, tại một bảo tàng, Bác nhanh nhẹn bước tới bên một nòng đại bác cổ, nhìn ngắm trong giây lát rồi bất ngờ xòe bàn tay chặn ngang miệng của nó.

Các nhà làm phim đã chớp được hình ảnh đặc sắc này và có lời bình luận chí lý: Hồ Chí Minh là người rất yêu chuộng hòa bình. Người luôn tìm mọi cách để ngăn chặn, đẩy lùi chiến tranh...

Thiết nghĩ, nếu người lãnh đạo nhà bảo tàng nọ cũng áp dụng cách thức như ở ta, là cho treo tấm biển "Cấm sờ vào hiện vật" lủng liểng bên nòng khẩu đại bác thì chắc các nhà làm phim đã không có cơ hội ghi được một cảnh huống nhiều ý nghĩa nói trên.

Như vậy, so với cách quản lý di tích, hiện vật ở nhiều nước, ta có thể thấy, ở ta, nhiều khi những người có trách nhiệm trông coi, bảo quản các di tích, các hiện vật... ít để thời gian vào việc suy xét, cân nhắc xem làm thế nào để nó vừa không bị hư hại, vừa có thể phát huy được giá trị quảng bá trong cộng đồng.

Bởi vậy, cách treo biển "Cấm vi phạm", "Cấm sờ vào hiện vật" cho hầu như tất thảy các di tích, các hiện vật..., theo tôi là một động thái... lười. Lâu dần, vô hình trung việc làm đó đã tạo cho người xem một cảm giác ngại ngần (thay vì cảm giác thoải mái, hòa đồng) khi đối diện với di tích, với hiện vật.

Nhà thơ Vũ Quần Phương, trong tập bút ký "Cưỡi ngựa máy xem Hoa Kỳ" (NXB Thanh niên, 2005) đã kể lại kỷ niệm lần đầu tiên ông đến thăm nhà thờ lớn ở Lốt Angiơlét. Ở nơi thâm nghiêm, thành kính này, ông bất ngờ khi thấy ở sân kế bên là bức tượng đồng đen đặt nằm trên mặt đất như đang làm dở chừng thể hiện cảnh Chúa Giêsu đang bị mấy tên lính đóng đinh vào cây thập tự.

Vũ Quần Phương đã ghi lại cảm tưởng khi ấy của mình: "Chúa đau đớn; những tên lính mẫn cán, vô cảm. Tượng sinh động, kích thước như người thật. Thoạt nhìn như cảnh đang diễn ra trước mắt. Du khách cúi xuống ngắm, kề sát gương mặt các nhân vật của tác phẩm. Chiêm ngưỡng, thưởng thức nghệ thuật mà như chia sẻ, an ủi thì thầm với nhân vật tượng.

Động tác người xem như đồng thời với động tác đã thành tượng của người chịu nạn". Và Vũ Quần Phương đi đến kết luận: "Công trình điêu khắc đang làm còn để chềnh ềnh trên mặt đất. Và chúng ta thì như đang tham dự vào cả hai sự kiện ấy. Tác động nghệ thuật thật bất ngờ... Nó làm cho người xem thành kẻ tham dự".

Đúng là, việc để người xem "thành kẻ tham dự" cũng cần phải trở thành một trong những tiêu chí không thể bỏ qua đối với những người có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản các di tích, hiện vật...

Nhân nhắc đến cách tổ chức, sắp xếp, bảo quản và quảng bá hình ảnh các di tích văn hóa, lịch sử nhằm thu hút du khách bốn phương, tôi lại nhớ tới câu chuyện mà nhà thơ Bùi Việt Mỹ, hiện là Tổng biên tập Báo Người Hà Nội kể lại sau chuyến anh đi thăm Pháp cách đây gần hai mươi năm.

Theo Bùi Việt Mỹ cho hay, khi đến thăm nhà thờ Đức Bà Pari, anh đã rất ngạc nhiên khi biết, để tỏ lòng ngưỡng mộ đại văn hào Víchto Huygô và cũng là đáp ứng tình cảm của hàng triệu người đọc trên thế giới vốn dĩ mến mộ anh gù Cadimiđô (nhân vật trong tiểu thuyết trứ danh "Nhà thờ Đức bà Pari" của Huygô) - một nhân vật có ngoại hình xấu xí, dị dạng nhưng lại có tâm hồn hết sức cao thượng, người ta đã tuyển dụng người điểm chuông, phục vụ một số việc vặt trong nhà thờ có ngoại hình hệt như nhân vật nói trên.

Nhà thờ Đức bà nằm ở trung tâm Thủ đô Pari, hàng năm đón hàng triệu lượt du khách tới tham quan, chiêm ngưỡng. Việc anh gù trong tiểu thuyết "Nhà thờ Đức bà Pari" còn đó đã gây được sự hứng thú lớn đối với du khách. Và đó đã trở thành một trong những "biểu tượng văn hóa" được mọi người tôn trọng.

Như vậy, để các di tích lịch sử, văn hóa không trở nên nhàm tẻ mà luôn sống động là một vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm.

Trở lại với tình hình Việt Nam. Trong bài báo nhắc tới ở phần đầu bài viết, tác giả Hồng Thái lấy làm tiếc khi thấy một di tích đặc sắc như Nhà giam Hỏa Lò (Hà Nội) "nơi thực dân Pháp dựng nên năm 1896 nhằm giam cầm tra tấn những chiến sĩ Cộng sản đấu tranh giải phóng dân tộc những năm 20, 30 của thế kỷ trước", vậy mà, ở ngoài cổng chỉ là tấm biển ghi mấy chữ "khá trừu tượng, khó hiểu": "Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Phần còn lại. Đã được xếp hạng".

Ở đây, tôi thấy tác giả Hồng Thái dùng những chữ "khá trừu tượng, khó hiểu" là một cách phê phán còn nhẹ. Phải nói, đó là những chữ cộc lốc và khá... vô cảm. Theo tác giả Hồng Thái, di tích này đúng ra phải có thêm những dòng giới thiệu với du khách tên tuổi những nhà cách mạng từng bị tra tấn, giam cầm, và cả bị sát hại ở đây. Tôi tán thành ý kiến này mặc dù biết rằng đến giờ mọi sự đã muộn.

Lại nhớ tới một bài bút ký của nhà thơ Xuân Diệu kể lại chuyến thăm Hunggari năm 1955 của ông. Xuân Diệu cho biết, tại Viện Bảo tàng Cách mạng ở thủ đô Puđapét, người ta cho phục dựng lại cả cái xà lim đã giam cầm Tổng Bí thư Đảng Lao động Hunggari Matiát Rakôsi. Chỉ một chi tiết ấy đủ cho ta thấy phía bạn trân trọng quá khứ, trân trọng lịch sử đến nhường nào..

Trong bài viết của mình, tác giả Hồng Thái lấy làm tiếc là với một di tích như Ô Quan Chưởng bên đường Hàng Chiếu "Nhiều người đến đây, cũng chỉ ngắm bức tường rêu phong, cũ kỹ. Còn muốn biết Ô Quan Chưởng, hãy về nhà tra sử sách. Đó như là sự thách đố vậy".

Tôi đồng tình với quan điểm này  và xin thêm ý kiến rằng, với những di tích đặc biệt như Ô Quan Chưởng, chúng ta cần phải có biển ghi chú cụ thể. Thậm chí còn phải giải thích cho người tham quan biết "Ô là gì? Cửa là gì? Tại sao lại có các cửa ô? Và có từ bao giờ?" - như điều mà nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc từng trăn trở và dày công tìm cách giải mã.

Như vậy, qua một vài câu chuyện nhắc tới trên, ta có thể thấy xung quanh vấn đề bảo vệ và quảng bá, phát huy giá trị của di tích, hiện vật, chúng ta có những điều thừa thì rất thừa mà thiếu thì rất thiếu

Phạm Khải
.
.
.