Thừa Thiên Huế khẩn trương triển khai phương án chống sạt lở tại các công trình thủy điện

Thứ Ba, 17/09/2024, 08:28

Thừa Thiên Huế hiện có 13 nhà máy thủy điện đang vận hành khai thác với tổng công suất trên 459 MW. Qua công tác kiểm tra, các cơ quan chức năng tỉnh yêu cầu chủ đầu tư nhà máy thủy điện khẩn trương có phương án khắc phục một số tồn tại bất cập để đảm bảo an toàn công trình thủy điện và vùng hạ du trong mùa mưa bão năm nay.

Được khởi công vào tháng 8/2012 và chính thức vận hành vào đầu năm 2016, Nhà máy thủy điện A Roàng (xã A Roàng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) có tổng mức đầu tư 240 tỷ đồng với 2 tổ máy có công suất 7,2MW cho sản lượng điện hàng năm theo thiết kế 28,5 triệu kWh. Sau hơn 8 năm hoạt động, sản lượng điện lũy kế của thủy điện A Roàng đạt khoảng 240,7 triệu kWh.

Ông Hồ A Lua, Chủ tịch UBND xã A Roàng cho biết, ngoài cung cấp nguồn năng lượng cho quốc gia, giải quyết các vấn đề thiếu điện vào mùa khô hạn, thủy điện A Roàng còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, do khu vực Nhà máy thủy điện A Roàng xây dựng tại vị trí có độ dốc lớn nên người dân địa phương luôn lo lắng về nguy cơ sạt lở tại công trình thủy điện này, nhất là vào mùa mưa bão.

khantruong.jpg -0
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra, yêu cầu các nhà máy thủy điện có phương án đảm bảo an toàn vận hành trong mùa mưa bão.

Trước thực trạng này, vừa qua, Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành lập đoàn kiểm tra tại Nhà máy thủy điện A Roàng. Kết quả kiểm tra cho thấy đường vận hành xuống nhà máy thủy điện này có mái taluy với độ dốc lớn, địa hình phức tạp, nguy cơ sạt lở cao khi có thiên tai xảy ra. Do đó đã yêu cầu chủ đầu tư có phương án quan trắc, thực hiện gia cố, khắc phục đường vận hành, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động và công trình. Chủ đầu tư phối hợp với UBND xã A Roàng tiến hành rà soát, hạn chế hoặc cấm các đối tượng đánh bắt thủy sản ngay sau hạ lưu đập và nhà máy. Thực hiện bảo trì, bảo dưỡng thiết bị vận hành đập, lan can, máy phát điện dự phòng để đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du thủy điện trong mùa mưa bão.

Trong khi đó, Nhà máy thủy điện Thượng Lộ thuộc lưu vực sông Ba Ran (nằm trên địa bàn xã Thượng Lộ và xã Hương Lộc, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) có tổng mức đầu tư trên 163 tỷ đồng được đưa vào hoạt động từ tháng 9/2015. Nhà máy thủy điện này có công suất gần 6MW, xây dựng theo dạng hình thức thủy điện sau đập, đập tràn tự do với sản lượng điện trung bình hàng năm 21,41 triệu kWh.

Mới đây qua kiểm tra, Sở Công thương tỉnh phát hiện phía taluy dương nhà máy thủy điện này có địa hình dốc lớn, nguy cơ sạt lở cao nên yêu cầu chủ đầu tư rà soát khu vực thượng và hạ lưu đập, ngầm tràn, khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt để khẩn trương khắc phục. Thực hiện kiểm tra việc sụt lún toàn bộ bề mặt mái đập, theo dõi hiện tượng thấm tại thân đập để có phương án xử lý. Kiểm tra đường truyền, tín hiệu camera tại đập và bổ sung camera tổng thể nhà máy để đảm bảo thường xuyên kết nối được camera về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện toàn tỉnh có 13 nhà máy thủy điện đang vận hành khai thác với tổng công suất trên 459 MW. Sản lượng điện sản xuất 6 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 498 triệu kWh, đạt 30% so với kế hoạch năm 2024, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Theo đánh giá, hiện các nhà máy thủy điện tại tỉnh Thừa Thiên Huế đang vận hành tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan. Các nhà máy thủy điện đã thực hiện quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa; xây dựng phương án ứng phó thiên tai năm 2024 và thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp với địa phương trong công tác ứng phó thiên tai.

Tuy nhiên qua kiểm tra cho thấy, ngoài 2 nhà máy thủy điện A Roàng và Thượng Lộ, Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên Huế còn phát hiện tại công trình Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền); Nhà máy thủy điện sông Bồ (xã Hồng Hạ, huyện A Lưới); Nhà máy thủy điện Thượng Nhật (xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông) và Nhà máy thủy điện A Lin Thượng (huyện A Lưới)… bộc lộ một số bất cập khi tại các công trình thủy điện có dấu hiệu hoặc xuất hiện tình trạng sạt lở, mất an toàn rất lớn. Trong đó tại thủy điện Rào Trăng 3 có vị trí sạt lở phía bờ phải hạ lưu đập có nguy cơ ảnh hưởng đến đường vận hành đập. Nhà máy thủy điện A Lin Thượng có hiện tượng sạt lở phía taluy âm, taluy dương kênh dẫn nước, mái taluy dương sau nhà máy và phía bờ phải nhà máy.

Để đảm bảo an toàn vận hành, quản lý an toàn hồ đập, hồ chứa nước thủy lợi và thủy điện, ứng phó thiên tai năm 2024, mới đây đoàn công tác của tỉnh Thừa Thiên Huế do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu làm Trưởng đoàn đã tổ chức kiểm tra một số hồ chứa thủy lợi và nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh.

Qua kiểm tra thực tế, ông Lê Trường Lưu đề nghị các đơn vị nếu phát hiện công trình nào có dấu hiệu hư hỏng cần phải báo cáo để kiểm định, tiến hành khắc phục sửa chữa, bảo đảm công trình an toàn trong mùa mưa bão. Đồng thời yêu cầu các đơn vị, chủ đầu tư nhà máy thủy điện theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn và phối hợp với các cơ quan có liên quan để vận hành hồ chứa theo đúng quy trình, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du. Chủ động cách thức cảnh báo, thông báo đến nhân dân vùng hạ du khi vận hành phát điện và xả lũ để đảm bảo an toàn.

Anh Khoa
.
.
.