Thượng tôn pháp luật, tạo niềm tin cho nhà đầu tư (kỳ 4)
Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung chỉ đạo Công an các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đảm bảo an ninh tài chính, an ninh kinh tế, nhất là trên lĩnh vực thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp.
Qua đó, chủ động phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước đối với thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm, góp phần minh bạch, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.
Không có vùng cấm đối với xử lý tội phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Hàng loạt vụ án lớn, vụ án “nóng”, gây rúng động dư luận trong thời gian qua được Bộ Công an khẩn trương điều tra, khám phá như vụ án “Tân Hoàng Minh”, vụ “Vạn Thịnh Phát”, vụ Trịnh Văn Quyết thao túng giá chứng khoán, bán "chui" 74,8 triệu cổ phiếu với số tiền lừa đảo, chiếm đoạt lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng cho thấy sự đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng, không có vùng cấm đối với tội phạm trên lĩnh vực kinh tế nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.
Chiều 1/10/2022, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2022, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, người phát ngôn Bộ Công an đã thông tin về tiến độ điều tra những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo. Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh: Theo chức năng, nhiệm vụ, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Bộ Công an đã tiếp tục tập trung lực lượng, khẩn trương điều tra bảo đảm đúng tiến độ theo quy định của pháp luật.
"Bộ Công an thực hiện theo phương châm thượng tôn pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người ngay, xử lý một vụ việc để cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, làm không ngừng nghỉ, làm rõ đến đâu xử lý đến đó” – Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định.
Trung tướng Tô Ân Xô nêu rõ: Trong quá trình tố tụng, Bộ Công an rất chú trọng đến việc điều tra xác minh, làm rõ nguồn tài chính, nguồn tiền đi đến, tài sản của các đối tượng trong các vụ án. Khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can sẽ được phong tỏa, kê biên, để đảm bảo thu lại tiền cho người bị hại hoặc của Nhà nước. Ví dụ, trong vụ Tân Hoàng Minh, số tài sản kê biên được hơn 4 nghìn tỷ. “Như vậy, tài sản của Nhà nước sẽ được đảm bảo. Đó là điểm mới trong các vụ án kinh tế, làm sao kiểm soát nguồn tiền, tài sản của các bị can bảo đảm người bị hại, người dân, Nhà nước không bị ảnh hưởng, thiệt hại" - Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh.
Chiều 29/10/2022, ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ, thông tin về tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm cùng những vấn đề mà dư luận xã hội, báo chí quan tâm. Tại họp báo, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an trả lời câu hỏi của phóng viên về kết quả bước đầu vụ việc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trung tướng Tô Ân Xô chỉ rõ, vụ án xảy ra tại Công ty An Đông với bị can là Trương Mỹ Lan và đồng phạm là vụ án rất khó. Tham gia ban chuyên án là những cán bộ rất bản lĩnh, nhiều kinh nghiệm trận mạc. Ban chuyên án đã cân nhắc rất kỹ lưỡng các yếu tố, để có những phương án đối sách phù hợp, xử lý đúng người, đúng tội.
“Đây là vụ án rất khó, nhưng phải làm, càng khó càng phải quyết tâm làm. Mục tiêu của quyết định khởi tố vụ án kể trên nhằm đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, đảm bảo pháp luật được thực hiện nghiêm minh, đảm bảo thị trường trái phiếu, chứng khoán, tài chính ngân hàng hoạt động lành mạnh, ổn định, bền vững, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư” – Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh.
Trong quá trình tố tụng, với quyết tâm của lực lượng thực thi pháp luật thì bản chất của vụ việc sẽ được làm rõ, công lý sẽ được thực thi. Đây là vấn đề tính thượng tôn pháp luật phải được đảm bảo.
Xử lý nghiêm hành vi vi phạm, xây dựng môi trường kinh doanh thực chất
Chiều 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trình bày tham luận tại hội nghị, Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định: Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn hiệu quả của nền kinh tế. Những năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, quy mô giao dịch ngày càng tăng. Tuy nhiên song hành với đó là sự xuất hiện của những hành vi thiếu minh bạch trên thị trường với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp.
Có thể nhóm vào một số hành vi phổ biến như sau: Thứ nhất là việc chấp hành không đúng quy định của pháp luật về công bố các thông tin liên quan đến thị trường và giao dịch. Theo Báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chỉ riêng trong năm 2021 đã có 38 đoàn thanh tra kiểm tra và ban hành 471 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 20 tỷ đồng. Phân tích các hành vi vi phạm thì chủ yếu tập trung vào các hành vi như công bố thông tin không đúng sự thật, thao túng giá chứng khoán và các hành vi này chưa đến mức xử lý hình sự.
Đặc biệt là hành vi mua bán cổ phiếu không báo cáo, không công bố thông tin trước khi giao dịch của các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan cổ đông nội bộ vẫn diễn ra có chiều hướng gia tăng phức tạp, gây thiếu niềm tin cho các nhà đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến các giao dịch, đặt ra những vấn đề thiếu minh bạch trên thị trường chứng khoán.
Theo Thứ trưởng Lê Văn Tuyến những hành vi này tác động đến tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam và tiềm ẩn những vấn đề phức tạp. Thứ trưởng Lê Văn Tuyến nhấn mạnh: Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, việc phát hành trái phiếu các doanh nghiệp là để hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn, phục vụ sản xuất kinh doanh, giảm sự phụ thuộc vào việc cung ứng vốn cho kinh tế từ kênh chính ngân hàng. Đây là quan điểm xuyên suốt được Đảng, Nhà nước và Chính phủ tập trung chỉ đạo. Qua đó cũng giúp cho các doanh nghiệp huy động được nguồn vốn để sản xuất kinh doanh, định hướng các nhà đầu tư vào các khoản đầu tư trung và dài hạn, giảm bớt rủi ro của các ngân hàng thương mại trong việc huy động vốn ngắn hạn, để cho vay vốn trung và dài hạn, nâng cao tính công khai, minh bạch trên thị trường.
Tuy nhiên, thời gian qua, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp nổi lên một số vấn đề tiềm ẩn rủi ro gây nguy cơ liên quan đến an ninh tiền tệ như việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp tài sản đảm bảo tỉ lệ thấp. Khảo sát thì số lượng này chiếm khoảng 50,9%. Tình trạng doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả sản xuất kinh doanh thấp, thua lỗ nhưng vẫn phát hành khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp với mục đích huy động vốn cho công ty mình; phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng sử dụng sai mục đích, mức lãi suất trái phiếu cao khiến doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh toán cũng như là vỡ nợ. Quá trình phát hành trái phiếu doanh nghiệp phát sinh các hành vi vi phạm không minh bạch trong thực hiện nghĩa vụ báo cáo công khai thông tin liên quan đến việc cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành cũng như nhân viên môi giới không có chứng chỉ hành nghề. Tội phạm trên lĩnh vực tài chính, tiền tệ được coi là tội phạm ẩn diễn ra thời gian dài, khi bị phát hiện gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và cũng gây khó khăn trong quá trình phát hiện điều tra xử lý của các cơ quan chức năng.
Thời gian qua, với chức năng được giao, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung chỉ đạo Công an các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đảm bảo an ninh tài chính, an ninh kinh tế, nhất là trên lĩnh vực thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp. Qua đó, chủ động phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước đối với thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp để kịp thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi bổ sung một số văn bản cho phù hợp để hạn chế những sơ hở, bất cập trên lĩnh vực này. Đồng thời, Bộ Công an cũng tập trung chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an địa phương điều tra làm rõ những vi phạm trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm, góp phần minh bạch, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.
Cùng với việc siết chặt công tác quản lý, đấu tranh, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật, một lành lang pháp lý chặt chẽ cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tiếp tục được Bộ Công an cùng các cơ quan chức năng hoàn thiện nhằm lành mạnh hóa thị trường, củng cố niềm tin của nhà đầu tư, xây dựng môi trường kinh doanh thực chất, tạo lập nền tảng vững chắc cho thực hiện chương trình phục hồi kinh tế của đất nước sau đại dịch COVID-19.