Sắp đến thời điểm đáo hạn trái phiếu, doanh nghiệp có khả năng thanh toán nợ?
Sau "phốt" trái phiếu của nhóm Tân Hoàng Minh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tháng 4 trở nên im lìm, đặc biệt là nhóm bất động sản gần như "nằm im nghe ngóng". Thế nhưng sang tháng 5, thị trường TPDN lại sôi động trở lại, đặc biệt là nhóm ngành bất động sản, dù thời điểm đáo hạn TPDN sẽ diễn ra vào cuối năm 2022 và trong 2 năm tới.
Số liệu của FiinPro cho thấy trong tháng 5 đã có 37.527,81 tỷ đồng TPDN được phát hành ở thị trường trong nước và trái phiếu chuyển đổi quốc tế của Tập đoàn Vingroup. Con số này đã cải thiện đáng kể so với thời điểm tháng 4 khi chỉ có 16.472 tỷ đồng, giảm 23,2% so với tháng 3. Nếu không tính giá trị phát hành trái phiếu quốc tế 525 triệu USD của Vingroup thì ngân hàng vẫn là nhóm ngành dẫn đầu phát hành trái phiếu trong tháng 5 với giá trị 14,6 nghìn tỷ đồng.
Tiếp theo là bất động sản với gần 7 nghìn tỷ đồng, con số này đã cải thiện đáng kể so với thời điểm tháng 4 không có bất kỳ một DN bất động sản nào phát hành trái phiếu sau sự kiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Đã có tổng cộng 8 DN bất động sản phát hành trái phiếu. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NoVa là DN phát hành khối lượng trái phiếu lớn nhất toàn thị trường đạt 5.774 tỷ đồng. Về lãi suất, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG phát hành trái phiếu có lãi suất cao nhất là 10%/năm.
TPDN sôi động trở lại, nhưng nhiều người vẫn băn khoăn về khả năng trả nợ của DN khi mà theo số liệu từ Bộ Tài chính, tới 99% TPDN phát hành ra công chúng không có tài sản đảm bảo, chưa kể có rất nhiều DN có kết quả kinh doanh lỗ trước khi phát hành, hoặc có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10.
Đáng chú ý, tại nhiều DN, tỷ lệ khối lượng phát hành trên vốn chủ sở hữu đã lên tới hàng chục lần, có DN lên tới 47 lần; một số DN phát hành để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của DN khác hoặc cho DN khác vay vốn; hoặc phát hành để chuyển vốn "lòng vòng" nhằm lách quy định về giới hạn cho vay/đầu tư TPDN của tổ chức tín dụng đối với 1 khách hàng/nhóm khách hàng…
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần FiinGroup nhận định áp lực đáo hạn trái phiếu bất động sản đang ở mức rất cao, với khoảng 305 nghìn tỷ đồng, chiếm 63% trong tổng số TPDN của nhóm ngành bất động sản sẽ có điểm rơi đáo hạn vào 3 năm tới đây (2022 - 2024). Và thách thức lớn nhất ở thời điểm hiện tại là hồ sơ chất lượng tín dụng yếu, nhất là nhà phát hành chưa niêm yết. Năng lực tín dụng của các DN bất động sản chưa niêm yết yếu hơn rất nhiều so với DN niêm yết trong khi phần lớn giá trị phát hành và đang lưu hành lại thuộc về các tổ chức phát hành chưa niêm yết. Đối với DN niêm yết, giá trị dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN bất động sản niêm yết giảm dần do dịch bệnh, cho thấy sức khỏe tín dụng suy yếu. Trong khi các DN phi tài chính trên toàn thị trường chứng khoán được dự báo vẫn sẽ duy trì tăng trưởng lợi nhuận khá tích cực thì triển vọng lợi nhuận các đơn vị bất động sản niêm yết được dự báo "đi ngang". Bên cạnh đó, COVID-19 làm chậm tiến độ triển khai dự án.
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về TPDN cho biết, trừ trường hợp TPDN của Tân Hoàng Minh, hiện nay vẫn chưa trả được nợ khi hủy phát hành, còn lại các DN khác khi đến hạn đều trả được nợ. Như vậy, dòng TPDN vẫn lưu chuyển bình thường. Trả lời thêm về giải pháp nào để làm lành mạnh hóa thị trường TPDN, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định không có chủ trương nào về siết chặt hay hạn chế TPDN. Đây là kênh huy động vốn hiệu quả cùng các ngân hàng thương mại huy động vốn cho các DN sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên việc huy động này phải đúng pháp luật, minh bạch, không được lợi dụng để sử dụng vốn sai mục đích. Cũng theo Bộ trưởng Phớc, hiện nay quy mô thị trường TPDN đạt khoảng 1,374 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 15% GDP. Theo mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ ban hành, đến năm 2025 quy mô thị trường phải đạt 20% GDP, như vậy mức 15% hiện tại là trong khoảng cho phép. So với các nước xung quanh, quy mô huy động của Việt Nam vẫn còn thấp và có dư địa phát triển.