Rất nhiều sai phạm liên quan đến mua bán đất "đội lốt" bán doanh nghiệp
Kế hoạch thoái vốn, cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020 và từ 2020 đến nay không đạt mục tiêu. Năm 2021, kế hoạch thu từ CPH, thoái vốn DNNN mà Quốc hội giao là hơn 40.000 tỉ đồng, nhưng hết năm 2021 chỉ đạt 3.000 tỉ đồng, đạt 8% kế hoạch. Các chuyên gia cho rằng, để thúc tiến độ, điều quan trọng phải tìm đúng nguyên nhân để gỡ.
Theo ông Phạm Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), có nhiều nguyên nhân dẫn đến kế hoạch CPH, thoái vốn chưa đạt mục tiêu đề ra, trong đó có nguyên nhân chủ quan từ tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí của DNNN chưa thống nhất dẫn tới lúng túng trong hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Cùng với đó, đa số các tập đoàn, tổng công ty chưa chủ động triển khai các chính sách pháp luật về đất đai, đến khi phải thực hiện CPH mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ...
Chia sẻ với tư cách “người trong cuộc”, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, chính sách CPH không ổn định là nguyên nhân cản trở tiến trình CPH. Phân tích cụ thể, ông Nam chỉ ra rằng, cơ chế, chính sách ban hành không có tính ổn định dài hạn.
“Khi CPH, EVNGENCO 3 chịu ảnh hưởng bởi 3 quy định, gồm: Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 về chuyển DNNN và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần và Nghị định 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126. Tuy nhiên, khi các nghị định ban hành, ít đề cập đến điều kiện chuyển tiếp. Vì vậy, khi Nghị định số 126 có hiệu lực thi hành, thay thế Nghị định số 59, chúng tôi phải làm lại từ đầu”, ông Nam dẫn chứng. Ngoài ra, ông Nam cũng chỉ ra những vướng mắc khác như thời hạn cho nhà đầu tư chiến lược tìm hiểu DN CPH quá ngắn; rồi việc đưa đất đai vào để xác định giá trị DN, yêu cầu phải tính giá thị trường nhưng giá thị trường biến đổi liên tục nên rất khó, chưa kể phương pháp xác định giá trị DN khác nhau cũng dẫn đến kết quả khác nhau.
“DN lo sợ nhất là đánh giá giá trị của DN để thoái vốn, sợ nhất “ông đất”, bởi không có thị trường để bán cả khuôn viên. Tôi cho rằng, điều cần tháo gỡ nhất để đẩy nhanh tiến trình CPH, thoái vốn chính là gỡ khó về chính sách, để DN làm rõ nét, làm đúng và không sợ sai”, ông Nam nói.
Nhìn từ góc độ khác, bà Phạm Thị Hồng Hà, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh thì thẳng thắn cho rằng, do tâm lý e ngại, sợ sai khi CPH còn rất nặng nề. "TP Hồ Chí Minh triển khai rất sớm các quy định liên quan tới sắp xếp, CPH DNNN thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo CPH DN. Giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn thực hiện quyết toán chuyển thể của các DNNN CPH giai đoạn 2013-2015 và trước đó. Đây cũng là giai đoạn có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra... và từ đó chỉ ra nhiều sai sót, sai phạm trong quá trình tổ chức, thực hiện CPH.
Ngoài việc những cá nhân, tổ chức có sai sót, sai phạm phải kiểm điểm, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn quy trách nhiệm đến thành viên Ban Chỉ đạo và yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm cá nhân. Khi phát hiện những sai sót trong việc xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định… làm ảnh hưởng kết quả xác định giá trị DN, các cơ quan thanh tra, kiểm tra đều quy trách nhiệm cho Ban Chỉ đạo CPH.
Trong khi đó, các thành viên tham gia tổ chức phối hợp liên ngành làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và là lãnh đạo của các sở, ngành nhưng phải thông qua nhiều nội dung không thuộc lĩnh vực quản lý như thẩm định giá, dự toán kinh phí CPH, phương án sử dụng lao động, phương án sử dụng đất, nhân sự... Điều này dẫn đến tâm lý e ngại, đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm tham gia của Ban Chỉ đạo CPH, làm ảnh hưởng đến tiến độ”, bà Hà cho biết.
Nhấn mạnh một trong những vướng mắc trong quá trình CPH, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, công tác xử lý về đất đai gặp nhiều vướng mắc, nhất là trong việc xác định thẩm quyền lập, phê duyệt phương án sử dụng đất/phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, đặc biệt là đối với các DN có số lượng nhà đất lớn, nằm trên địa bàn nhiều địa phương, lịch sử pháp lý đất đai phức tạp.
“Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và tránh thất thoát trong quá trình CPH, thoái vốn, tôi đề nghị tách việc xác định giá trị quyền sử dụng đất khỏi quy trình CPH, thoái vốn tại DN. Sau khi CPH, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất (nếu có) phải phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác liên quan. Bên cạnh đó, cần tách công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất khỏi quy trình CPH. Vì hoạt động rà soát hiện trạng sử dụng đất là nhiệm vụ thường xuyên cả trước và sau CPH của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai để bảo đảm sử dụng đúng mục đích và hiệu quả sử dụng đất, tránh hoang hóa, lãng phí, chứ không phải chỉ để thực hiện công tác CPH, thoái vốn”, ông Hùng đề xuất.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh thì cho rằng, cần tách giá trị đất đai ra khỏi xác định giá trị DN. "Tôi ủng hộ việc tách giá trị đất đai ra khỏi xác định giá trị DN không chỉ vì câu chuyện lợi ích mà còn giảm số vụ vi phạm. Tôi cảm thấy chúng ta không bán DN mà đang bán đất, rất nhiều sai phạm hiện nay đều liên quan đến chuyện mua bán đất “đội lốt” bán DN”, ông Ánh nói.
Còn ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, thời gian tới, trước hết cần thay đổi nhận thức, quan điểm về chủ trương CPH, thoái vốn DNNN. Tiếp đó, phải đề ra các giải pháp khả thi để hoàn thành các mục tiêu. Tất nhiên, không CPH, thoái vốn bằng mọi giá, mà cần theo nguyên tắc và tín hiệu thị trường, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả và thu hồi tối đa vốn nhà nước…