Sông Đà 1.01 kỳ vọng “đổi vận” trong thời gian tới

Thứ Ba, 27/12/2022, 19:24

Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 (mã: SJC) vừa có thông báo về việc triệu tập Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường vào ngày 31/12 tới đây, nhằm thông qua việc thay đổi điều lệ, miễn nhiệm và bầu thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), thành viên Ban kiểm soát và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.

Trong cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp này đã xuất hiện 2 cổ đông lớn cá nhân mới nắm giữ tới 48% cổ phần. Đây là tín hiệu rất rõ ràng về việc Sông Đà 1.01 sẽ thay đổi cả về sở hữu và quản trị doanh nghiệp.

Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 là chủ đầu tư của nhiều chung cư tại Hà Nội như chung cư Hemisco và CT1 Văn Khê, Tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở Viễn Đông Star (Tên trước là Eco Green Tower); và đáng chú ý nhất là Tòa cao ốc Hanoi Landmark 51 được đánh giá là tòa nhà cao thứ 3 Thủ đô chỉ sau Keangnam Landmark 71 và Lotte Tower tại thời điểm đó.

Sông Đà 1.01 kỳ vọng “đổi vận” trong thời gian tới -0
Dự án Tokyo Tower Vạn Phúc do SJC làm chủ đầu tư.

Hanoi Landmark 51 có 688 căn hộ, quy mô 1 tháp 51 tầng nổi, trong đó có 5 tầng thương mại, 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng bể bơi, 43 tầng căn hộ và 4 tầng hầm. Ra mắt rầm rộ vào cuối tháng 11/2015, dự án được các đơn vị phân phối quảng bá "đẳng cấp, chất lượng, uy tín" và do chủ đầu tư có thương hiệu triển khai.

Tuy nhiên, vì một vài lý do khách quan cũng như chủ quan, dự án không thể tiếp tục triển khai. Đỉnh điểm, đến tháng 9/2018, đơn vị tài trợ vốn cho dự án – PVCombank HO đã quyết định thu giữ tài sản đảm bảo do chủ đầu tư mất khả năng thanh toán.

Theo một lãnh đạo của Sông Đà 1.01, vấn đề của công ty hiện nay chỉ nằm ở vấn đề dòng tiền, do nhiều năm kinh doanh không ổn định khiến nợ vay tăng nhanh, khó tiếp cận nguồn vốn mới nên không thể tiếp tục phát triển dự án. “Đây cũng là tình trạng chung của các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian qua”, vị lãnh đạo này cho biết.

Trước những khó khăn chung về nguồn vốn, bên cạnh “kêu cứu” thì nhiều doanh nghiệp cũng phải tìm cách tự cứu mình, trong đó hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) đang được ưu tiên.

Trong khi đó, theo quy luật cung cầu, khi thị trường thiếu vắng nguồn cung, khan hiếm quỹ đất sạch có vị trí đẹp để phát triển dự án thì nhiều doanh nghiệp có tiềm lực tài chính cũng ưa thích M&A để làm sống lại những dự án “trùm mền”.

Thực tế cho thấy, nhiều năm trước, ở các đô thị lớn, có khá nhiều dự án từng bị dừng thi công hàng chục năm, nhưng chính nhờ sự chuyển giao đã biến thành những khu dân cư hiện đại. Theo nhận định của TS. Đinh Thế Hiển – chuyên gia kinh tế, M&A là thương vụ của những doanh nghiệp chuyên nghiệp với nhau. Khi tiến hành M&A, hai bên sẽ tính toán về khả năng phục hồi dự án, khai thác dự án, vị thế của hai bên. Điều đáng lo nhất trong các thương vụ này là những dự án bị dừng lâu năm sẽ rất “kén” người mua nên chủ đầu tư mới phải có thực lực, tạo ra những giá trị mới cho dự án.

Quay trở lại với thương vụ có khả năng “được” mua lại của Sông Đà 1.01, nếu thực sự được “sang tay” cho một nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm về lĩnh vực bất động sản, cùng với những kinh nghiệm cũng như lượng hàng tồn kho sẵn sàng để bán, Sông Đà 1.01 hoàn toàn có thể vượt qua những khó khăn tồn tại nhiều năm qua, sẵn sàng tạo đà để bứt phá.

PV
.
.
.