Vĩnh Phúc nhân rộng mô hình thí điểm phân loại rác thải tại nguồn
Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc đã phối hợp với các địa phương tổ chức triển khai thí điểm mô hình phân loại rác thải tại nguồn. Phấn đấu đến ngày 31/12/2024, toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được phân loại tại nguồn.
Ô nhiễm môi trường do tình trạng chất thải rắn sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý hiệu quả đang làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, vì vậy, việc phân loại, xử lý chất thải rắn tại nguồn góp phần bảo vệ môi trường sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc đã phối hợp với các địa phương tổ chức triển khai thí điểm mô hình phân loại rác thải tại nguồn. Phấn đấu đến ngày 31/12/2024, toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được phân loại tại nguồn.
Ban hành kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
Theo số liệu thống kê, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện khoảng 1.060 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom, xử lý đạt khoảng 95% ở khu vực đô thị, 79,6% ở khu vực nông thôn. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 35 doanh nghiệp (DN), 64 HTX vệ sinh môi trường tham gia cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.
Nhìn chung, số lượng DN hoạt động thu gom vận chuyển rác thải tương đối ổn định trong giai đoạn 2021 - 2023, tuy nhiên, số lượng HTX vệ sinh môi trường có sự giảm đáng kể do ban đầu được thành lập để đảm bảo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Qua thời gian hoạt động, các HTX gặp nhiều khó khăn về kinh phí, mô hình tổ chức quản lý, hiệu quả kinh tế nên giải thể, chuyển sang các hình thức tổ dịch vụ vệ sinh môi trường hoặc các địa phương trực tiếp ký kết hợp đồng với các DN để thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn.
Ở khu vực nông thôn, nhìn chung, mạng lưới thu gom rác thải đã cơ bản bao phủ các khu dân cư tập trung của các xã, thị trấn. Việc thu gom, xử lý được thực hiện thông qua hợp đồng thuê khoán với một số DN, hợp tác xã hoặc các tổ vệ sinh môi trường. Tỷ lệ thu gom rác thải ở nông thôn hiện đạt khoảng 76% với tần suất trung bình khoảng từ 1 - 3 ngày/lần. Trung bình hiện nay mỗi xã, thị trấn hiện có từ 1 - 2 bãi rác thải, thậm chí có địa phương hình thành bãi rác theo từng thôn, xóm, khu dân cư.
Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay có khoảng 232 bãi rác tạm thời với tổng diện tích khoảng 31,2 ha. Ngoài ra, đến nay toàn tỉnh có 37 lò đốt rác quy mô nhỏ (34 lò được đầu tư từ nguồn ngân sách, 3 lò từ nguồn vốn của DN) và 2 cơ sở đốt rác thải tập trung (Nhà máy xử lý rác thải tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương và thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc). Đối với các huyện, thành phố còn lại, đến nay các địa phương vẫn chưa triển khai được các dự án đầu tư cụ thể.
Để đảm bảo tổ chức triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh đồng bộ theo Luật Bảo vệ môi trường, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 07/3/2024 về thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại thành 3 nhóm: chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải sinh hoạt khác.
Về chính sách hỗ trợ, tỉnh sẽ xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý để khuyến khích các DN đầu tư, xử lý chất thải rắn sinh hoạt một cách bền vững, hiệu quả, trong đó, ưu tiên cho các nhà đầu tư có áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; xây dựng và triển khai thí điểm các mô hình/sáng kiến phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, tái chế ủ rác thải, ủ phân hữu cơ, thu hồi phế liệu tại các trường học trong các đoàn thể (Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân…) và trong cộng đồng địa phương; thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và ủ phân hữu cơ; chương trình truyền thông cho khu vực nông thôn nhằm tăng tỷ lệ thu hồi chất thải có khả năng tái chế, sử dụng; thực hiện thu gom, xóa bỏ những điểm nóng rác thải và xây dựng thành các điểm tập kết “xanh” hay điểm vui chơi/triển lãm mô hình tái chế; thí điểm mô hình thu gom “trạm MRF” (cơ sở vật chất phục hồi) tại các điểm du lịch, chợ, khu dân cư; tối ưu hóa tuyến đường thu gom, tần suất, thời gian thu gom và phương tiện vận chuyển; thiết lập điểm tập kết, trạm trung chuyển phù hợp và bố trí các thiết bị lưu chứa tại các điểm tập kết rác đảm bảo mỹ quan và vệ sinh môi trường.
Công tác phân loại rác thải tại nguồn là việc làm cần thiết, nhằm giảm thiểu lượng chất thải rắn đổ về các khu tập trung chôn lấp rác và tạo ra nguồn lợi kinh tế lớn từ các rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được. Đặc biệt, lượng hữu cơ lớn trong rác thải sinh hoạt (ước tính khoảng 50 - 70%) là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất phân vi sinh, một loại phân bổ dưỡng và thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, một trong những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại theo nguyên tắc chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Các cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền và nghĩa vụ từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và có trách nhiệm thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác). Các quy định này sẽ góp phần hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn của người dân.
Đưa kế hoạch vào cuộc sống
Về thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thời gian qua, Sở đã phối hợp với các địa phương tổ chức triển khai thí điểm mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở các địa phương của 2 huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc, góp phần đáng kể vào việc giảm lượng rác thải, đồng thời, thay đổi nhận thức và thói quen của người dân trong công tác thu gom, xử lý rác sinh hoạt, qua đó, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường (BVMT) tại địa phương.
Với 28 xã, thị trấn, trung bình mỗi ngày, trên địa bàn huyện Vĩnh Tường phát sinh khoảng 170 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó, khu vực đô thị là 35 tấn/ngày, khu vực nông thôn là 135 tấn/ngày. Trước tình trạng lượng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng, chính quyền huyện Vĩnh Tường đã xác định việc phân loại rác thải tại nguồn là một trong những giải pháp quan trọng giúp giảm thiểu lượng rác thải phát sinh, giảm tải áp lực lên hệ thống thu gom và xử lý rác, mà còn góp phần tái sinh tài nguyên từ rác. Theo đó, trên địa bàn người dân đã được tuyên truyền, tập huấn của các cơ quan đoàn thể về phân loại rác thải.
Trên thực tế, việc triển khai thí điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, huyện Vĩnh Tường có thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân; thôn Hệ, xã Vĩnh Thịnh; thôn Đông, xã Phú Đa và thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh được lựa chọn thực hiện. Đến nay, việc xây dựng các Làng văn hóa kiểu mẫu giai đoạn 1 đã gặt hái được “trái ngọt”. Người dân không chỉ được thụ hưởng một không gian văn hóa hiện đại, khang trang mà còn được hỗ trợ, thực hiện xây dựng môi trường sống trong lành, xanh - đẹp bằng các hoạt động, việc làm thiết thực, hiệu quả như phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình nhằm giảm thiểu, tái sử dụng rác thải.
Theo bà Nguyễn Thị Ghi, Bí thư chi bộ thôn Đông, xã Phú Đa (Vĩnh Tường- Vĩnh Phúc), đến nay, 100% người dân thôn Đông đã thực hiện phân loại rác thải tại gia đình, góp phần nâng cao ý thức trong công tác BVMT. Đặc biệt, với sự hỗ trợ từ xe chở rác thải 2 ngăn của huyện, sau khi rác thải được phân loại tại các hộ gia đình được các tổ vệ sinh môi trường thu gom về tập kết rất hiệu quả với tần suất 3 lần/tuần và được Công ty TNHH Một thành viên xử lý môi trường Trung Nguyên vận chuyển và xử lý kịp thời.
Cùng với thôn Đông, thực hiện xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, 100% hộ gia đình của thôn Hệ được hỗ trợ thùng rác thải 2 ngăn và thực hiện ký cam kết phân loại rác thải tại hộ gia đình sau khi nhận thùng đựng rác. Đến nay, thói quen phân loại rác thải tại nguồn đã đi vào nề nếp của các hộ dân trong thôn. Theo ông Nguyễn Văn Nam, thôn Hệ, khi được tuyên truyền về những lợi ích của việc phân loại rác thải tại nguồn và được tập huấn xử lý rác thải hữu cơ, gia đình đã chủ động mua thùng ủ chuyên dụng và men vi sinh xử lý rác thải hữu cơ thành phân vi sinh để tưới cây trồng tại vườn rau của gia đình. Nhờ đó, hạn chế lượng rác thải, tạo nguồn phân vi sinh vừa rẻ vừa an toàn, góp phần bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực.
Cùng với huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc cũng là một trong những địa phương được chọn để triển khai thí điểm mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Theo đó, huyện Yên Lạc đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn với lộ trình cụ thể. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên là tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, vận động Nhân dân tích cực tham gia phân loại rác thải, sử dụng các sản phẩm thay thế và ưu tiên sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường. Đồng thời, huyện cũng đã phối hợp để tiếp nhận, cấp phát tài liệu hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và hạn chế sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần đến toàn thể các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Đặc biệt, huyện đã triển khai đồng loạt mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các khu dân cư... Đến nay, sau gần 4 tháng triển khai, mô hình thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và sản xuất phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt đã đạt được những kết quả khả quan. Ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng Làng văn hóa kiểu mẫu Thụ Ích, xã Liên Châu cho biết, hiện tại, cùng với phân loại rác thải, tái chế, tái sử dụng rác thải hữu cơ, gia đình tôi cũng hạn chế sử dụng túi nilon, đồ dùng 1 lần.
Cùng với đó, tại TP Vĩnh Yên người dân cũng đã nâng cao nhận thức và có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong BVMT. Theo bà Hoàng Thị Xuân - thành viên mô hình “3 sạch”, tổ dân phố Đậu, phường Định Trung, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc - “Tham gia mô hình “3 sạch” không chỉ giúp chúng tôi hiểu hơn tác hại của rác thải, từ đó nâng cao nhận thức, giữ gìn vệ sinh từ nhà ra ngõ, bỏ rác đúng nơi quy định mà còn thường xuyên duy trì tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào Thứ bảy, Chủ nhật hằng tuần. Sau hơn 1 năm triển khai, mô hình đã được nhân rộng lên 60 thành viên, tăng 20 thành viên so với ngày đầu thành lập”.
Cùng với duy trì, nhân rộng mô hình “3 sạch”, tháng 3/2024, phường Định Trung ra mắt mô hình “Vườn sạch, nhà xanh” và “Phân loại rác thải tại nguồn” ở Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM) Gò Nọi. Đồng thời, tặng mỗi gia đình 1 thùng đựng rác, hỗ trợ men vi sinh ủ rác hữu cơ thành phân bón cho cây trồng. Đến nay, mô hình không chỉ góp phần nâng cao ý thức của các hộ dân tại LVHKM mà còn lan tỏa, thu hút sự hưởng ứng, tham gia của nhiều người dân trong công tác BVMT, biến rác thải thành nguồn tài nguyên quý giá.
Bà Phùng Thị Thu Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Khai Quang (TP Vĩnh Yên) cho biết, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của hội viên phụ nữ và người dân trong công tác BVMT, Hội đã xây dựng 3 mô hình điểm “Vệ sinh môi trường, đô thị văn minh” tại 3 chi hội; thành lập Câu lạc bộ “Gia đình 5 không, 3 sạch” với 20 thành viên tham gia, “Tổ phụ nữ thu gom rác thải”, “Phụ nữ tình nguyện làm công tác vệ sinh môi trường”, đồng thời duy trì thực hiện tổng vệ sinh tại các khu dân cư vào ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần...Qua đó từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm của hội viên phụ nữ, người dân trong công tác BVMT; diện mạo cảnh quan môi trường tại các khu dân cư ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.
Với 9 xã, phường, hiện nay, thành phố Vĩnh Yên có 70 mô hình “Nhà sạch, vườn xanh”, 3 câu lạc bộ “Hạn chế sử dụng túi nilon”, 20 tổ vệ sinh tự quản, 44 đoạn đường phụ nữ tự quản, 13 mô hình “Nói không với thực phẩm bẩn”, 6 tổ phụ nữ trồng rau an toàn, 12 chi hội có mô hình sử dụng hầm biogas, 98% chi hội duy trì thực hiện tiết kiệm điện, 1 mô hình “Tuyến phố không rác”, 1 “Ngõ phố không rác” tại phường Ngô Quyền. 100% Hội LHPN các xã, phường trên địa bàn thành phố duy trì mô hình “5 không, 3 sạch”. Cùng với đó, Câu lạc bộ Cựu Chiến binh tự quản BVMT được duy trì tại 90 chi hội, tổ dân phố thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn, vệ sinh khu dân cư, thu gom rác thải ở lòng đường, hè phố, khơi thông cống rãnh và ra quân tổng vệ sinh 1 lần/tháng.
Năm 2023, thành phố Vĩnh Yên đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức cuộc thi vẽ tranh theo chủ đề: “Phân loại rác thải để BVMT xanh, sạch, đẹp”, thu hút hơn 19 nghìn học sinh của 100% các trường tiểu học và THCS tham gia với nhiều nội dung, hình thức phong phú, thể hiện rõ về nhận thức và hành động chung tay BVMT của các em. Qua đó giáo dục, nâng cao ý thức của học sinh, lan tỏa đến cộng đồng dân cư cùng chung tay BVMT, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu. Duy trì, nhân rộng, thực hiện tốt các mô hình cộng đồng tham gia BVMT như Tuyến phố văn minh, đoạn đường tự quản; Gia đình "5 không, 3 sạch"; Phụ nữ tham gia BVMT, Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon; Ngày thứ bảy tình nguyện; Ngày chủ nhật xanh; Thanh niên xung kích, tình nguyện BVMT...
Từng bước thay đổi thói quen, tập quán của người dân
Hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, từ năm 2021 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chỉ thị, đề án, kế hoạch chỉ đạo tăng cường công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường, thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ rác thải được phân loại tại nguồn còn thấp, phần lớn lượng rác phát sinh được xử lý bằng phương pháp chôn lấp chưa bảo đảm vệ sinh môi trường, một phần xử lý bằng phương pháp đốt bằng lò đốt quy mô cấp xã và tại Nhà máy xử lý rác thải ở thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc.
Để công tác phân loại, xử lý rác thải tại nguồn được triển khai đạt hiệu quả, cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương; đồng thời, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng; đào tạo đội ngũ tuyên truyền nòng cốt về thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, trong đó, phát huy vai trò tham gia tuyên truyền của các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ gia đình, tổ chức, cá nhân; duy trì và đẩy mạnh phong trào “phân loại rác thải tại nguồn” trong các cơ quan, trường học, hộ gia đình và cơ sở kinh doanh; thực hiện các giải pháp giáo dục môi trường để lồng ghép hoạt động phân loại rác tại nguồn vào các cấp học nhằm nâng tính tự giác cho các em học sinh; nêu cao trách nhiệm xã hội của DN trong công tác xử lý chất thải và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn thể cộng đồng trong phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, BVMT sinh thái và hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.
Với mục tiêu hết năm 2024 toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh được phân loại tại nguồn, thời gian tới, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch triển khai nhân rộng mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; nhất là hướng dẫn các biện pháp xử lý sau khi các hộ dân đã tổ chức phân loại. Đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, hiệu quả của mô hình để từng bước thay đổi thói quen, tập quán của người dân trong việc giữ gìn môi trường, lồng ghép với các phong trào trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác BVMT tại các xã, thị trấn, kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt để nhân rộng mô hình...