Xác thực sinh trắc học bảo đảm an toàn trong giao dịch ngân hàng
Chỉ còn 1 tuần nữa, khi chuyển tiền ngân hàng với giá trị lớn, khách hàng phải xác thực sinh trắc học.
Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, từ ngày 1/7/2024, khách hàng phải xác thực sinh trắc học khi giao dịch ngân hàng lần đầu bằng Mobile Banking; mọi giao dịch chuyển tiền có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên đều phải thông qua bước xác thực bằng sinh trắc học đối với người chuyển tiền; tổng số tiền các giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực bằng sinh trắc học.
Như vậy, chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần thì xác thực bằng mã OTP, còn chuyển tiền trên 10 triệu đồng thì bên cạnh xác thực bình thường như hiện nay, người thực hiện giao dịch còn phải xác thực khuôn mặt. Chuyển từ 10 triệu đồng trở xuống và tổng số tiền chuyển các lần trong ngày không quá 20 triệu đồng thì không phải xác thực sinh trắc học.
Khi tổng số tiền đã chạm 20 triệu đồng thì đến lần chuyển tiếp theo dù chỉ chuyển 1 đồng, người thực hiện giao dịch phải xác thực sinh trắc học trước khi chuyển. Quy định này nhằm ngăn chặn thiệt hại cho chủ tài khoản khi kẻ gian rút tiền nhiều lần với số lượng lớn. Mục đích là đảm bảo đúng chính chủ đang thực hiện chuyển tiền, qua đó góp phần đảm bảo an toàn cho chủ tài khoản, đồng thời ngăn chặn thiệt hại cho chủ tài khoản khi kẻ gian rút tiền nhiều lần với số lượng lớn.
Đại diện Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, quy định trên chỉ áp dụng với các giao dịch chuyển tiền thông thường, không áp dụng với các giao dịch thanh toán mà ở đó bên nhận tiền đã là điểm đến rõ ràng. Ví dụ thanh toán tiền điện, nước, thanh toán thuế, thanh toán phí giao thông..., tất cả những giao dịch có điểm đến rõ ràng thì không yêu cầu phải xác thực sinh trắc học.
Theo NHNN, có đến 99% vụ việc lừa đảo qua mạng, tội phạm không để lại dấu vết, vì tiền được chuyển đến tài khoản không chính chủ, được đối tượng mua bán trên mạng... Qua thống kê, hiện có 70% giao dịch chuyển tiền có giá trị dưới 10 triệu đồng. Do vậy, NHNN đã đưa ra ngưỡng giao dịch 10 triệu đồng trở lên phải xác thực khuôn mặt nhằm tăng tính bảo mật, ngăn chặn lừa đảo chiếm đoạt tài khoản, bảo đảm sử dụng tài khoản chính chủ. Đồng thời, NHNN đưa ra ngưỡng 20 triệu đồng/ngày để tránh trường hợp tội phạm thực hiện nhiều giao dịch dưới 10 triệu đồng/lần.
Xác thực sinh trắc học là khuôn mặt thật, không phải hình ảnh cài trên điện thoại. Tức là người thực hiện chuyển tiền phải soi khuôn mặt mình vào ứng dụng, nhìn lên nhìn xuống để bảo đảm đây là hình ảnh sống. Khuôn mặt của người thực hiện chuyển tiền được đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học từ CCCD gắn chip do Bộ Công an quản lý. Nếu chẳng may bị hack thì việc chuyển tiền sẽ khó vì người thực hiện chuyển tiền phải xác thực sinh trắc học chính chủ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, công nghệ sinh trắc học được xem là hạn chế tối đa khả năng làm giả và có tính bảo mật cao nhất hiện nay. Việc chuyển khoản tiền bằng xác thực sinh trắc học là an toàn và hiệu quả, giúp vô hiệu hóa nạn mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng đã tồn tại suốt thời gian qua.
Hiện nay, một loạt các ngân hàng đều đang triển khai để thực hiện xác thực sinh trắc học. Theo đó, người dân không cần phải đến ngân hàng để cập nhật mà các ứng dụng ngân hàng sẽ chủ động xác thực dữ liệu sinh trắc học của khách hàng trong trường hợp khách hàng đã có căn cước công dân gắn chip; hoặc xác thực bằng tài khoản định danh điện tử (VNeID) do hệ thống định danh điện tử tạo lập; hoặc khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong cơ sở dữ liệu của tổ chức cung ứng dịch vụ đã được kiểm tra, đối chiếu với căn cước công dân gắn chip, VneID. Để có thể xác thực sinh trắc học lần đầu theo Quyết định 2345, khách hàng có thể tự thao tác trên ứng dụng ngân hàng.
Quy trình này gồm ba bước: Chụp ảnh mặt trước, sau của căn cước công dân; chạm căn cước công dân gắn chip vào đầu đọc chip trên điện thoại để truyền dữ liệu và cuối cùng là quét khuôn mặt. Tuy nhiên, trường hợp khách hàng chưa có căn cước công dân gắn chip (tức là chỉ còn chứng minh thư nhân dân cũ), khách hàng buộc phải ra ngân hàng để thực hiện giao dịch cũng như cập nhật thông tin sinh trắc học. Ngoài ra, đối với khách hàng là người nước ngoài khi chưa được Bộ Công an triển khai định danh điện tử, sẽ được tạo điều kiện thu thập thông tin sinh trắc học tại quầy.
Đại diện ngân hàng SHB đánh giá dữ liệu về sinh trắc học khuôn mặt có độ bảo mật cao, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và Việt Nam hiện nay khi các giao dịch điện tử được mở rộng. Đây cũng là một trong những giải pháp tiên tiến, đảm bảo an toàn, cần thiết trong thời điểm các vụ gian lận và lừa đảo giao dịch có dấu hiệu tăng mạnh, đồng thời được xem là đòn bẩy thúc đẩy các ngân hàng nhanh chóng triển khai những giải pháp ứng dụng công nghệ AI liên quan đến nhận diện sinh trắc học nhằm tuân thủ và đơn giản hóa quy trình định danh khách hàng.