Tăng trưởng Q4 của VPBank tập trung vào bán lẻ, SME và FDI
VPBank tiếp tục đặt trọng tâm tăng trưởng vào 2 phân khúc truyền thống khách hàng cá nhân và SME, cùng phân khúc mới nổi FDI trong quý 4 tới, nhằm tận dụng sức nóng của thị trường trong các tháng cuối năm, qua đó tối đa nguồn thu cho ngân hàng.
Động lực tăng trưởng
Chia sẻ với nhà đầu tư trong cuộc họp cập nhật kết quả kinh doanh quý 3 mới đây, ban lãnh đạo VPBank cho biết ngân hàng sẽ tiếp tục bám sát định hướng kinh doanh, tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống và mới nổi bao gồm mảng bán lẻ, SME và FDI, nhằm tối ưu cơ hội thị trường mang lại, mở rộng nguồn thu cho ngân hàng trong những tháng cuối năm 2024.
Cụ thể, đối với mảng tín dụng bán lẻ, ngân hàng này kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ hơn của thị trường bất động sản trong thời gian tới, khi nguồn cung nhà dự án dự báo tăng nhanh nhờ hành lang pháp lý thông thoáng giúp giảm áp lực lên giá nhà. Đi đôi với mặt bằng lãi suất neo ở mức thấp như hiện tại, nhu cầu vay vốn mua nhà của người dân được dự báo sẽ tăng trưởng trở lại, cải thiện tình trạng cho vay mua nhà tăng trưởng chậm trong thời gian vừa qua.
Cùng với đó, sức mua có xu hướng ấm dần lên trong mùa lễ hội cuối năm sẽ trở thành yếu tố quan trọng hậu thuẫn tăng trưởng của mảng cho vay tín chấp của ngân hàng, với thẻ tín dụng là sản phẩm chủ lực. Cuối quý 3 vừa qua, mảng thẻ tín dụng của VPBank ghi nhận tăng trưởng 7,5% so với đầu năm, tới tổng chi tiêu 9 tháng tăng 16% so với cùng kỳ.
Song song với mảng bán lẻ, VPBank sẽ đẩy mạnh khai thác phân khúc SME truyền thống với các sản phẩm may đo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục cải tiến sản phẩm, số hóa quy trình, phát triển cổng thanh toán trong nỗ lực nâng cao trải nghiệm khách hàng. Đặc biệt, VPBank sẽ mở rộng mạng lưới các trung tâm Micro SME ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới để thu hút khách hàng mới và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng hiện hữu. Ngoài ra, đối với mảng Upper SME, ngân hàng sẽ xây dựng và chuẩn hóa chương trình cho vay theo đặc thù từng lĩnh vực nói chung, như bất động sản khu công nghiệp, tín dụng xanh… và những ngành nghề chủ lực như gạo, thủy hải sản, thiết bị y tế…
Trong 3 quý đầu năm 2024, phân khúc SME của VPBank ghi nhận mức tăng trưởng cho vay gần 24% so với cuối năm 2023, phản ánh nhu cầu vốn gia tăng của khối doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế, phục vụ hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất-kinh doanh.
Động lực tăng trưởng còn lại của VPBank là phân khúc FDI mới đi vào hoạt động trong gần 2 năm trở lại đây. Đây là phân khúc sẽ được khai thác toàn diện trong trung-dài hạn, tận dụng mối quan hệ chiến lược với đối tác SMBC và hệ sinh thái sẵn có của VPBank để tối ưu cơ hội kinh doanh, gia tăng thị phần và củng cố thương hiệu của ngân hàng.
Sau gần 2 năm hoạt động, ngân hàng đã xây dựng một danh mục khách hàng FDI lên tới hơn 500 doanh nghiệp, quy mô huy động đạt hơn 7,3 nghìn tỷ, tín dụng đạt hơn 3,2 nghìn tỷ và một tệp khách hàng cá nhân tiềm năng mang theo bởi mỗi doanh nghiệp FDI này khi trở thành khách hàng của VPBank.
Nền tảng sẵn có
Nhận định thị trường còn tồn tại một số khó khăn và thách thức, đặc biệt đối với thị trường bất động sản có sự phục hồi không đồng đều giữa các tỉnh thành phố lớn, ban lãnh đạo VPBank đánh giá tăng trưởng tín dụng của ngân hàng có thể chậm hơn mục tiêu 25% của đầu năm.
Tuy nhiên, với các chỉ số kinh tế vĩ mô cải thiện (bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng tăng 8,5% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất-nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% so với cùng kỳ…), đi kèm với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm đẩy nhanh sự phục hồi của nền kinh tế, ngân hàng nhận định nhu cầu tín dụng sẽ quay trở lại mạnh mẽ hơn trước, đáp ứng cầu tiêu dùng và đầu tư vào sản xuất kinh doanh gia tăng trong quý cuối năm và trong năm 2025.
Trong 9 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng bao gồm cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng riêng lẻ tăng hơn 10% so với đầu năm, đạt hơn 581 nghìn tỷ đồng, cao hơn trung bình ngành (8,5%), chảy vào vào đa dạng các phân khúc và ngành nghề của nền kinh tế.
Đáp ứng nhu cầu giải ngân, ngân hàng tiếp tục tối ưu danh mục huy động từ khách hàng và đa dạng hóa nguồn vốn trung dài hạn quốc tế. Trong quý 3 vừa qua, VPBank và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã ký kết hợp đồng tín dụng trị giá lên tới 150 triệu USD, nhằm tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo và truyền tải điện tại Việt Nam, góp phần hiện thực hóa mục tiêu quốc gia giảm phát thải ròng bằng 0 tới năm 2050.
Chi phí vốn của ngân hàng riêng lẻ, theo đó, tiếp tục được tối ưu ở mức 4,1% trong quý 3 và giảm hơn 2% so với cả năm 2023. Các tỷ lệ an toàn thanh khoản như tỷ lệ LDR (82,3%), tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (24,6%) đều ở mức tốt so quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 9 tháng của VPBank đạt gần 13,9 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 67% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngân hàng mẹ đóng góp hơn 13 nghìn tỷ đồng với thu nhập từ lãi là động lực tăng trưởng chính.
Nỗ lực thúc đẩy thu hồi nợ và ứng dụng công nghệ số xuyên suốt cũng mang lại trái ngọt cho cả tập đoàn khi thu từ nợ đã xử lý rủi ro hợp nhất đạt hơn 3,2 nghìn tỷ đồng trong 3 quý, tăng hơn 90% so với cùng kỳ. Nhờ áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu đa dạng, tỷ lệ nợ xấu (NPL) theo Thông tư 11 của ngân hàng mẹ được giữ vững ở dưới 3% theo quy định của NHNN.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng hợp nhất đạt 15,7%, tiếp tục dẫn đầu toàn ngành, tạo nền tảng tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.