Tìm giải pháp tăng sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp

Thứ Năm, 27/07/2023, 06:39

Kinh tế khó khăn, tín dụng tăng trưởng kém, dù vốn rẻ và ứ thừa, nhưng doanh nghiệp (DN) lại khó tiếp cận tín dụng ngân hàng. Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho DN”, do Thời báo Ngân hàng tổ chức dưới sự chỉ trì của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) tổ chức ngày 25/7 đi tìm lời giải cho bài toán này.

Ngân hàng “chưa bao giờ khó như lúc này!”

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, ngành Ngân hàng nhận được nhiều ý kiến của các hiệp hội, ngành hàng, các chuyên gia và đặc biệt là những chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của DN, người dân, góp phần cùng các cấp, các ngành, các địa phương, các hiệp hội, ngành nghề giải quyết “bài toán” tăng sức hấp thụ vốn cho DN vượt qua khó khăn hiện nay.

Tuy nhiên, ông Tú cho biết, với vai trò điều hành chính sách tiền tệ, chưa bao giờ NHNN điều hành chính sách tiền tệ khó như hiện nay. Bởi lẽ, điều hành chính sách tiền tệ trong nền kinh tế mở cửa không thể tránh những tác động từ chính sách tài chính, tiền tệ nói chung và từ các quốc gia khác. Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam cũng rất khó khăn sau 2 năm đại dịch. Sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ quyết định sự an toàn, lành mạnh của nền tài chính quốc gia trong cả ngắn hạn, trung và dài hạn. Đây là nhiệm vụ rất khó của NHNN.

“Tuy nhiên, vấn đề trọng tâm lúc này là vấn đề tín dụng. NHNN cũng nhận thức được trách nhiệm giúp DN vượt qua khó khăn lúc này”, ông Tú cho biết.

Tìm giải pháp tăng sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp -0
Nhiều ngân hàng đang tích cực giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, để tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, DN, thời gian qua, NHNN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, như: Hạ lãi suất, chỉ đạo TCTD đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay; tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng - DN; tăng cường hoạt động truyền thông, phổ biến về cơ chế, chính sách, chương trình tín dụng bằng nhiều hình thức để người dân, DN hiểu và tiếp cận các chính sách, sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng…

Chia sẻ thêm những khó khăn của ngành Ngân hàng, TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, cùng với tăng trưởng tín dụng thấp thì những khó khăn từ thị trường vốn và thị trường bất động sản dẫn đến chất lượng tài sản ngân hàng suy giảm, nợ xấu tăng.

“Thực tế, từ cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 1,92%, song đến cuối quý II/2023, nợ xấu của các TCTD gia tăng mạnh so với trước, nợ xấu tiềm ẩn đến nay 5,34%, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 3%, một số ngân hàng, công ty tài chính nợ xấu tăng đột biến trên 5%”, ông Hùng thông tin.

Tái cơ cấu, nâng tầm doanh nghiệp

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nhận định: “Có thể nói, các chính sách của ngành Ngân hàng đã gỡ đúng và trúng vào những điểm nghẽn khó khăn của DN, sát sườn nhất đó là việc hỗ trợ nguồn vốn đối với DN. Song hiện nay, có một thực trạng là những DN không vay được vốn tín dụng cũng tương đối nhiều. Nguyên chính là do bản thân DN chưa chứng minh được năng lực hoàn trả vốn, cũng như chưa chứng minh năng lực quản lý, minh bạch tài chính…”, ông Thân phân tích và cho rằng, tự bản thân các DN cần phải nâng tầm trình độ quản lý, năng lực tài chính. Cùng với đó, về mặt chiến lược, Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ phải làm sao hỗ trợ, nâng tầm DNNVV thông qua nhiều giải pháp như: Chính phủ sớm có đề nghị sửa đổi Luật Hỗ trợ DNNVV theo hướng từng bước chuyển hướng các chính sách hỗ trợ DN từ chiều rộng, dàn trải sang chiều sâu; tạo điều kiện cho DN cơ cấu lại năng lực sản xuất, nhằm phát triển ổn định, lâu dài. Tập trung thực thi có hiệu quả nhóm giải pháp hỗ trợ DNNVV phát triển bền vững, phát triển chuỗi…

Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) đề xuất chính sách tài khóa cần thêm sự chủ động, giải pháp trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tiếp tục quan tâm tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, đặc biệt là khối DN ngành sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. Qua đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần giảm bớt áp lực chi phí đầu vào, giảm giá đầu ra. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ rằng, DN phải tìm mọi biện pháp vượt khó. Bản thân May 10 nỗ lực tìm kiếm thêm các thị trường xuất khẩu tiềm năng mới, kết hợp tập trung vào thị trường trong nước và không chỉ phụ thuộc nguồn vốn tín dụng mà đã linh hoạt sử dụng nguồn vốn tự có, giảm vay vốn ngân hàng để cân đối chi phí tài chính.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, hiện nay lãi suất trong xu hướng giảm nhưng không phải DN nào cũng đáp ứng đủ điều kiện vay ngân hàng bởi tài sản đảm bảo không đủ, kinh doanh thua lỗ, cơ cấu nợ, điều chỉnh trả nợ để được vay tiếp hoặc không quản lý được dòng tiền, do đó, ngân hàng không đủ cơ sở đảm bảo để cho vay tiếp. Bởi vậy, giảm lãi suất hỗ trợ DN cũng không phải là vấn đề cốt lõi giúp cho các DN phục hồi, mà DN phải chủ động các giải pháp để tăng khả năng huy động vốn.

Trong khó khăn chung, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV kiến nghị, DN cần quyết tâm cơ cấu lại, giảm chi phí; nâng cao hiệu quả, trách nhiệm sử dụng vốn, minh bạch và giải quyết đúng các cam kết trả nợ, chấp nhận bán tài sản, nếu cần. Cùng với đó, nâng cao tính công khai, minh bạch trong huy động vốn, sử dụng vốn. Ngoài ra, cần đa dạng hóa nguồn vốn, tăng cường kiểm soát rủi ro, nhất là rủi ro tài chính, lãi suất, tỷ giá…

Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hạ lãi suất

Lãnh đạo NHNN cho biết sẽ tiếp tục sử dụng linh hoạt hơn nữa các công cụ để điều tiết thị trường để cung ứng thanh khoản cho nền kinh tế. Mặt khác, sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để đảm bảo tỷ giá; đồng thời đảm bảo điều hòa được lượng ngoại tệ cho nền kinh tế theo quan hệ thị trường. Đặc biệt, về chi phí vốn cho DN, NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất nếu có điều kiện. Trường hợp NHNN chưa có điều kiện thì các ngân hàng thương mại phải hạ lãi suất cho vay trên cơ sở giảm chi phí, những khoản chi có thể để hỗ trợ cho DN.

Hà An
.
.
.