Vietbank báo cáo hoàn thành tăng vốn điều lệ và thông qua kế hoạch chia cổ tức 25%

Thứ Sáu, 26/04/2024, 17:42

Ngày 26/4/2024, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank - VBB) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên bằng hình thức trực tuyến. Năm 2024, Vietbank hướng đến mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 29% và kiểm soát nợ xấu ở mức dưới hoặc bằng 2,5%.

Năm 2023 hoàn thành mục tiêu giữ vững an toàn hoạt động, kinh doanh hiệu quả

Nền kinh tế và ngành ngân hàng Việt Nam năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách nhưng Vietbank vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng. Các thành quả của năm 2023 thể hiện rõ ở kết quả kinh doanh với những con số tích cực được báo cáo trong Đại hội.

Tổng tài sản của Vietbank đạt 138.258 tỷ đồng, hoàn thành 111% kế hoạch. Trong đó, tổng dư nợ cấp tín dụng chiếm 58% trong tổng tài sản.

Vietbank báo cáo hoàn thành tăng vốn điều lệ và thông qua kế hoạch chia cổ tức 25% -0

Cấu trúc danh mục tài sản tiếp tục được cơ cấu theo hướng gia tăng tỷ trọng tài sản có sinh lời và luôn duy trì ở mức trên 95%.

Tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 80.754 tỷ đồng, tăng 19,6% so với năm 2022, hoàn thành chỉ tiêu được giao và cao hơn mức tín dụng trung bình toàn hệ thống.

Công tác cảnh báo rủi ro, thẩm định được nâng cao, quản lý và giám sát chặt chẽ mục đích sử dụng vốn vay và kiểm soát chất lượng tài sản cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Vietbank. Nhờ đó, chất lượng tín dụng của Vietbank luôn duy trì ở mức tốt, tỷ lệ nợ xấu tại ngày 31/12/2023 của Vietbank theo Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ 1,79% thấp hơn mức trung bình của toàn hệ thống Ngân hàng ghi nhận tại thời điểm Quý 4.2023.

Quy mô huy động vốn đạt 101.547 tỷ đồng, tăng 25,2% so với năm 2022, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Vietbank đa dạng hóa nguồn vốn huy động, đảm bảo tính ổn định, an toàn thanh khoản, góp phần cải thiện chi phí vốn ở mức hợp lý và hỗ trợ tăng trưởng tín dụng bền vững.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Vietbank năm 2023 sau kiểm toán đạt 812 tỷ đồng, hoàn thành 84,6% kế hoạch do HĐQT giao, tăng trưởng 23,8% so với năm 2022. Theo chia sẻ của lãnh đạo Vietbank, Ngân hàng đã chủ động cắt giảm lợi nhuận cũng như cắt giảm lãi suất để đồng hành và san sẻ khó khăn với thị trường nói chung và khách hàng nói riêng trong suốt năm 2023.

2024 thiết lập kế hoạch kinh doanh: Thực tế & Thận trọng

Năm 2024, Vietbank đặt mục tiêu phấn đấu lợi nhuận trước thuế 1.050 tỷ đồng, tăng 29% so với năm ngoái; tổng tài sản đạt 150.000 tỷ đồng, huy động đến từ khách hàng (bao gồm giấy tờ có giá) đạt 116.000 tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt 95.000 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu mở rộng thị phần, tăng trưởng quy mô tổng tài sản cả về chất và lượng, kiểm soát nợ xấu dưới hoặc bằng 2.5% theo quy định của NHNN (mức quy định NHNN là 3%).

So với mục tiêu đã đặt ra trong ĐHCĐ năm 2023, mục tiêu tăng trưởng năm 2024 được xây dựng thực tế và thận trọng. Kế hoạch kinh doanh năm 2024 của Vietbank đặt mục tiêu tăng lợi nhuận trước thuế tối thiểu 17% (theo kế hoạch cơ sở) và tối đa là 29% (theo kế hoạch phấn đấu) - chỉ bằng 63% mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra vào năm 2023 là 46%. Bên cạnh đó, các chỉ số về tổng tài sản, huy động tiền gửi của khách hàng cũng hướng tới tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn so với chỉ số đã được thông qua tại kì ĐHCĐ trước. Tỷ lệ tăng trưởng mục tiêu tổng giá trị tài sản giảm từ 12% xuống 8%; tỷ lệ tăng trưởng huy động theo mục tiêu 2023 là 17% giảm xuống 14% theo kế hoạch 2024. Việc đặt kế hoạch kinh doanh thực tế và thận trọng giúp phản ánh đúng tình trạng của hoạt động kinh doanh, quản lý và đảm bảo cân bằng giữa lợi ích của khách hàng với lợi nhuận của tổ chức.

Bên cạnh các chỉ tiêu về kế hoạch kinh doanh được Đại hội thông qua, HĐQT cũng báo cáo về quy chế hoạt động của Vietbank, trong đó bao gồm việc sửa đổi, bổ sung cơ cấu tổ chức bộ máy điều hành; bộ quy định về tổ chức, quản trị, kiểm soát. Với việc được Hội đồng cổ đông thông qua các tờ trình về quy chế, quy định hoạt động nội bộ, Vietbank đã hoàn thành các quy định về quản trị, tổ chức, điều hành, đáp ứng các quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng chỉ sau 3 tháng kể từ khi Luật ban hành (1/2024). Việc điều chỉnh sớm các quy định mới là bước tiến trong việc đặt nền tảng cho sự ổn định trong công tác hoạt động và điều hành của Vietbank. Đồng thời, cũng tạo điều kiện để Ngân hàng có nhiều thời gian làm quen và thích ứng với những thay đổi trước khi Luật có hiệu lực chính thức vào ngày 1/7/2024.

Trước đó, vào năm 2023, Vietbank cũng là một trong những ngân hàng đầu tiên được NHNN phê duyệt phương án cơ cấu lại hoạt động giai đoạn 2021-2025. Đây là tín hiệu tích cực trong công tác hoạt động và tính tuân thủ đối với các quy định của NHNN.

Theo Công văn của NHNN về Phương án Cơ cấu lại hoạt động gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, NHNN không có yêu cầu gì thêm, đồng thời giao Vietbank chủ động tổ chức triển khai Phương án và báo cáo định kỳ kết quả cho NHNN. Nhờ sự chủ động và tích cực trong việc kiểm soát nợ xấu, tỉ lệ nợ xấu của Vietbank luôn được kiểm soát ở mức thấp so với quy định của NHNN (<3%). Đặc biệt, năm 2023, Vietbank ghi nhận nợ xấu chỉ 1.79%, giảm 0.68% so với kết quả 2022 và thấp hơn mức trung bình toàn ngành 1.93% tại thời điểm Qúy 4/2023. Việc liên tục duy trì nợ xấu dưới mức trần giúp Vietbank nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, giải phóng chi phí trích lập dự phòng, từ đó tái đầu tư vào các hoạt động Ngân hàng.

Trong đó, theo báo cáo của HĐQT tại Đại hội, Vietbank sẽ triển khai mạnh mẽ hoạt động Phát triển mạng lưới trên toàn quốc trong năm 2024. Theo phê duyệt của Thống đốc NHNN, Vietbank dự kiến mở mới 14 điểm giao dịch bao gồm 5 Chi nhánh, 9 Phòng Giao dịch trên địa bàn 13 tỉnh từ Bắc tới Nam. Đặc biệt, Vietbank dự kiến khai trương Chi nhánh đầu tiên tại Cà Mau – Cực Nam của Tổ quốc. Chia sẻ về kế hoạch Phát triển mạng lưới, đại diện Ban Phát triển mạng lưới cho biết: “Việc xây dựng các điểm giao dịch trên toàn quốc thuộc chiến lược hoạt động trung và dài hạn của Vietbank. Ngoài việc nâng cao tổng giá trị tài sản của Ngân hàng, việc tăng số lượng điểm giao dịch cũng giúp cho Vietbank đến gần hơn với người dân ở các địa phương bên cạnh những khu vực kinh tế trọng điểm, thành phố trực thuộc Trung ương. Mỗi khách hàng, dù ở đâu, là ai cũng đều quan trọng và Vietbank luôn nỗ lực trong việc thiết kế và cung cấp giải pháp, sản phẩm phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế của họ”.

Vietbank báo cáo hoàn thành tăng vốn điều lệ và thông qua kế hoạch chia cổ tức 25% -0

Vietbank ghi tên mình vào nhóm Ngân hàng có tỉ lệ chia cổ tức cao

Với 99.99% tán thành trong Đại hội, Vietbank chính thức thông qua quyết định chia cổ tức năm 2024 với tỉ lệ 25% với hình thức chi trả bằng cổ phiếu. Đây là mức chi trả cao so với mặt bằng chung thị trường cổ tức năm nay khi nền kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc rõ nét. Tỉ lệ chi trả cổ tức của Vietbank sẽ được ghi nhận trên vốn điều lệ mới sau khi hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ được thông qua tại ĐHCĐ 2023 – dự kiến theo kế hoạch là 5.780 tỷ đồng. Như vậy, dự kiến tổng số lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường sau khi hoàn thành kế hoạch sẽ đạt mức trên 713 triệu cổ phiếu.

Trước đó, vào năm 2019, Vietbank cũng đã chi trả cổ tức với tỉ lệ 14% cũng với hình thức chi trả bằng cổ phiếu. Việc liên tục chi trả cổ tức bằng cổ phiếu của Vietbank là phù hợp với các quy định của NHNN trong Chỉ thị 01.2023.

Việc phân phối lợi nhuận và chi trả cổ tức của Vietbank trong năm 2024 sẽ giúp Vietbank tăng vốn điều lệ năm thứ 2 liên tiếp, đưa vốn điều lệ của Ngân hàng lên mức 7.139 tỷ đồng. Trước đó, tại ĐHĐCĐ năm 2023, Vietbank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 4.777 tỷ lên 5.780 tỷ bằng hình thức chào bán 100,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 100:21, mệnh giá 10.000đ/cổ phiếu. Tại ĐHCĐ 2024, Vietbank cũng đã báo cáo kết quả triển khai hồ sơ tăng vốn và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Theo đó, Ngân hàng đã được UBCKNN xác nhận kết quả chào bán. Như vậy, sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, Ngân hàng sẽ chạm mốc vốn điều lệ mới là 5.712 tỷ đồng. Việc tiếp tục tăng vốn điều lệ của Vietbank nằm trong lộ trình và kế hoạch trung – dài hạn, đây cũng là một trong các kế hoạch được NHNN chấp thuận trong phương án cơ cấu lại hoạt động. Tăng gấp đôi vốn điều lệ sau một thập kỉ, lãnh đạo Vietbank chia sẻ “Đây là một trong những điều kiện quan trọng trong việc tiếp tục củng cố năng lực tài chính và từng bước nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh của Vietbank trên thị trường. Việc củng cố khả năng vốn của Vietbank cũng sẽ tác động đến các chiến lược và chính sách phát triển sản phẩm, hoạt động của Ngân hàng. Giúp Ngân hàng tiến nhanh, tiến xa nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển an toàn và bền vững”.

Song song với sự tăng trưởng các chỉ số tài chính, Vietbank luôn đồng hành cùng cộng đồng xã hội cũng như gia tăng ứng dụng chuyển đổi số trong bối cảnh mới. Đầu năm 2024, Vietbank đã được vinh danh là Top 50 Doanh nghiệp xuất sắc nhất Vietbank. Ngay trước thềm ĐHCĐ 2024, ngày 25/4/2024 cũng vừa đón nhận giải thưởng Top 50 Doanh nghiệp tăng trưởng xuất sắc nhất Việt Nam năm 2024. Giải thưởng là sự ghi nhận cho những nỗ lực trong việc duy trì hiệu quả hoạt động kinh doanh ổn định và bền vững trong suốt giai đoạn 2022-2023 và có nhiều đóng góp đáng kể cho cộng đồng, xã hội và ngân sách Nhà nước.

Hướng tới năm kinh doanh 2024, Vietbank tiếp tục kiên định với định hướng trở thành Ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam với chiến lược phát triển ổn định, bền vững, nâng cao chất lượng tài sản có sinh lời; tuân thủ theo các quy định của Nhà nước; nâng tầm dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng; tái cấu trúc tổ chức và nhân sự nhằm nâng cao hiệu suất lao động và phù hợp với định hướng phát triển mới do Ban lãnh đạo đặt ra.

PV
.
.
.