Thanh Hóa tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp
Nhằm nâng cao tinh thần, trách nhiệm, kịp thời giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc cho các Doanh nghiệp (DN), đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội bền vững, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị gặp gỡ DN tỉnh Thanh Hóa 2023. Hội nghị do đồng chí Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Tại Hội nghị, ông Trần Quốc Trường, Chi hội phó Chi hội DN Khu công nghiệp (KCN) Đình Hương - Tây Bắc Ga, cho hay: KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga có 103 cơ sở không bảo đảm các tiêu chuẩn PCCC mới, theo quy định tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Cùng với bị xử phạt hành chính số tiền hàng trăm triệu đồng thì các DN hiện đang bị tạm đình chỉ và đình chỉ sản xuất từ cuối năm 2022 để khắc phục. Nhiều DN cũng đã xây dựng lộ trình, phương án để khắc phục nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn do phải đầu tư, cải tạo, phá bỏ nhiều công trình tốn kém phi phí. Các DN tại khu công nghiệp Tây Bắc Ga kiến nghị UBND tỉnh khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng và có phương án cải tạo, nâng cấp hạ tầng PCCC bảo đảm đồng bộ và phù hợp với quy mô sản xuất tại KCN Tây Bắc Ga, hạn chế chi phí đầu tư hạ tầng PCCC nội bộ và tạo điều kiện cho DN yên tâm sản xuất...
Bà Trịnh Thị Loan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ, kiến nghị: Đối với các DN nhỏ, siêu nhỏ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ nhà hàng, khách sạn, chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp sau thời gian không hoạt động, việc đầu tư gần như phải làm mới hoàn toàn, nhưng rất khó tiếp cận vốn vay trong giai đoạn hiện nay. Các DN kiến nghị ngành ngân hàng cần đánh giá lại tài sản thế chấp theo giá hiện hành đối với các DN cần đảo nợ, vì giá trị tài sản thế chấp (đất đai, tài sản khác) đã thay đổi rất nhiều so với đánh giá trước đây.
Về các vướng mắc về công tác PCCC, Đại tá Lê Như Lập, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, sẽ báo cáo UBND tỉnh để đưa ra giải pháp, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đang trong quá trình xây dựng sắp tới như: Luật PCCC, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn thi hành khác; đồng thời, sẽ tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật theo hướng tháo gỡ cho các DN, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Ông Tống Văn Ánh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh tỉnh Thanh Hoá cho biết: Thời gian qua, các ngân hàng cũng đã giảm chi phí, chia sẻ lợi nhuận, hỗ trợ DN, người dân tiếp cận vốn. Tuy nhiên, bản thân các DN cũng phải nhìn nhận lại các vấn đề nội tại của mình. Hầu hết các DN có quan hệ tín dụng với ngân hàng là DN nhỏ và vừa; quy mô vốn, vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế, số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác… nên ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn yêu cầu, Công an tỉnh ban hành ngay công văn hướng dẫn địa chỉ truy cập các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về PCCC gửi tới các hội, hiệp hội DN. Đề nghị Công an tỉnh phân loại nhóm nguy cơ cháy nổ, nhóm lỗi hiện hữu, trường hợp DN nguy cơ cao, vi phạm đặc biệt nghiêm trọng thì mới đình chỉ hoạt động. Bên cạnh đó, để bảo đảm yêu cầu PCCC, yêu cầu chủ cơ sở nâng cao ý thức về phòng, chống chảy nổ, xây dựng lộ trình và ký cam kết thời gian khắc phục cụ thể. Đối với Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng PCCC cho KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga. Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa giao Sở Tài nguyên và Môi trường sớm triển khai thủ tục đấu giá 16 mỏ do Hiệp hội DN đá Thanh Hoá đã và đang làm thủ tục. Bên cạnh đó, nghiên cứu đấu giá thêm một số mỏ đất, đá phù hợp quy hoạch để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng thông trường trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, ủy ban tỉnh xem xét việc giảm tiền sử dụng đất đối với đất kinh doanh dịch vụ, thương mại; giảm thuế tài nguyên một số loại vật liệu giá thuế còn cao và chưa phù hợp; chấn chỉnh, đẩy mạnh, quyết liệt hơn trong cải cách hành chính để tạo môi trường thông thoáng, cởi mở hơn cho DN hoạt động...