Thí điểm hỗ trợ doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan
Ngày 15/7/2022, Tổng cục Hải quan đã ký Quyết định số 1399/QĐ-TCHQ về việc ban hành Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp (DN) tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.
Theo đó, Tổng cục Hải quan đặt ra yêu cầu, sau 2 năm triển khai sẽ có 100% DN tham gia Chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan thuộc Phụ lục VI Thông tư số 81, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình).
Đồng thời, các dữ liệu, chỉ tiêu thông tin liên quan đến hoạt động quản lý, theo dõi, báo cáo thực hiện Chương trình cũng như các hoạt động tương tác với DN tham gia Chương trình cơ bản được thực hiện trên nền tảng số, đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số công tác nghiệp vụ của ngành Hải quan (theo Quyết định số 707/QĐ-TCHQ về phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025 định hướng đến năm 2030). Và sau 5 năm thực hiện Chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ của DN, phấn đấu tăng tỷ lệ DN tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số DN hoạt động xuất nhập khẩu (XNK).
Trong khuôn khổ của Chương trình, DN tham gia sẽ được cơ quan Hải quan tạo thuận lợi, hỗ trợ, hướng dẫn miễn phí về các nội dung liên quan đến lĩnh vực áp dụng quản lý rui ro, tuân thủ pháp luật hải quan và thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK, quá cảnh.
Cụ thể, DN tham gia được cơ quan Hải quan hỗ trợ, hướng dẫn miễn phí theo các cam kết tại biên bản ghi nhớ đối với DN khi có yêu cầu; được cơ quan Hải quan ghi nhận tư cách thành viên, quá trình tham gia trên hồ sơ DN và các hệ thống nghiệp vụ của cơ quan Hải quan để đảm bảo việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng.
Đồng thời, DN cũng được cơ quan Hải quan phân công, bố trí công chức, chuyên gia nghiệp vụ hải quan các cấp trực tiếp hỗ trợ, tư vấn liên lạc giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan; cảnh báo các yếu tố làm giảm mức độ tuân thủ của DN, đồng thời cung cấp thông tin cảnh báo, xu hướng rủi ro về an ninh chuỗi cung ứng, xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) trong lĩnh vực XNK, các rủi ro nội bộ trong hoạt động XNK…
Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan được thực hiện theo 2 giai đoạn: Giai đoạn thí điểm: Thực hiện trong thời gian 2 năm kể từ khi ban hành, kết thúc giai đoạn thí điểm sẽ tổng kết thí điểm để đo lường, đánh giá và sửa đổi, bổ sung Chương trình để phù hợp với yêu cầu thực tế.
Giai đoạn triển khai chính thức: Triển khai sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm, tổ chức sơ kết 1 năm/1 lần, sau 5 năm Chương trình tổ chức tổng kết đo lường, đánh giá kết quả việc thực hiện các mục tiêu Chương trình và phương hướng triển khai trong giai đoạn tiếp theo.
Theo đại diện Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan), trong giai đoạn đầu triển khai Chương trình thí điểm, cơ quan Hải quan sẽ tập trung vào nhóm DN hoạt động xuất nhập khẩu thuộc lĩnh vực gia công, sản xuất xuất khẩu tại 6 Cục Hải quan gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai nhằm đồng hành, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất sau đại dịch, sau đó sẽ triển khai mở rộng đến tất cả các đối tượng DN.
Theo Tổng cục Hải quan, trong quá trình xây dựng Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tuân thủ pháp luật hải quan, Cục Quản lý rủi ro đã nghiên cứu chuẩn mực trụ cột Hải quan-DN (Khung tiêu chuẩn SAFE) và khuyến nghị của chuyên gia thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Đồng thời, nghiên cứu kinh nghiệm của Hải quan các nước như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Australia, Indonesia, Ấn Độ... để áp dụng xây dựng thí điểm hỗ trợ DN tuân thủ pháp luật.
Theo mô hình tuân thủ của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), việc đánh giá tuân thủ DN được phân làm 4 nhóm tương ứng với các cơ chế quản lý phù hợp mà cơ quan Hải quan được khuyến nghị áp dụng. Đó là, nhóm DN tuân thủ (áp dụng biện pháp khuyến khích tuân thủ); nhóm DN tuân thủ nếu được hỗ trợ (áp dụng biện pháp hỗ trợ tuân thủ); nhóm doanh nghiêp tuân thủ khi có cơ hội (áp dụng biện pháp giáo dục và kiểm soát) và nhóm DN không tuân thủ (áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ).
Trên cơ sở nghiên cứu khuyến nghị của WCO, để DN tự nguyên tuân thủ pháp luật, tự nguyện phòng tránh vi phạm không mong muốn, cơ quan Hải quan các quốc gia đã xây dựng các Chương trình hỗ trợ, giúp DN đạt được và duy trì mức độ tuân thủ cao, từ đó được hưởng chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi của cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình phát triển của từng quốc gia, các chương trình này cũng hướng đến mục tiêu đưa DN trở thành đối tác, hợp tác tin cậy của cơ quan Hải quan, cũng như giúp cơ quan Hải quan thực hiện chức năng quản lý hoạt động XNK và phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật hải quan hiệu quả hơn.
Hải quan Hải Phòng ký hơn 23.000 bản thỏa thuận phát triển đối tác với doanh nghiệp
Từ đầu năm 2022, Cục Hải quan Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 133/QĐ-HQHP về Kế hoạch phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp năm 2022 với mục tiêu đưa quan hệ đối tác vào thực chất tại tất cả các hoạt động nghiệp vụ của Cục, nâng cao chất lượng phục vụ người dân doanh nghiệp, tạo thuận lợi thương mại nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan.
Cập nhật hết tháng 6/2022, Hải quan Hải Phòng đã ký kết với các doanh nghiệp 23.240 Bản thỏa thuận phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp. Ngoài ra, Cục Hải quan Hải Phòng đã tham mưu cho UBND thành phố Hải Phòng tổ chức thành công 1 Hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu (tháng 5/2022) và trực tiếp tổ chức thành công 3 Hội nghị đối thoại doanh nghiệp logistics, đại lý hải quan năm 2022 tại Cục và các Chi cục Hải quan Hải Dương, Chi cục Hải quan Hưng Yên, Chi cục Hải quan Thái Bình với sự tham gia của hơn 600 doanh nghiệp. Các Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến thẳng thắn của doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn, giải đáp vướng mắc khi thực hiện quy định của pháp luật liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế chống phá giá, thuế tự vệ, tham vấn một lần, chế tài xử phạt khi khai sai thông tin E-manifest, những khó khăn khi làm việc với hãng tàu, đơn vị phối hợp liên quan…Qua các hội nghị tạo sự tin tưởng, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của các địa phương.
Tại Việt Nam, mức độ tuân thủ DN là cơ sở quan trọng cho cơ quan Hải quan áp dụng các chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi trong thủ tục hải quan, đồng thời là yếu tố thiết yếu cho việc áp dụng quản lý rủi ro, quyết định phân luồng kiểm tra hàng hóa của cơ quan Hải quan. Cụ thể, Điều 10 Thông tư số 81/2019/TT-BTC quy định việc phân loại mức độ tuân thủ pháp luật đối với người khai hải quan theo 5 mức độ tương ứng với khuyến nghị từ 1 đến 5.
Trong đó, ngoại trừ mức độ 1 (DN ưu tiên), đối với các mức độ tuân thủ còn lại, số lần bị xử phạt vi phạm hành chính là tiêu chí tác động chủ yếu đến kết quả đánh giá mức độ tuân thủ DN (tác động khoảng 80%). Như vậy, về cơ bản, nếu DN hoạt động XNK không vi phạm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, đáp ứng đủ thời gian hoạt động và số tờ khai đăng ký thì mức độ tuân thủ của DN sẽ được hệ thống đánh giá theo hướng tốt (mức độ 2- tuân thủ cao và mức độ 3- tuân thủ trung bình).
Hải quan Đà Nẵng thực hiện 630 lượt hướng dẫn cho doanh nghiệp
Cục Hải quan Đà Nẵng cho biết, công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp được đơn vị xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng năm. Tính đến nay, các đơn vị thuộc Cục Hải quan Đà Nẵng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 9 doanh nghiệp.
Các nội dung ký kết tập trung trao đổi thông tin, cung cấp số liệu, hỗ trợ hợp tác phát triển; hay ký kết biên bản ghi nhớ tạo thuận lợi trong thực hiện thủ tục hải quan và giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, tuân thủ pháp luật, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu, thúc đẩy cải cách hiện đại hóa hải quan...
Bên cạnh đó, các hoạt động phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp còn được Cục Hải quan Đà Nẵng triển khai đa dạng trên nhiều khía cạnh như: thông tin, tuyên truyền; hỗ trợ doanh nghiệp; tham vấn doanh nghiệp; giám sát thực thi pháp luật; hợp tác hải quan doanh nghiệp. Trong 6 tháng qua, Cục Hải quan Đà Nẵng đã thực hiện 630 lượt hướng dẫn các nội dung về: thủ tục hải quan, khai báo hải quan, mã số hàng hóa, thực hiện chính sách thuế, kế toán thuế; các chính sách mới trong thời gian chống dịch, nộp bổ sung C/O do ảnh hưởng của dịch, chính sách thuế mặt hàng nhập khẩu phục vụ việc phòng, chống dịch...
Đồng thời có 257 lượt giải đáp vướng mắc về các nội dung: thủ tục hải quan, khai báo hải quan, thực hiện chính sách thuế, kế toán thuế, chính sách mặt hàng... với tỷ lệ giải đáp đạt 100% và mức độ hài lòng của doanh nghiệp là 100%.
Các hoạt động tham vấn doanh nghiệp cũng được chú trọng, tập trung vào khối doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng, các hãng tàu, đại lý hải quan trong việc tuân thủ quy định pháp luật về hải quan, đảm bảo điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan; trao đổi thông tin, đánh giá phân loại tuân thủ doanh nghiệp; đồng thời mở rộng hợp tác với khối doanh nghiệp FDI, khối doanh nghiệp theo ngành nghề trọng điểm, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.