Xây dựng đối tác Hải quan - Doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số

Thứ Hai, 16/05/2022, 10:24

Năm 2022, với việc ngành Hải quan xây dựng, triển khai nhiều kế hoạch cải cách lớn, cùng với đó là nhiều chính sách mới được nghiên cứu triển khai, do đó tại các Cục Hải quan xác định tiếp tục đưa quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp ngày càng thực chất vào tất cả các khâu nghiệp vụ.

Gỡ vướng, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp

Theo Cục Hải quan Hà Nội, việc triển khai các chương trình cải cách, hiện đại hóa của ngành Hải quan luôn có sự song hành gắn với lợi ích của doanh nghiệp (DN), do đó, Cục Hải quan Hà Nội xác định tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động đối tác Hải quan-Doanh nghiệp, đặc biệt gắn với chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về hải quan.

Theo đó, Cục Hải quan Hà Nội luôn tích cực triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN để khôi phục, duy trì thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là giai đoạn diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Đơn vị phối hợp với các sở, ban ngành của TP Hà Nội và các tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình thực hiện các giải pháp hỗ trợ tạo thuận lợi cho DN trong hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK). Các giải pháp đồng hành, xem DN là đối tác hợp tác được triển khai đồng bộ tại các chi cục hải quan.

Chi cục trưởng Chi cục Hải quan KCN Bắc Thăng Long Nguyễn Doãn Bốn cho biết, với mong muốn tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác, đối tác Hải quan – Doanh nghiệp gắn bó, thực chất, đơn vị tập trung vào các giải pháp tạo thuận lợi trong thông quan, phân công công chức thực hiện nghiệp vụ có tinh thần trách nhiệm cao, nắm vững quy định pháp luật, giải quyết nhanh chóng thủ tục và rút ngắn thời gian thông quan. Cùng với đó, tại chi cục đã công khai số điện thoại đường dây nóng, lập địa chỉ thư điện tử để sử dụng trong công tác phối hợp giữa chi cục với các DN. Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách, thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, hiểu rõ thông tin và nâng cao nhận thức trong tuân thủ các quy định của pháp luật.

Xây dựng đối tác Hải quan - Doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số -0

Đại diện Công ty Tiếp vận Thăng Long cho biết, quá trình thực hiện thủ tục hải quan đã được cơ quan Hải quan chủ động đồng hành giải pháp vướng mắc. Đặc biệt là khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp các hình thức hỗ trợ trực tuyến đã hỗ trợ kịp thời cho DN trong hoạt động XNK hàng hóa.

Theo ông Phạm Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nam Ninh, thông qua các hội nghị đối thoại, đơn vị thường xuyên giữ mối liên hệ với DN, nắm bắt, giải quyết kịp thời vướng mắc để chia sẻ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Bên cạnh đó, Hải quan Hà Nam Ninh cũng đẩy mạnh công tác hỗ trợ, đồng hành với DN bằng nhiều hình thức phù hợp, sát thực tiễn, sát DN, giải quyết kịp thời, dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình hoạt động XNK. Tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trực tiếp tại hội nghị cũng là cách nhằm tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý để bảo đảm hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cho DN, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.

Đại diện Công ty TNHH may Nien Hsing (Ninh Bình) cho biết, hội nghị đối thoại Hải quan - Doanh nghiệp do cơ quan Hải quan tổ chức thường niên trong những năm gần đây đã chứng tỏ mối quan hệ giữa cơ quan Hải quan và DN là quan hệ đối tác, thể hiện sự bình đẳng và sự vào cuộc một cách thiết thực, có hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực XNK. Từ đó, kịp thời giải quyết những vướng mắc cho DN nhất là trong bối cảnh dịch bệnh việc thông quan hàng hóa gặp nhiều khó khăn.

Xây dựng đối tác Hải quan - Doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số -0

Ông HSU CHUN MIN, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nanpao Advanced Materials cho biết, từ khi đi vào hoạt động, DN luôn nhận được sự hỗ trợ của ngành Hải quan nói chung và của Hải quan Hà Nam Ninh nói riêng trong việc XNK, thông quan hàng hóa. Trong đó, cán bộ công chức hải quan thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin hoạt động sản xuất và kế hoạch XNK của công ty, có giải pháp phù hợp để hỗ trợ; đồng thời giải đáp những kiến nghị, vướng mắc của công ty trong quá trình làm thủ tục hải quan và thông quan hàng hóa để công ty duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, những tháng đầu năm 2022, các hoạt động hợp tác và đồng hành giữa Hải quan Bắc Ninh với cộng đồng DN bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo tiền đề để hai bên cùng trao đổi, xử lý những vướng mắc trong thực tiễn. Nhiều vướng mắc đã được Hải quan Bắc Ninh đối thoại, trao đổi, trả lời, tổng hợp và tuyên truyền đến cộng đồng DN, qua đó phát huy tính tự giác tuân thủ pháp luật của DN. Từ các hoạt động này, các chi cục hải quan trực thuộc đã nắm bắt tình hình XNK của DN, thường xuyên đánh giá biến động nguồn thu ngân sách, kip thời hỗ trợ giải quyết vướng mắc và điều chỉnh cho phù hợp thực tế, đảm bảo thu đúng, thu đủ các sắc thuế và không để phát sinh nợ thuế…

Xây dựng đối tác Hải quan - Doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số -0

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính

Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh Trần Đức Hùng cho biết, hiện trên các địa bàn do Cục Hải quan Bắc Ninh quản lý nhà nước về hải quan gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên có khoảng 6.000 DN hoạt động XNK. Đây được xem là dư địa để đơn vị này triển khai các chương trình cải cách thủ tục hành chính cũng như các hoạt động hướng đến cộng đồng DN. Trong quý I/2022, măc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng số kim ngạch, thu thuế qua các địa bàn do đơn vị quản lý đạt được những kết quả khả quan, thể hiện sự phát triển của cộng đồng DN. Cụ thể, đến hết quý I, Cục Hải quan Bắc Ninh thu ngân sách đạt 3.371 tỷ đồng, bằng 31,37% chỉ tiêu giao và đạt 28,82% chỉ tiêu phấn đấu cả năm (11.700 tỷ đồng). Tổng kim ngạch XNK qua các địa bàn đạt 46,489 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 24,492 tỷ USD, tăng 8%, kim ngạch nhập khẩu đạt 22,357 tỷ USD, tăng 26%.

Để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị đặt ra trong năm 2022, Hải quan Bắc Ninh tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách năm 2022 (theo Chỉ thị 439/CT-TCHQ). Bên cạnh đó, chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các DN trong việc triển khai Nghị định 15/NĐ-CP về chính sách miễn, giảm thuế. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật hải quan, pháp luật thuế, hướng dẫn và vận động các DN XNK trên địa bàn, tích cực tham gia thủ tục hải quan qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, Hệ thống một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính hải quan theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền về thủ tục hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán…

“Hải quan Bắc Ninh luôn xác định cộng đồng DN và Cục Hải quan Bắc Ninh là đối tác tin cậy, đồng hành cùng phát triển nhằm đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, Cục trưởng Trần Đức Hùng khẳng định.

Xây dựng đối tác Hải quan - Doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số -0

Cùng với đó, Cục Hải quan Hà Nội cũng xác định tiếp tục đưa quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp ngày càng thực chất vào tất cả các khâu nghiệp vụ. Các hoạt động được triển khai cụ thể như: cung cấp thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp các nội dung trọng yếu về thủ tục hải quan, chính sách mặt hàng, chính sách thuế, quy định mới... bằng nhiều hình thức. Đặc biệt hoạt động tham vấn Hải quan - Doanh nghiệp tập trung vào các kế hoạch cải cách, hiện đại hóa của ngành Hải quan như: thực hiện chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về hải quan; cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử; thực hiện bảo lãnh hải quan; quản lý cảng, kho, bãi, địa điểm kiểm tra; quản lý seal định vị điện tử; quản lý hoạt động quá cảnh, tạm nhập tái xuất; tái thiết kế quy trình thủ tục hải quan và hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) ngành Hải quan; thiết lập mô hình quản lý tích hợp tại biên giới.

Ngược lại ở góc độ tham vấn Doanh nghiệp - Hải quan, đơn vị tập trung vào các đề xuất, kiến nghị của DN về các giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật, quy trình thủ tục, tổ chức thực thi pháp luật; các giải pháp chống ùn ứ, ách tắc hàng hóa tại các địa điểm thông quan do dịch bệnh, thiên tai, biến cố bất thường.

Hoạt động hỗ trợ DN tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt là hỗ trợ DN khi bùng phát dịch bệnh; hỗ trợ DN khởi nghiệp; hỗ trợ DN theo các chuyên đề về phân loại, xác định trị giá, xuất xứ; tiếp cận kịp thời thông tin quy định pháp luật mới, tình hình XNK, xu hướng thương mại; giải đáp vướng mắc của DN phát sinh khi làm thủ tục hải quan và cung cấp, cập nhật thường xuyên phần mềm khai hải quan miễn phí.

Đại diện Cục Hải quan Quảng Ninh cũng cho biết, năm 2022, Cục Hải quan Quảng Ninh đặt mục tiêu không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nỗ lực cải thiện những điểm yếu, chất lượng phục vụ người dân, DN, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thời gian thực hiện các cuộc thanh, kiểm tra DN, tạo được sự ủng hộ, đồng thuận của DN đối với công tác quản lý của cơ quan Hải quan. Theo đó, năm 2022, Hải quan Quảng Ninh đặt mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ hải quan một cách toàn diện, đồng bộ với chuyển đổi số phục vụ DN XNK, hoàn thành mục tiêu 100% thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng (phi giấy tờ).

Hướng dẫn các cục hải quan địa phương xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số.

Theo Quyết định số 707/QĐ-TCHQ ngày 4/5/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các cục hải quan địa phương có nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số của đơn vị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cụ thể hóa thành các công việc rõ thời gian thực hiện, kết quả đầu ra và tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Thời hạn hoàn thành trong tháng 5/2022.

Để thống nhất việc xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số của các cục hải quan địa phương, Tổng cục Hải quan hướng dẫn các đơn vị về nội dung, Kế hoạch chuyển đổi số của các cục hải quan địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phải thống nhất với Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đã được ban hành Quyết định số 707/QĐ-TCHQ và Chiến lược, Kế hoạch phát triển của ngành, đồng thời phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng địa phương, đơn vị. Trong đó, Kế hoạch chuyển đổi số bao gồm các nội dung cơ bản: phần I, đánh giá kết quả ứng dụng công nghệ thông tin của đơn vị giai đoạn 2016 - 2020, trong đó báo cáo ngắn gọn kết quả đạt được và các tồn tại, hạn chế. Trên cơ sở mục tiêu chuyển đổi số chung của ngành Hải quan, các đơn vị xây dựng mục tiêu chuyển đổi số của đơn vị mình, bao gồm mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể. Các đơn vị xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể triển khai chuyển đổi số đến năm 2025, trong đó phân công rõ đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, kết quả đầu ra, thời hạn hoàn thành.

Căn cứ đặc thù triển khai, các đơn vị đề xuất các giải pháp để đảm bảo triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số thành công. Các cục hải quan địa phương phân công rõ nhiệm vụ cho từng đơn vị thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, trong đó phân công đơn vị đầu mối, điều phối, theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện kế hoạch

Lưu Hiệp
.
.
.