Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, 9 tháng, Việt Nam nhập siêu 2,13 tỷ USD, nếu so sánh với kim ngạch nhập khẩu thì tương đương 0,8%.
Đây là một khoảng cách không phải là quá lớn, nếu không có biến động nào lớn về kiểm soát dịch bệnh, hy vọng 3 tháng cuối năm sẽ là thời điểm các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khu vực phía Nam lấy lại sự phục hồi và đà tăng trưởng, thì lúc đó hoàn toàn có thể tin tưởng là kết thúc năm 2021, cán cân thương mại có thể cân bằng và tình hình lạc quan hơn, vẫn có thể xuất siêu một tỷ lệ nhất định.
Hiện, với những tín hiệu hết sức tích cực từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia khẳng định, “Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên toàn quốc”.
Ngày 11/10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128 - Quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Tất cả những điều kiện thuận lợi này, cùng với những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp những tháng cuối năm, với tín hiệu vui khi nền kinh tế đã có xuất siêu trong tháng 9, thì khả năng sẽ cân bằng cán cân thương mại, thậm chí có xuất siêu trong cả năm 2021.
Bộ Công Thương khẳng định đang và tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu. Tuy vậy, giải pháp căn cơ để giảm thâm hụt cán cân thương mại, tiến tới xuất siêu trong thời gian tới là nhanh chóng phục hồi sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Điều kiện quan trọng là các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung công tác kiểm soát dịch, kết hợp chú trọng các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, lưu thông hàng hóa.