Vì sao còn ít doanh nghiệp Việt gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu?
Các nhà đầu tư nước ngoài đang tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra quá trình tái cấu trúc. Song, để gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn là bài toán khó đối với doanh nghiệp (DN) Việt.
Cả nước có gần 1 triệu DN, nhưng chỉ có khoảng 5.000 DN thực sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cũng cho rằng, theo số liệu của Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương, trong 5.000 DN này chỉ có 100 DN là nhà cung ứng cấp 1. Sau gần 40 năm phát triển DN, tỷ lệ DN Việt Nam thực sự trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu là rất thấp.
Tương tự, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhận định, mặc dù chuỗi cung ứng đã dần được tái cấu trúc, nhưng thực tế đa số các DN công nghiệp của Việt Nam còn nhỏ lẻ, chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị.
Theo các chuyên gia, mặc dù có nhiều cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc cung ứng sản phẩm, linh kiện cho tập đoàn nước ngoài lớn đang đầu tư tại Việt Nam nhưng thực tế cho thấy vẫn chưa nhiều DN Việt Nam tận dụng được cơ hội này.
Nguyên nhân là do dù tăng về quy mô, số lượng, một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam được đánh giá đáp ứng nhu cầu trong nước và đã xuất khẩu (XK) sang một số quốc gia trên thế giới nhưng năng suất của DN trong nước còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn lớn tại Việt Nam về số lượng, mẫu mã, chất lượng cũng như thời gian giao hàng. Bên cạnh đó, đa số DN CNHT thường có quy mô nhỏ, khó khăn về tài chính, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và chưa chú trọng đầu tư vào dây chuyền công nghệ.
TS Lê Duy Bình cho hay, chưa có những cơ chế, chính sách riêng cho khuyến khích phát triển logistics XK. Chuỗi sản xuất, XK còn gặp vướng mắc theo các quy định của pháp luật hiện hành. Nhận thức và năng lực thực thi chính sách thúc đẩy XK từ phía các DN cũng là hạn chế.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, các sản phẩm điện tử thường có tuổi thọ tương đối ngắn, thường xuyên thay đổi tính năng và mẫu mã, trong khi năng lực của DN trong nước hạn chế, không đủ nguồn lực để đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm, thương hiệu. Do vậy, công đoạn có hàm lượng giá trị gia tăng cao vẫn phụ thuộc vào chuỗi sản xuất nước ngoài. Ngoài ra, bối cảnh quy định về sản xuất bền vững của châu Âu, Hoa Kỳ ngày một thắt chặt càng tạo thêm áp lực và gia tăng chi phí với DN Việt, vốn có quy mô và nguồn lực khiêm tốn.
Để khắc phục tình trạng trên, bên cạnh chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, DN trong nước cần quan tâm nhiều hơn nữa đến đầu tư dây chuyền sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ, nhằm đáp ứng tốt hơn về số lượng, chất lượng và cả thời gian giao hàng. Cùng đó, tăng cường liên kết với các viện nghiên cứu trong và ngoài nước, tập đoàn nước ngoài để tìm hiểu, tiếp cận nhanh hơn với dây chuyền công nghệ mới. Qua đó, cải thiện được năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu của tập đoàn nước ngoài và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ở góc độ địa phương, ông Lê Khắc Bảo, Phó trưởng Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương TP Hải Phòng cho biết, khó khăn chính của DN trong tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn mà Hải Phòng đã thu hút đầu tư trên địa bàn như LG, Bridgestone… là khả năng tài chính của các DN còn hạn chế. Bên cạnh đó, yếu tố công nghệ, thiết bị, công tác quản trị DN của một số DN nội còn gặp nhiều khó khăn, cộng với quy mô còn rất nhỏ, về cơ bản chưa làm chủ được máy móc, thiết bị để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn mà các DN lớn yêu cầu nên gần như là các DN Việt không thể tham gia được.
Theo ông Bảo, Sở Công thương Hải Phòng đang đề xuất một số nội dung để khi các DN lớn đến thành phố phải có một số ràng buộc, ví dụ như về chuyển giao công nghệ, hay là cho các DN nhỏ và vừa có thể tham gia vào một chuỗi nào đó ở trong sản xuất để thúc đẩy phát triển CNHT của các DN vừa và nhỏ trong nước lên, đảm bảo mục tiêu theo chương trình phát triển CNHT thành phố đặt ra là 60% các sản phẩm công nghiệp do các DN vừa và nhỏ trên địa bàn trong nước sản xuất.
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc CNCTech Thăng Long, Tập đoàn CNCTech cũng chia sẻ, ngoài những nhu cầu, tiêu chí truyền thống như chất lượng, giá cả, tiến độ giao hàng, các khách hàng cũng có những tiêu chuẩn và yêu cầu rõ ràng, như trách nhiệm xã hội, sản xuất thông minh, phát triển xanh, phát triển bền vững… và DN phải đáp ứng tốt các yêu cầu đó. Bên cạnh đó, cần đổi mới cách tiếp cận về cải cách thể chế và chính sách hỗ trợ đối với các DN. Điều quan trọng nhất, các DN phải có khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) lưu ý, DN cần chủ động nắm bắt thông tin, định vị thị trường và khách hàng mục tiêu. Từ đó, tập trung cho việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm phù hợp cho từng thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất và xuất khẩu bài bản để có thể thích ứng với yêu cầu của nhà phân phối khi tham gia chuỗi cung ứng…