Thái Bình triển khai nhiều hoạt động đưa công nghệ số vào đời sống xã hội
Năm 2024, tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, ứng dụng chuyển đổi số phục vụ cuộc sống nhân dân. Với mục tiêu đó, tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều hoạt động để đưa công nghệ số vào đời sống xã hội.
Nhằm đưa chuyển đổi số vào mọi mặt đời sống, tỉnh Thái Bình đã đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến. Các kênh zalo: “Chính quyền số Thái Bình” và “Công dân số Thái Bình” được triển khai với hàng trăm nghìn lượt người quan tâm. Đặc biệt, chuyển đổi số đã thay đổi toàn bộ công tác lãnh đạo, quản lý thông qua mạng văn phòng điện tử liên thông; các cơ quan, đơn vị sử dụng chữ ký số để giảm bớt các thủ tục hành chính…
Năm 2024, tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, ứng dụng chuyển đổi số phục vụ cuộc sống nhân dân. Với mục tiêu đó, tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều hoạt động để đưa công nghệ số vào đời sống xã hội.
Trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” đã bước đầu xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu đất đai của 8 huyện, thành phố; xây dựng dữ liệu không gian cho 1.965.869 thửa đất; sổ địa chính điện tử được lập cho 260 xã, phường, thị trấn với 472.690 thửa.
Lập và duy trì kênh zalo “Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp” để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Ngành du lịch Thái Bình cũng đã triển khai Cổng Du lịch thông minh và ứng dụng Du lịch thông minh trên thiết bị di động để tiếp cận nhanh hơn tới du khách trong và ngoài nước. Một trong những bước đột phá của thành phố đó là gắn mã QR trên bảng tên các tuyến đường, tuyến phố tạo thuận lợi cho người dân trong việc tìm kiếm thông tin…
Hiện nay, toàn tỉnh có 7.249 doanh nghiệp đã tiếp cận và sử dụng các nền tảng ứng dụng công nghệ số. Đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, chuyển đổi số đã tác động sâu rộng, giúp các doanh nghiệp nhận thức tốt về ứng dụng công nghệ số và quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ số phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Một số lĩnh vực tỉnh Thái Bình chú trọng, ưu tiên triển khai ứng dụng công nghệ số như ngành Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành việc xét tuyển đại học, cao đẳng bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Các cơ sở giáo dục đã triển khai thực hiện thu, chi học phí và thu khác không dùng tiền mặt.
Đối với ngành Y tế tiếp tục triển khai liên thông dữ liệu giấy chứng sinh, giấy chứng tử lên cổng giám định bảo hiểm y tế (BHYT), một số cơ sở y tế thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Toàn tỉnh đã có 295 cơ sở triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp, đạt 100% tổng số cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Thái Bình cũng đã hoàn thành việc mở rộng triển khai mở rộng hệ thống camera giám sát giao thông trên tuyến quốc lộ 10 và quốc lộ 39 từ tháng 5/2024. Trước đó, ngành giao thông vận tải tỉnh tiến hành lắp đặt 128 camera giám sát giao thông, an ninh tại 5 cửa ngõ, 6 nút giao thông, 18 vị trí quan trọng và trọng yếu góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ của nhân dân.
Để có sự bức phá mạnh mẽ trong hoạt động chuyển đổi số nhưng đây là một quá trình dài với nhiều thách thức, vì vậy, UBND tỉnh Thái Bình đã tập trung nguồn lực để triển khai các chương trình, đề án, dự án quan trọng như: Dự án đầu tư xây dựng, hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử tỉnh Thái Bình; Đề án xây dựng đô thị thông minh tỉnh Thái Bình giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Cùng với đó, thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thái Bình do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, phát triển hướng tới chính quyền số trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Nhiều văn bản chỉ đạo điều hành đã được ban hành để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, các cấp, ngành, từng thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các tiêu chí, nhiệm vụ của năm 2024; chủ động xây dựng, cập nhật, liên thông, kết nối, chia sẻ các nền tảng số, cơ sở dữ liệu đồng bộ; hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết nối các dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia, góp phần giảm thiểu thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế tham nhũng, tiêu cực…
Anh Minh