Tăng kích cầu để hỗ trợ doanh nghiệp
Theo đánh giá cuả ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh (HUBA): Tình hình xuất khẩu (XK) đến nay vẫn chưa thấy có dấu hiệu tốt hơn. Nhưng hiện nay số DN có đơn hàng hết năm 2023 không nhiều và không có đơn hàng gối đầu cho năm 2024.
XK đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ trong 7 tháng đầu năm đạt 7,2 tỷ USD (so 2022 giảm 26,2%). Bình quân XK mỗi tháng trên dưới 1 tỷ USD, đây là con số giảm khá mạnh, có những tháng giảm đến 30%. Nguyên nhân, hai thị trường lớn cuả đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam là Mỹ (chiếm thị phần XK cuả Việt Nam 50-60%) và EU, nhưng hai thị trường này giảm mạnh sức mua. Về góc độ kinh doanh, để tồn tại DN bắt buộc phải bằng mọi cách khai thác được thị trường.
Hiện, một số thị trường nước ngoài rất tiềm năng cho ngành gỗ XK đó là thị trường Nam Á (đặc biệt là Ấn Độ với 1,4 tỷ dân). Thị trường Trung Đông, bởi tập trung đa số nhà giàu, nhiều bất động sản và dự án lớn đang triển khai. Thị trường châu Phi khá phát triển, một số nước có “mỏ vàng”… Còn tại thị trường trong nước, DN cũng đang loay hoay tìm kiếm đơn hàng.
Ông Trần Ngọc Liêm - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh (VCCI) khẳng định, trong tất cả các kênh xúc tiến thương mại (XTTM) thì kênh XTTM qua hội chợ triển lãm là hiệu quả nhất đối với các DN trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Ngày 29/8 tới, VCCI sẽ phối hợp với một số đơn vị tổ chức Hội chợ Quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam ASEAN tại SECC (quận 7, TP Hồ Chí Minh).
Ngoài khách hàng truyền thống, Hội chợ còn thu hút nhiều khách hàng phi truyền thống và đến nay đã có hơn 2.000 khách quốc tế đã đăng ký tham quan. Đây sẽ là cơ hội rất tốt để giúp DN tìm được thị trường mới, đơn hàng mới.