Triển khai các dự án điện khí đảm bảo cung ứng điện an toàn, thúc đẩy chuyển dịch năng lượng

Thứ Ba, 03/10/2023, 19:26

Không chỉ là nguồn điện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện vào năm 2030, điện khí còn có lợi thế về sự ổn định, tính sẵn sàng cao khi cần huy động, phủ định nhanh trong trường hợp các nguồn điện khác, đặc biệt là nguồn điện năng lượng tái tạo, giảm phát.

Việc triển khai các dự án điện khí theo đúng tiến độ đặt ra trong Quy hoạch Điện VIII vì thế có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước, và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng.

Nếu ví nền kinh tế là một “cơ thể sống” thì điện chính là “máu”, là “nguồn sống” của nền kinh tế. Vậy nên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt được Đảng, Chính phủ đặt ra đối với ngành điện là “phải đi trước một bước”. Đi trước để tạo nền tảng, tiền đề cho các ngành, lĩnh vực khác hay nói đúng hơn là để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng cho quá trình tăng trưởng, phát triển của “cơ thể” nền kinh tế. Quan điểm này tiếp tục được khẳng định trong Quy hoạch Điện VIII: “Điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực phải đi trước một bước tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao đời sống Nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh…”.

1.jpg -0
Phối cảnh dự án điện khí LNG Quảng Ninh

Phát triển hệ thống điện, đặc biệt là các nguồn điện mới, vì vậy có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mọi sự chậm trễ trong việc triển khai các dự án nguồn điện mới có thể khiến nền kinh tế đứng trước những rủi ro lớn về việc đảm bảo cung ứng điện và an ninh năng lượng. Cũng chính bởi lẽ đó, ngay sau khi Quy hoạch Điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vấn đề làm sao để sớm nhất, nhanh nhất “khởi động” các dự án nguồn điện mới đã được nhiều chuyên gia, nhà quản lý đặt ra.

Theo Quy hoạch Điện VIII, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước đến năm 2030 sẽ là 150.489 MW (không bao gồm xuất khẩu, điện mặt trời mái nhà hiện hữu, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới). Quy mô công suất này gấp gần 2 lần so với công suất đặt hệ thống hiện nay. Áp lực, thách thức đặt ra đối với ngành Điện trong việc phát các nguồn điện mới vì thế là vô cùng lớn. Vậy nên, ngay từ lúc này, việc đảm bảo triển khai các dự án nguồn điện mới theo đúng tiến độ đề ra trong Quy hoạch Điện VIII là yêu cầu kiên quyết, cấp bách đặt ra. Có như vậy thì mục tiêu “Cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, khoảng 6,5 - 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 – 2050” được đặt ra mới đạt được.

Đó là xét về quy mô, tính cấp bách trong việc sớm triển khai các dự án nguồn điện mới. Còn xét trong cơ cấu nguồn điện thì điện khí lại đang giữ vai trò vô cùng lớn. Khi mà thủy điện gần hết dư địa phát triển, điện than sẽ không được phát triển sau năm 2030, điện khí, với dải công suất lớn, tính ổn định cao, không chịu tác động bởi các yếu tố thời tiết, được đánh giá là nguồn điện sẽ gánh vác vai trò làm “trụ đỡ” đảm bảo sự ổn định, an toàn cho hệ thống điện. Cụ thể, theo Quy hoạch Điện VIII, đến năm 2030, công suất điện khí (bao gồm điện khí trong nước và LNG) sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng với 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện; trong khi nhiệt điện than chiếm 20%, thủy điện chiếm 19,5%, điện gió trên bờ và ngoài khơi chiếm 18,5%.

Vậy nên, việc ưu tiên triển khai các dự án điện khí còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, nguồn điện được ưu tiên phát triển theo Quy hoạch Điện VIII nhưng lại thiếu tính ổn định, dễ chịu tác động của các yếu tố thời tiết, khi phát triển cần có các nguồn điện nền đủ mạnh để bù đắp mỗi khi giảm phát. Khi đó, điện khí sẽ không chỉ giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo cung ứng điện mà sẽ còn giữ vai trò “điều tiết”, bù đắp cho các nguồn năng lượng tái tạo phát triển. Điều này cũng là cơ sở để chúng ta sớm cụ thể hóa các mục tiêu cam kết với quốc tế tiến tới đạt Net Zero vào năm 2050.

Việc sớm triển khai các dự án điện khí mới còn mang lại nhiều lợi ích khác cho nền kinh tế, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển hóa nguồn lực tài nguyên (khí tự nhiên) thành nguồn phát triển kinh tế đất nước. Đơn cử như chuỗi dự án Lô B chẳng hạn. Việc sớm triển khai các dự án điện khí tại Trung tâm điện lực Ô Môn sẽ là cơ sở để triển khai các dự án thành phần khác (thượng nguồn và trung nguồn) của chuỗi dự án Lô B. Khi chuỗi dự án này đi vào vận hành, ngoài việc đóng góp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 22 tỷ kWh/năm nó còn mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo tính toán, chỉ riêng khâu thượng nguồn (khai thác khí) của chuỗi dự án có thể mang lại cho ngân sách nhà nước khoảng 1 tỷ USD/năm.

Tính cấp bách trong việc triển khai các dự án điện khí và những lợi ích mà nó mang lại là vậy nhưng thực tế, việc triển khai các dự án này lại đang phải đối diện với những rào cản, vướng mắc rất lớn. Nổi lên trong đó là vấn đề về việc xác định giá điện khí và cơ chế bao tiêu sản lượng hằng năm. Đây là rào cản, vướng mắc lớn nhất mà hầu hết các dự án điện khí đã và đang phải đối diện từ nhiều năm nay và chưa có lời giải.

Ngọc An
.
.
.