Trích quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ lao động mất việc: Không nên lạm dụng

Thứ Bảy, 10/12/2022, 16:30

Thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam từ đầu năm đến ngày 28/11, hơn 472.000 lao động đang chịu ảnh hưởng trực tiếp suy giảm việc làm, mất việc.

Trong đó hơn 41.500 lao động mất việc và 430.600 người bị giảm giờ làm hàng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng.

Đây mới chỉ là con số xét trong khu vực lao động có hợp đồng, nếu tính cả số lượng người không có giao kết lao động sẽ còn lớn hơn. Trước thực tế này, vừa qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị doanh nghiệp được hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Trích quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ lao động mất việc: Không nên lạm dụng -0
Tình trạng cắt giảm lao động xảy ra chủ yếu ở những ngành sản xuất hàng xuất khẩu do doanh nghiệp không có đơn hàng - Ảnh minh họa Dân Trí.

Liệu đề xuất này có thực sự phù hợp trong bối cảnh hiện nay, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí.

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về đề xuất trích quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp và những người lao động bị mất việc, giãn việc?

TS Bùi Sỹ Lợi: Nguyên tắc của quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là chi cho người lao động bị mất việc làm và để chi đào tạo, nâng cao lại tay nghề cho người lao động để tìm kiếm việc làm mới.

Đây không phải quỹ để bù đắp cho việc giảm giờ làm, thiếu việc hoặc giãn việc làm. Chính vì vậy, đề nghị này không phù hợp với quy định của pháp luật.

Thứ 2, qua đại dịch COVID-19 vừa qua, chúng ta đã dùng đến 38.000 tỷ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116 của Chính phủ để chi trả, hỗ trợ cho người lao động. Đó là chính sách đặc biệt trong tình thế đặc biệt.

PV: Vậy theo quan điểm của ông, trước thực tế này, chúng ta cần có những giải pháp nào để hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như người lao động?

TS Bùi Sỹ Lợi: Giải pháp quan trọng và tốt nhất theo quan điểm của tôi, đó là chúng ta cần cân đối việc làm cho mọi người lao động, chúng ta giảm đều cho mọi người lao động. Tôi cũng khuyến cáo doanh nghiệp không được sa thải công nhân hoặc chấm dứt hợp đồng với người lao động khi khó khăn.

Chúng ta phải tập trung hỗ trợ người lao động để giữ chân người lao động, để khi có đơn hàng mới, chúng ta có lao động để sử dụng. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải giữ được người lao động, đảm bảo việc làm, chúng ta không phải tuyển dụng lao động mới, không thay thế lao động trong thời điểm khó khăn như thế này.

Quan trọng hơn, doanh nghiệp có thể tìm kiếm thêm việc làm mới, cơ cấu lại ngành nghề, mở rộng thêm ngành nghề và dùng quỹ bảo hiểm thất nghiệp đó để đào tạo, giữ chân người lao động.

Đồng thời có thể hỗ trợ thêm cho người lao động từ quỹ phúc lợi của doanh nghiệp, khi người lao động thiếu việc làm, để người ta có cuộc sống tốt nhất, đấy là phía doanh nghiệp.

Về phía Nhà nước, phía chính quyền địa phương, chúng ta có các giải pháp như hỗ trợ tiền thuê nhà, tiền điện, nước; hỗ trợ cho vay không lãi để người lao động cải thiện, chăm lo đời sống. Tôi nghĩ, đây là những biện pháp công đoàn phải tập trung, nghiên cứu, xem xét.

Thậm chí, chúng ta có thể sử dụng bằng nguồn huy động của công đoàn, quỹ công đoàn để chúng ta giải quyết vấn đề này.

PV: Xin cảm ơn ông.

PV
.
.
.