Triển lãm quốc tế về ngành in thêu, dệt may tại Bình Dương
Ngày 21/9, tại Trung tâm Triển lãm WTC EXPO, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) diễn ra lễ khai mạc “Triển lãm quốc tế thiết bị, công nghệ in thêu, sản phẩm và nguyên phụ liệu dệt may tại Việt Nam - ITCPE - VIETNAM TEXPRINT 2023”. Triển lãm diễn ra từ ngày 21 đến ngày 23/9 do Công ty VIETFAIR, Công ty TNHH Allallinfo Media Việt Nam phối hợp tổ chức.
Theo Ban tổ chức, triển lãm quy tụ 200 gian hàng giới thiệu các sản phẩm, công nghệ tiên tiến nhất cho ngành công nghiệp in thêu, gia công trang phục, sản xuất vải, cung ứng sản phẩm và nguyên phụ liệu dệt may,…
Triển lãm là nơi giúp cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế gặp gỡ, tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hợp tác liên doanh liên kết, mở rộng thị trường, tiếp cận với công nghệ sản xuất và nguồn nguyên phụ liệu mới.
Đây cũng là sự kiện quốc tế chuyên ngành lần đầu tiên về lĩnh vực in thêu, dệt may được tổ chức tại Bình Dương - vùng đất công nghiệp, trong đó doanh nghiệp ngành may mặc chiếm tỉ lệ rất cao.
Ban tổ chức triển lãm kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp tại Bình Dương và các tỉnh thành tập trung nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh,…Từ đó tạo cơ hội quảng bá, phát huy vai trò là cầu nối liên kết các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, thúc đẩy sản xuất, ổn định thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tại Triển lãm, Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) còn chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức “Hội thảo - Tọa đàm ngành in - thêu - dệt may 2023” với nội dung chính là chuyển đổi kỹ thuật số và tính bền vững trong in ấn, dệt may; Công nghệ in nhãn - giải pháp chống hàng giả ngành dệt may; Giải pháp in vải tùy chỉnh cho các doanh nghiệp…
Ngoài ra, Ban tổ chức còn tổ chức chương trình tham quan, khảo sát chuyên sâu một số khu công nghiệp, khu chế xuất tại Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh... nhằm tìm hiểu về chính sách xúc tiến đầu tư của tỉnh; đồng thời tăng cường giao lưu hợp tác với các hiệp hội ngành hàng tăng cường ứng dụng quản lý nhà máy thông minh, thiết bị sản xuất thông minh, cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của ngành.
Được biết, dệt may là ngành công nghiệp chủ đạo, đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu bền vững trung bình từ 8% - 15% mỗi năm, góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế của đất nước. Hiện nay, ngành này sử dụng hơn 2 triệu lao động, xuất khẩu hơn 40 tỷ USD/năm, với thu nhập trung bình của người lao động đạt khoảng 8,5 triệu đồng/người/tháng.