Việt Nam thu hút đầu tư mạnh vào công nghiệp bán dẫn
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), nhiều tập đoàn, doanh nghiệp (DN) lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor…
Theo Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, ông Choi Joo-ho, Samsung vẫn liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam và trong năm qua đã đầu tư thêm khoảng 1,2 tỷ USD. Tới đây Samsung sẽ tăng cường hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) để vận hành phòng lab về đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin và đào tạo nhân tài công nghệ cũng như hỗ trợ các DN khởi nghiệp.
Về công nghiệp bán dẫn, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam xác định đây là một động lực phát triển mới và sẽ đầu tư để tham gia vào cả 3 công đoạn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn gồm thiết kế, chế tạo và đóng gói; hiện đang tiếp tục tập trung phát triển nền tảng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực và sẽ có chính sách ưu đãi phù hợp. Do vậy, việc Việt Nam thu hút và ưu tiên thu hút DN đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn sẽ mang lại cơ hội cho không chỉ các DN trong nước mà cả DN FDI. Bởi khi càng nhiều doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam, việc liên kết, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN càng dễ dàng hơn.
Chia sẻ về xu hướng đầu tư vào ngành công nghệ cao, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, sau những thành tựu đối ngoại, ngoại giao cấp cao, ngoại giao kinh tế quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, nhiều DN lớn trên thế giới đã tăng cường trao đổi, hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp mới như chíp, bán dẫn, đào tạo nhân lực chất lượng cao…
Trước đó, đã có 52 tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao đã đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư. Dòng vốn FDI từ Mỹ đầu tư vào Việt Nam năm 2023 cũng tăng so với nhiều năm trước, đạt khoảng 626 triệu USD. Do vậy, cơ hội thu hút đầu tư FDI trong năm 2024 đang mở ra choViệt Nam. Cùng với đó, nếu các DN lớn trong nước như FPT, Vingroup, Viettel hợp tác với các tập đoàn FDI thì vị thế sẽ khác. Bởi các tập đoàn này đã có nền tảng công nghệ, có vốn, có thương hiệu để hỗ trợ các công ty con hợp tác với các tập đoàn FDI. Như vậy, các DN phụ trợ trong nước mới có thể tham gia vào các khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị của các tập đoàn công nghệ FDI.
Ở góc độ địa phương, ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, Bắc Ninh xác định đây là cơ hội để nắm bắt, chuẩn bị tốt nhất cho việc đón nguồn vốn từ nước ngoài. Trong lĩnh vực bán dẫn, về hạ tầng, KCN Bắc Ninh là khu vực có hạ tầng công nghiệp lớn nhất miền Bắc để trở thành trung tâm nghiên cứu sáng tạo chuyển giao. Tỉnh Bắc Ninh có chính sách hỗ trợ 50% học phí cho sinh viên đối với lĩnh vực công nghệ cao.
Đối với ngành vi mạch bán dẫn, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh có hệ sinh thái tương đối liền mạch, sở hữu nguồn nhân lực trình độ cao, có văn hóa về đổi mới sáng tạo. Thành phố nhận định ngay từ đầu năm 2002, nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng, đã có trung tâm đào tạo bán dẫn với Synopsys, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng.
Việc thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn sẽ mang đến cơ hội lớn cho Việt Nam trong tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, ngành công nghiệp bán dẫn đang đặt ra các thách thức cho các DN và Chính phủ các nước, trong đó Việt Nam cũng đang phải đối mặt với thách thức như: Chi phí đầu tư cao, ngành công nghiệp bán dẫn đang chịu áp lực từ sự cạnh tranh cao, đặc biệt là từ các nước như Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Thách thức về công nghệ; yêu cầu về đội ngũ nhân sự chất lượng cao rất lớn và thực tế nguồn nhân lực của Việt Nam mới chỉ đang dừng lại ở giai đoạn đầu, kỹ năng và trình độ chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các DN.
Để ngành công nghiệp bán dẫn ở nước ta phát triển xứng tầm với các lợi thế sẵn có, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH&ĐT thông qua Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã ký hợp tác với 2 tập đoàn lớn nhất của Hoa Kỳ về thiết kế chip là Synopsys và Cadence để hợp tác trong việc thành lập các trung tâm nghiên cứu, ươm tạo thiết kế vi mạch bán dẫn. Đồng thời, Bộ phối hợp với hơn 30 trường đại học, viện nghiên cứu lớn trong nước và quốc tế để triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực; phối hợp với các viện nghiên cứu lớn của Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) để đặt các văn phòng đại diện, văn phòng nghiên cứu tại NIC.