Tháo gỡ nút thắt về vốn ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh

Thứ Bảy, 11/02/2023, 08:45

Mặc dù đánh giá cao các gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp (DN) để phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch COVID -19, thế nhưng nhiều DN vẫn còn gặp khó khăn khi tiếp cận vốn…

Theo Nghị định 31 quy định về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh đã được Chính phủ ban hành từ tháng 5/2022. Tuy nhiên, trong thời gian qua việc giải ngân của gói hỗ trợ lãi suất này còn rất chậm, chưa như kỳ vọng. Nhiều DN cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc DN rất khó để tiếp cận được khoản vay hỗ trợ lãi suất này là do quy định của các tổ chức tín dụng còn quá khắc khe.

Để được vay lãi suất ưu đãi 2%, các DN phải đáp ứng điều kiện như: không có nợ xấu, có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi, có tài sản bảo đảm... Nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhưng không đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc diện được hỗ trợ.

Tháo gỡ nút thắt về vốn ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh -0
Doanh nghiệp cần vốn hỗ trợ lãi suất ưu đãi để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Phong - Giám đốc công ty chuyên sản xuất hàng tiêu dùng (quận Tân Phú): "Sau hơn 2 năm chống chọi với dịch COVID -19, đến nay DN cũng chỉ hoạt động cầm chừng, không có lãi. Tuy nhiên, không thể duy trì tình trạng này mãi, DN đang rất cần thêm nguồn vốn để đầu tư thêm máy móc, mở rộng sản xuất, dự trữ nguồn nguyên liệu, để chủ động hơn trong sản xuất đơn hàng, tạo thêm việc làm cho người lao động… Tuy nhiên, cái khó của DN là không có tài sản thế chấp, nên không thể vay được".

Giám đốc một DN dệt may cho hay, mặc dù trong giai đoạn dịch căng thẳng năm 2021 và trong nửa đầu năm 2022, nhưng DN vẫn đạt doanh thu tốt. Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2022 DN thiếu đơn hàng nghiêm trọng, không có việc cho công nhân làm. Bước sang tháng đầu năm 2023 tình hình cũng không khả quan hơn và dự báo trong thời gian tới, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, gói hỗ trợ lãi suất 2% trong thời điểm này là rất cần cho DN. Tuy nhiên, để tiếp cận được lãi suất ưu đãi này thì DN phải chứng minh được khả năng phục hồi trong thời gian tới. Trong khi đó tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, chi phí sản xuất gia tăng, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, áp lực lạm phát… Để chứng minh được khả năng phục hồi thì DN không dám chắc. Mặt khác, DN cũng sợ khi tham gia chương trình hỗ trợ giảm lãi suất, phải tuân thủ các thủ tục liên quan đến hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán. Nếu DN bị đánh giá không có khả năng phục hồi thì có thể bị thu hồi lại phần tiền đã được hỗ trợ.

Nhiều DN cho rằng, với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay thì việc áp dụng đối tượng thụ hưởng lãi suất hỗ trợ như vậy là còn hạn chế, cần mở rộng hơn đến nhiều đối tượng thụ hưởng. Với những DN mặc dù không đủ điều kiện để vay gói hỗ trợ ưu đãi 2%, nhưng nếu DN có phương án kinh doanh tốt, tạo ra được dòng tiền để trả nợ cho ngân hàng thì có thể xem xét phương án kinh doanh này của DN. Hoặc DN cần vay vốn để mua máy móc trang thiết bị, ngân hàng có thể thẩm định giá các thiết bị này và nhận thế chấp chính các thiết bị này… Nếu ngân hàng linh động thay đổi điều kiện, giúp DN dễ dàng tiếp cận hơn với gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi.

Theo Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh (HUBA), nền kinh tế hiện đang trong giai đoạn phục hồi tích cực, nhu cầu vốn của các DN rất lớn để khôi phục lại các chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy, tuyển dụng lao động mới, đào tạo lao động, sửa sang nhà xưởng, đổi mới máy móc thiết bị sản xuất… Tuy nhiên, chi phí nguyên vật liệu, mặt bằng đều tăng khiến nhu cầu vốn đối với DN rất lớn, trong khi DN nhỏ và vừa chiếm tới 97% và tiếp cận vốn vay của các DN này hiện nay rất khó. Do đó, để DN tiếp cận được gói tín dụng tốt nhất, HUBA kiến nghị các ngân hàng thương mại có chính sách giúp DN vay vốn cũng như hỗ trợ triển khai nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2023 dự báo còn nhiều khó khăn thách và tiềm ẩn các yếu tố khó đoán định từ tình hình thế giới. Vì vậy, ngành ngân hàng Thành phố sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp để ổn định, hỗ trợ DN và tăng trưởng. Trong đó, tiếp tục thực hiện tốt gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của Ngân hàng TW nhằm tạo điều kiện cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh tăng trưởng và phát triển. Cụ thể là các giải pháp như: kết nối ngân hàng với DN; đối thoại DN; trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho DN trên cơ sở phối hợp với hiệp hội DN, các hội ngành nghề và đặc biệt là UBND các quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

T.Hà
.
.
.