Thiếu hụt cục bộ lao động sau đại dịch
Riêng trong quý I/2022, tỷ lệ thiếu hụt lao động đã cao hơn 2 - 3% so với những năm trước và chủ yếu trong các lĩnh vực dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ. Đặc biệt một số ngành do bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài ngày như du lịch và giáo dục.
Đây là thực tế được đưa ra tại hội thảo “Thúc đẩy Hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp và người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ” vừa diễn ra tại Hà Nội. Tuy vậy chính sách đào tạo nghề cho doanh nghiệp và người lao động sau gần 1 năm triển khai vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Lao đao vì thiếu nhân sự
Một trong những ngành đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do thiếu hụt nhân sự sau dịch COVID-19 hiện nay là ngành khách sạn, du lịch. Theo ông Nguyễn Quang, Chủ tịch CLB Quản lý buồng Việt Nam thì các khách sạn hiện nay đang gặp thách thức trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân sự, đặc biệt ở các vị trí cần số lượng nhiều như lễ tân, phục vụ hay buồng phòng khi du lịch mở cửa trở lại.
“Trong bối cảnh kinh doanh vẫn đang còn khó khăn như hiện nay, có những khách sạn chỉ cần số lượng nhân viên phục vụ từ 30% đến 50% công suất phòng. Tuy nhiên, khi hoạt động kinh doanh đang dần ổn định trở lại, vấn đề nhân sự lại trở thành bài toán khó khăn. Đợt lễ vừa qua là bài học rõ ràng nhất. Với số lượng nhân viên như đã đề cập ở trên thì vào những ngày lễ hay cuối tuần, công suất phòng lên đến 90-100% thì mỗi nhân viên phải làm vượt công suất của mình nhiều lần. Hơn nữa, việc này chỉ giải quyết tạm thời trong 1-2 tuần, chứ không thể đảm bảo chất lượng xuyên suốt trong nhiều tuần. Đây thực sự là thách thức khi mùa hè – mùa cao điểm sắp tới”, ông Quang cho hay.
Theo ông Quang, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thiếu hụt trầm trọng lượng lao động này, nhưng chủ yếu vẫn là do thời gian dài bị ảnh hưởng COVID-19, các nhân viên đi làm nghề khác và không muốn quay lại nghề cũ, khó tuyển người mới. Trong khi đó, việc tuyển dụng và đào tạo cũng đang gặp không ít khó khăn. Đơn cử như ở Hà Nội trong nhiều năm trở lại đây, rất hiếm người tham gia học nghề này.
Theo con số của Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Tính riêng quý I/2022, nền kinh tế đã tăng trưởng 5,03% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ vào kết quả hoạt động tốt của các lĩnh vực sản xuất và sự phục hồi từng bước của ngành du lịch.
Tuy vậy, vấn đề đáng lưu ý là đại dịch COVID-19 vẫn đang gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đối với nhiều doanh nghiệp. Đó là tình trạng thiếu hụt người lao động cục bộ ở nhiều tỉnh, thành phố. Từ đầu năm đến nay, tình trạng này đã diễn ra ở nhiều ngành nghề và nhiều địa phương trên cả nước. Chính vì thiếu người làm nên nhiều doanh nghiệp phải bằng mọi cách đẩy mạnh tuyển dụng để khôi phục sản xuất kinh doanh.
“Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, 75% nhu cầu tuyển dụng là lao động phổ thông và lao động không yêu cầu có bằng cấp, chứng chỉ. Về mặt lâu dài, chúng tôi cho rằng việc tuyển dụng lao động không có tay nghề sẽ khó đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, thậm chỉ còn có thể gây mất an toàn lao động và thiệt hại cho cả hai bên”, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ băn khoăn.
Cần sớm gỡ “nút thắt” hỗ trợ đào tạo lao động
Chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại lao động theo Nghị quyết 68 của Chính phủ được đánh giá là một giải pháp quan trọng để hỗ trợ thị trường lao động phục hồi ổn định sau dịch. Thế nhưng đến nay sau 10 tháng triển khai, kết quả vẫn còn rất khiêm tốn.
Từ góc độ vừa là doanh nghiệp vừa là cơ sở đào tạo, ông Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Long Biên, Tổng Công ty May 10 cho rằng, việc triển khai Nghị quyết 68 là hết sức cần thiết và phù hợp với thực trạng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp hiện nay. Rà soát quá trình triển khai cho thấy, công tác hướng dẫn thực hiện rất cụ thể nhưng cũng mới chỉ thực hiện được ở một số ít doanh nghiệp. Nhìn chung, các doanh nghiệp còn chưa hiểu và chưa nắm rõ cách làm. Bên cạnh đó, thủ tục và các yêu cầu chứng minh năng lực, điều kiện thụ hưởng của cơ sở đào tạo, doanh nghiệp còn máy móc và nhiều vướng mắc.
Cũng cùng quan điểm về việc còn nhiều “nút thắt” chưa được gỡ bỏ, bà Phạm Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho rằng, Nghị quyết 68 là Nghị quyết mới nên các khâu thực hiện còn nhiều lúng túng, thời gian, trình tự làm thủ tục còn bị kéo dài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng ngại ngần về thủ tục, thanh tra, kiểm toán, sự phối hợp với nhà trường còn rời rạc, chưa xuyên suốt.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngay khi Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 tháng 7/2021, trong đó có hạng mục về hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động đã đón nhận hết sức tích cực. Tuy vậy đến nay gần 10 tháng triển khai, thực tế đã phát sinh một số vấn đề băn khoăn của doanh nghiệp khiến cho việc triển khai chưa được như mong muốn.
Có ý kiến cho rằng, sau đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đang tập trung khôi phục sản xuất, kinh doanh mà quên đi việc phải tính toán các phương án cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động. Vì vậy họ chưa thể tìm đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Mặt khác, cũng có ý kiến bày tỏ quan ngại về việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với hoạt động đào tạo nghề của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến phản ánh rằng, nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ về các tiêu chí được thụ hưởng chính sách hỗ trợ.
“Chúng tôi thấy rõ sự khác biệt về nhận thức giữa các doanh nghiệp dẫn đến không chỉ doanh nghiệp không dám đăng ký để được thụ hưởng hỗ trợ của Nhà nước mà vô hình trung còn gây thiệt thòi cho người lao động. Doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần sự đồng hành để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tuy nhiên các doanh nghiệp này không có đủ nguồn lực để tổ chức hệ thống đào tạo riêng. Do đó, cần tháo gỡ nút thắt gắn kết giữa doanh nghiệp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội ở địa phương, các cơ sở đào tạo cũng cần hoàn thiện chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu sản xuất tại doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ đề xuất.