Tạo động lực để doanh nghiệp vượt qua các rào cản

Chủ Nhật, 13/03/2022, 07:24

Đầu năm 2022, hàng loạt cơ chế, chính sách từ Trung ương được ban hành, với quyết tâm thúc đẩy nhanh chóng sự phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, giá nhiên liệu leo thang trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới diễn biến rất phức tạp, DN vẫn chưa thể dự đoán được thị trường trong năm mới này.

Một loạt chuyển động chính sách trong hơn 2 tháng đầu năm của Chính phủ đã tạo niềm tin cho cộng đồng DN trong các kế hoạch khôi phục sản xuất kinh doanh, mở cửa thị trường. Theo Tổng cục Thống kê, số DN gia nhập, quay trở lại thị trường tăng 46,2% so với cùng kỳ năm trước (42.600 DN).

Trong đó, 20.288 DN thành lập mới, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2021. Số vốn đăng ký thành lập trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt 277.568 tỉ đồng, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng cao hơn mức trung bình trong 2 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2021.

tao.jpg -0
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo qua các cảng tại vùng châu thổ Cửu Long.

Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, trong khi chờ NHNN soạn thảo nghị định và thông tư hướng dẫn, các hoạt động hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố vẫn triển khai giãn nợ, gia hạn như quy định cũ của NHNN. Tuy nhiên, thực tế DN đang tái khởi động sản xuất thuận lợi, có doanh thu nên cũng ít DN đề nghị ngân hàng giãn nợ. Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP Cần Thơ cho biết, DN Cần Thơ đang nỗ lực tự thân để tái lập kinh doanh. Tuy nhiên, giá xăng dầu tăng cao đang là nỗi lo chung của tất cả DN. Đa phần đang còn khó khăn về thị trường, khách hàng sau thời gian dài gián đoạn giao dịch; thiếu hụt về tài chính đang diễn ra ở một số DN.

Dù đã có sự chuyển biến tích cực trong hoạt động SXKD nhưng nhiều DN vẫn chưa an tâm với đà phục hồi của thị trường. Nhất là gần đây các căng thẳng chính trị, căng thẳng kinh tế đang leo thang và được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng sản xuất, xuất khẩu toàn cầu. Cùng với đó, nhiều DN vẫn thận trọng dò đường, nhằm đảm bảo không bị hụt hẫng trước các biến động mới.

Theo các chuyên gia, sau 2 năm khủng hoảng vì COVID-19, quá trình phục hồi kinh tế trên toàn cầu vẫn đang diễn ra nhưng không đồng đều và động lực phục hồi đang giảm bởi các bất định, rủi ro từ biến chủng mới của SARS-CoV-2. Đối với Việt Nam, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 5,5% trong năm 2022 nếu dịch được kiểm soát tốt. Nhưng những rủi ro tiêu cực vẫn ở mức cao, đòi hỏi các cấp có thẩm quyền phải có biện pháp chủ động ứng phó. Đặc biệt là các giải pháp chủ động ứng phó với các rủi ro xã hội do tác động của đại dịch, rủi ro về tài khóa, rủi ro tài chính. 20 năm qua, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào XK, trong khi khu vực đầu tư nước ngoài đang chiếm tỷ trọng lớn trong cán cân XNK. Vì vậy, việc hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân trong nước lớn mạnh đang cấp thiết hơn.

Lợi thế của Việt Nam hiện nay là tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới tiến bộ với các tiêu chuẩn ngày càng cao cũng sẽ tạo lực đẩy cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Theo các chuyên gia, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ được hỗ trợ bằng chính sách tài khóa nới lỏng hơn. Tuy nhiên, nguy cơ nợ công tăng, lạm phát cao sẽ xảy ra nếu không có sự kiểm soát tốt các gói hỗ trợ.

Đ.Văn – H.Hà
.
.
.