Thêm hơn 20 ngàn công nhân về quê tìm được việc làm trước Tết
Những ngày giáp Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục nhận được nhiều đơn đặt hàng “khủng”, kéo dài đến cuối năm 2022. Vì vậy, hiện rất nhiều DN đang gấp rút tuyển dụng thêm số lượng lớn lao động. Điều này đồng nghĩa, thêm hàng chục ngàn lao động từ vùng dịch về sẽ tìm được việc làm.
Gần một tháng nay, tại Thừa Thiên-Huế, số ca bệnh được phát hiện trong cộng đồng lên đến hàng trăm ca/ngày. Tính đến ngày 27/12, toàn tỉnh có hơn 11.000 ca F0. Ông Hồ Huy Hinh, Phó trưởng Phòng Đầu tư - Doanh nghiệp và Lao động thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế - công nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hiện, khoảng 80% công ty, xí nghiệp do đơn vị quản lý đã sẵn sàng triển khai phương án “3 tại chỗ” kết hợp với “1 cung đường 2 điểm đến nhằm đảm bảo yêu cầu vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng và đảm bảo việc làm cho người lao động (NLĐ).
Tại nhà máy của Công ty Scavi Huế (Khu công nghiệp Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế), ngay khi xuất hiện F0, DN tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động và ổn định hoạt động sản xuất. Công ty đã sẵn sàng triển khai phương án sản xuất “3 tại chỗ”/“1 cung đường 2 điểm đến”.
Ông Hồ Phan Minh Đức, Trưởng ban phòng, chống dịch COVID-19 Công ty Scavi Huế cho biết, từ khi dịch COVID-19 xảy ra vào năm 2020 cho đến nay, công ty đã áp dụng đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch chặt chẽ, tuân thủ các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế và chính quyền địa phương. Trong đó, tổ chức xét nghiệm COVID-19 kịp thời để bóc tách các thành viên bị nhiễm bệnh và thực hiện xét nghiệm định kỳ để tầm soát rủi ro; thực hiện nghiêm ngặt biện pháp 5K và chính sách hạn chế tiếp xúc - Chính sách 10T (mỗi thành viên không được tiếp xúc gần quá 10 thành viên khác, cố định trong quá trình làm việc cũng như sinh hoạt bên ngoài) thông qua hệ thống đăng ký và kiểm soát trực tuyến; kiểm soát sự tuân thủ 5K-10T hàng ngày. Công ty đã hoàn thành tiêm vaccine 2 mũi cho toàn bộ người lao động từ tháng 11/2021…
Nhờ triển khai chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch nên dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, là DN có đông công nhân nhất ở Huế nhưng Công ty Scavi vẫn hoạt động liên tục, không bị gián đoạn. Là công ty chuyên về may mặc nội y, quần áo tắm, quần áo thể thao để xuất qua thị trường châu Âu, hiện đơn hàng của Công ty Scavi Huế đã nhận đến cuối năm 2022. Cả 4 nhà máy may của công ty đang hoạt động hết công suất để thực hiện giao hàng đúng hẹn.
Ông Trần Văn Mỹ - Tổng Giám đốc Công ty Scavi Huế cho biết, để đáp ứng nhu cầu gia tăng số lượng hàng cho các đối tác xuất khẩu khi các đơn hàng liên tục tăng, công ty đang đầu tư xây dựng thêm 1 nhà máy may mới với quy mô hơn 2.000 lao động với kinh phí xây dựng 150 tỷ đồng. Đồng thời, công ty đang phát triển khu thương mại, dịch vụ hậu cần ngành dệt may, phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu năm 2021 lên 350 triệu USD, tăng 40% so với năm 2020.
Những ngày cuối tháng 12/2021, Công ty Scavi đang thông báo tuyển dụng 10.000 lao động ngành may mặc để bổ sung nguồn lực cho các nhà máy tại Thừa Thiên-Huế trước dịp Tết Nguyên đán và đến năm 2022. Trong đó, ưu tiên cho lao động trở về từ các vùng dịch và có nhiều chính sách ưu đãi cho các lao động có tay nghề đã từng làm việc tại các nhà máy may ở các tỉnh phía Nam. Theo đó, người lao động sẽ được nhận vào làm việc lâu dài, được hưởng BHYT, BHXH, lương thưởng tháng 13, được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cùng nhiều chính sách hỗ trợ như người lao động làm việc lâu năm của Công ty.
Bên cạnh đó, những ngày cuối tháng 12/2021, nhiều DN trong lĩnh vực may mặc (chủ yếu là hàng xuất qua thị trường châu Âu) ở địa bàn Thừa Thiên-Huế cũng đã nhận được nhiều đơn đặt hàng “khủng” từ các đối tác. Qua thống kê, nhiều DN may mặc đóng tại các địa bàn như: Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc…(Thừa Thiên-Huế) cũng thông báo tuyển dụng gần 3.000 công nhân may mặc làm việc lâu dài.
Chị Trần Thị Ánh (32 tuổi, trú huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) cho biết, hai vợ chồng chị đều làm công nhân may mặc tại tỉnh Bình Dương. Nhưng khi dịch bệnh bùng phát, vợ chồng chị cùng 2 con nhỏ quyết định trở về quê đã hơn 3 tháng nay. “Ngày 25/12 vừa qua, vợ chồng em đã nộp đơn xin vào làm việc tại Công ty Scavi và đã được nhận vào. Dự kiến, đầu tháng 1/2022 sẽ đi làm. Vợ chồng em xác định, lần này, có công việc ổn định rồi nên sẽ bám trụ lại quê nhà và con cái cũng có điều kiện học hành tốt hơn”, chị Ánh chia sẻ.
Ông Hồ Huy Hinh cho biết, chỉ riêng địa bàn Khu kinh tế - công nghiệp tỉnh hiện có 98 DN hoạt động với số lượng người lao động hơn 43.000 người. Từ thực tế, lượng lao động tự do ở các tỉnh phía Nam quay trở về Huế rất lớn, đến cuối tháng 12/2021, qua rà soát, có 14 DN thuộc Khu kinh tế - công nghiệp tỉnh có nhu cầu tuyển dụng khoảng 9.000 lao động với mức lương từ 5 triệu đến 15 triệu đồng/người kèm theo các chính sách, chế độ đãi ngộ hợp lý. Tuy nhiên, theo thông tin từ các DN, đến nay số lượng lao động tìm đến các DN để ứng tuyển chưa được nhiều (chỉ khoảng hơn 2.500 lao động). Nguyên nhân là do người lao động chưa tiếp cận được thông tin tuyển dụng từ các địa phương, đồng thời các DN chưa chủ động liên hệ với người lao động. Hiện, Ban quản lý Khu kinh tế - công nghiệp tỉnh đang phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cùng các DN để có những giải pháp chủ động tiếp cận người lao động hơn như: tuyển dụng qua các ứng dụng tin nhắn trên smartphone để người lao động dễ dàng nắm bắt thông tin và liên hệ ứng tuyển, tổ chức các hội chợ, phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến cho từng DN…
Tính thời điểm cuối tháng 12/2021, các công ty, nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn Thừa Thiên-Huế có nhu cầu tuyển dụng hơn 20.000 công nhân, trong đó ưu tiên cho người lao động trở về từ vùng dịch. Trước đó, từ giữa năm 2021 đến nay, đã có hơn 19.000 công nhân từ vùng dịch trở về đã được chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế kết nối với các DN giải quyết được việc làm. Như vậy, tính đến thời điểm này đã có hơn 39.000 lao động từ vùng dịch trở về Thừa Thiên-Huế đã và sẽ tìm được việc làm lâu dài trong số hàng chục ngàn lao động trở về quê. Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục hỗ trợ chính sách đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và kết nối với các DN để tìm kiếm việc làm cho số công dân về từ vùng dịch còn lại.