Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Ích nước, lợi nhà

Thứ Hai, 22/07/2024, 05:07

Dù lo ngại việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá cao sẽ gây “sốc” cho ngành kinh doanh thuốc lá, song các doanh nghiệp và chuyên gia đều cho rằng, việc tăng thuế là cần thiết, nhằm giảm thiểu tỷ lệ người hút thuốc, vừa tăng thu cho ngân sách, đảm bảo hài hòa ích nước, lợi nhà.

Theo Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá rất cao. Ngoài thuế theo tỷ lệ như hiện nay, thuốc lá sẽ chịu thêm thuế tuyệt đối.

tl.jpg -0
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá giúp giảm số lượng người hút thuốc.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án. Phương án 1: Năm 2026 (khi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi chính thức có hiệu lực), vẫn giữ nguyên tỉ lệ tính thuế 75% trên giá bán như hiện nay và bổ sung 2.000 đồng/bao. Từ năm 2027 - 2030, mỗi năm thuế tăng thêm 2.000 đồng/bao. Đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối là 10.000 đồng/bao. Phương án 2: Năm 2026, cùng với việc giữ nguyên mức 75%, mức thuế tuyệt đối với thuốc lá là 5.000 đồng/bao. Mỗi năm sau tăng thêm 1.000 đồng/bao. Đến năm 2030, thuế tăng lên 10.000 đồng/bao. Với mục tiêu giảm lượng tiêu thụ đối với thuốc lá, Bộ Tài chính nghiêng về phương án 2.

Bàn về mức thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá mà Bộ Tài chính đưa ra, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho hay, Việt Nam nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Tại Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong mỗi năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp, nhiều chương trình hành động, bao gồm cả việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình vào năm 2016 và 2019, nhưng kết quả thu được chưa cao. Tỷ lệ người sử dụng thuốc lá tại Việt Nam có giảm song tốc độ giảm khá khiêm tốn, từ mức 47,4% tỷ lệ hút thuốc ở nam giới vào năm 2010 xuống 45,3% vào năm 2015 và khoảng 42,7% vào năm 2022.

Một trong những lý do chính là do giá thuốc lá của Việt Nam nhìn chung còn thấp, hiện đứng thứ 157 trên tổng số 161 quốc gia, theo đánh giá của WHO. Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tại Việt Nam theo luật hiện hành ở mức 75% giá bán của nhà sản xuất. Tuy nhiên, tổng các khoản thuế tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 38-39% trong giá bán lẻ thuốc lá tại Việt Nam hiện nay, thấp hơn rất nhiều so với trung bình của các quốc gia có mức thu nhập trung bình (59%) và đa số các nước ASEAN (khoảng 60-70%), cũng như khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) là khoảng 2/3 đến 3/4 giá bán lẻ. Nghiên cứu của WHO và WB đều khẳng định, biện pháp thuế thường đóng góp từ 50 - 60% hiệu quả giảm sử dụng thuốc lá. Ước tính khi giá thuốc lá tăng khoảng 10% thì sẽ giảm sử dụng thuốc lá khoảng 10% hoặc nhiều hơn ở nhóm trẻ tuổi. Từ nghiên cứu trên cho thấy, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm thuốc lá sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe của người dân.

Chia sẻ với lo ngại của doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân sách, Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, thuốc lá là tác nhân gây ra nhiều bệnh. Do đó, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá là cần thiết. Song, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải cân đối nhiều lợi ích như người trồng nguyên liệu, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nguồn thu ngân sách nhà nước, đảm bảo sức khỏe của người dân… Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, không thể có một phương án đảm bảo trọn vẹn lợi ích của cả người tiêu dùng, nhà nước và doanh nghiệp, nên cần lựa chọn phương án tối ưu nhất. Các doanh nghiệp cần thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, người dân, giúp ban soạn thảo, Chính phủ, Quốc hội lựa chọn phương án tối ưu nhất. Về phía cơ quan soạn thảo, cần nghiên cứu, lựa chọn phương án, lộ trình tăng thuế khả thi để đạt được mục tiêu đề ra, đảm bảo tương đối hài hòa lợi ích các bên liên quan…

Hà An
.
.
.