Quản lý thị trường mạnh tay xử lý hàng giả mạo nhãn hiệu

Thứ Ba, 22/10/2024, 12:53

Lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, thu giữ nhiều vụ việc hàng hoá có dấu hiệu là hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng. Những vi phạm này không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp (DN) về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu. Để kiểm soát thị trường, từ nay đến cuối năm, lực lượng chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý hàng hóa vi phạm về sở hữu trí tuệ (SHTT).

Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường

Thực tế cho thấy, rất nhiều mặt hàng được bày bán trên thị trường hiện nay có dấu hiệu là hàng giả mạo những nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam. Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã tích cực kiểm tra, xử lý song tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến, ngày càng phức tạp, tinh vi, khó kiểm soát.

Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu xảy ra ở đa dạng mặt hàng, trong đó, tập trung nhiều vào mặt hàng quần áo, giày dép, túi xách, đồng hồ, mỹ phẩm. Các sản phẩm thường được làm giả, làm nhái những nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới như LV, Hermes, Dior, Chanel, Gucci, Louis Vuiton, Burberry, Adidas... Nếu là hàng chính hãng của thương hiệu này, sản phẩm sẽ có giá từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, thế nhưng đối với hàng nhái, hàng giả mạo thương hiệu thường chỉ có giá vài trăm nghìn đồng. Các thương hiệu lớn ra mắt mẫu nào thì trên thị trường nhanh chóng xuất hiện hàng giả mạo ngay mẫu đó.

Bên cạnh vấn nạn kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu nước ngoài, trên thị trường còn xuất hiện tràn lan hàng giả, hàng nhái các nhãn hàng “made in Viet Nam” do các doanh nghiệp uy tín trong nước sản xuất, phổ biến nhất là mặt hàng bánh kẹo, rượu, thuốc lá, mỳ tôm, chăn, ga, giấy vệ sinh, sữa tắm, dầu gội đầu, nước giải khát, phụ tùng ô tô, xe máy… với giá bán chỉ bằng 50-70% giá hàng chính hiệu nên có sức tiêu thụ khá cao, nhất là tại địa bàn nông thôn.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT Sóc Trăng đã tiến hành kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh thời trang trên địa bàn thành phố Sóc Trăng, kết quả đã phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính và trình Cục trưởng ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở 45 triệu đồng, với nhiều mặt hàng là quần, áo không rõ nguồn gốc, xuất xứ; giả mạo nhãn hiệu ADIDAS, LOUIS VUITTON. Ngày 26/9/2024, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính Hộ kinh doanh trên với tổng số tiền phạt 45 triệu đồng, buộc tiêu hủy 112 đơn vị sản phẩm là quần áo, may sẵn giả mạo nhãn hiệu; tịch thu 126 đơn vị sản phẩm là giày, dép, quần, áo may sẵn không rõ nguồn gốc, xuất xứ và đến ngày 2/10, đối tượng đã chấp hành nộp phạt.

Quản lý thị trường mạnh tay xử lý hàng giả mạo nhãn hiệu -0
Hàng hoá trong vụ việc Công ty TNHH may T.V

Về việc đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền SHTT năm 2024 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Đội QLTT số 4 (Cục QLTT Thừa Thiên Huế) cho biết, trong tháng 9 năm 2024 Đội QLTT số 4 đã kiểm tra và xử phạt VPHC: 19 cơ sở vi phạm, trong đó vào ngày 24 và 26/9/2024, Đội QLTT số 4 đã phát hiện và kiểm tra, xử lý  2 vụ vi phạm về SHTT. Cụ thể: Ngày 24/9 Đội QLTT số 4 đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh H.L tại địa chỉ Trung tâm Thương mại Quảng Điền, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế do Bà L.T.H.L làm đại diện;

Tại thời điểm kiểm tra hộ kinh doanh L.T.H.L đang trưng bày để bán hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam gồm 35 bộ quần áo thể thao trẻ em hiệu NIKE, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu NIKE.

Ngày 11/10, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Quảng Trị chủ trì, phối hợp với Đội kiểm soát Hải quan, Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị dã phát hiện vụ vận chuyển gần 300 sản phẩm gồm giày, dép các loại (210 đôi giày thể thao các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ và 84 đôi dép nữ giả mạo nhãn hiệu GUCCI, LOUIS VUITTON, DIOR, BURBERRY) có trị giá trên 20 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe đồng thời là chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, Đội QLTT số 2 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nói trên để xử lý theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, từ ngày 16/9 đến ngày 24/9, Đội QLTT số 4 thuộc Cục QLTT tỉnh Tây Ninh liên tiếp kiểm tra, xử lý 9 cơ sở kinh doanh phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu Honda, Yamaha với tổng số tiền phạt hành chính 54 triệu đồng, buộc tiêu huỷ 328 đơn vị sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy ước tính hơn 8 triệu đồng.

Theo Cục QLTT Hà Nam, từ đầu năm 2024 đến nay, qua kiểm tra 11 cơ sở có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa, lực lượng QLTT toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 10 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước số tiền trên 115 triệu đồng.

Trước đó, Đội QLTT số 4 thuộc Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đồng loạt kiểm tra một số điểm kinh doanh tại Trung tâm thương mại Saigon Square (quận 1). Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện hàng trăm đơn vị sản phẩm quần áo, túi xách, ví, trang sức xi mạ không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nước ngoài đang được bảo hộ tại Việt Nam. Đội QLTT số 4 đã tiến hành niêm phong, tạm giữ toàn bộ hàng hóa nêu trên để xử lý theo quy định. Đáng nói, đây không phải lần đầu Saigon Square bị phát hiện kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Những lần trước đó, cơ quan chức năng TPHCM cũng kiểm tra và thu giữ lượng lớn các mặt hàng vi phạm nhưng tiểu thương vẫn tái phạm.

Quản lý thị trường mạnh tay xử lý hàng giả mạo nhãn hiệu -0
Quản lý thị trường mạnh tay xử lý hàng giả mạo nhãn hiệu -1
Quản lý thị trường mạnh tay xử lý hàng giả mạo nhãn hiệu -2
Quản lý thị trường mạnh tay xử lý hàng giả mạo nhãn hiệu -3
Quản lý thị trường mạnh tay xử lý hàng giả mạo nhãn hiệu -4
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hoá vi phạm.

Ông Vũ Văn Sơn, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Hà Nam cho biết: Hàng giả mạo nhãn hiệu ngày càng được làm một cách tinh vi và được bày bán xen kẽ, trà trộn cùng với hàng thật nên người tiêu dùng khó phân biệt. Hiện nay, hàng giả mạo nhãn hiệu còn được người bán lợi dụng nền tảng mạng xã hội như: facebook, zalo, tiktok để chạy quảng cáo và livestream bán hàng. Người bán thường sử dụng địa điểm livestream bán hàng một nơi, còn kho chứa hàng lại là nơi khác. Việc giao hàng, vận chuyển hàng hóa và giao dịch thanh toán thường được thực hiện thông qua ngân hàng hoặc bên thứ ba, khiến công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền SHTT, hàng giả, hàng nhái còn chồng chéo, trùng lặp khiến cơ quan thực thi lúng túng trong việc xử lý hành vi vi phạm…

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Để bảo vệ quyền lợi của các cơ sở sản xuất và kinh doanh chân chính, quyền lợi của người tiêu dùng và xây dựng một thị trường lành mạnh, các hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và giả mạo nhãn hiệu sẽ bị xử lý nghiêm minh.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Đội QLTT số 4, Cục QLTT Tây Ninh, Đội QLTT số 4 xác định công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc là nhiệm vụ lâu dài. Trong thời gian tới, Đội QLTT số 4 tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong hoạt động kinh doanh, lồng ghép việc kiểm tra song song với hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nhận biết cách phân biệt hàng thật, hàng giả một số phụ tùng mang nhãn hiệu Honda, Yamaha; chủ động cho ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… Đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đại diện Cục QLTT Hà Nam cũng cho biết, Cục QLTT Hà Nam tập trung chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc gắn công tác quản lý địa bàn với việc phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, kịp thời phát hiện phương thức, thủ đoạn, tìm ra quy luật hoạt động của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái để xây dựng phương án kiểm tra chuyên đề, đột xuất. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân; công bố, công khai rộng rãi số điện thoại đường dây nóng của Cục QLTT tỉnh để người dân biết, từ đó kịp thời phản ánh, tố giác về hành vi vi phạm; tổ chức ký cam kết với các tổ chức, cá nhân không kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT trên địa bàn tỉnh.

Quản lý thị trường mạnh tay xử lý hàng giả mạo nhãn hiệu -0
Công chức Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp với Đội kiểm soát Hải quan kiểm tra hàng hóa vi phạm.

Theo các cơ quan chức năng, trong thời gian tới, dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 là thời gian hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa diễn ra rất sôi động do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Người tiêu dùng cần hết sức tỉnh táo, lựa chọn những đơn vị uy tín để không mua phải những sản phẩm kém chất lượng. Khi phát hiện đơn vị kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, người tiêu dùng cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kiểm tra và xử lý.

Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, năm 2024 là một năm đầy thách thức, đánh dấu bước chuyển mình của mô hình Tổng cục thống nhất từ Trung ương đến địa phương giai đoạn 5 năm lần thứ 2. Giai đoạn mà thế mạnh vượt trội trong việc sử dụng công nghệ tiên tiến tạo ra năng suất lao động cao; giai đoạn mà thương mại điện tử đang trở thành xu hướng mua sắm phổ biến. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của hình thức kinh doanh này cũng tạo ra những thách thức mới đối với lực lượng của chúng ta trong công tác giám sát, kiểm tra thị trường, đặc biệt là vấn đề hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ ở cả đời thực lẫn không gian ảo. Đây cũng chính là mặt trận nóng bỏng mà lực lượng QLTT phải tập trung, ưu tiên kiểm tra, kiểm soát trong thời gian tới.

Chuyển hồ sơ vụ việc dấu hiệu tội phạm đến cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình

Sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm của Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Thái Bình đối với Công ty TNHH may xuất khẩu T.V có địa chỉ trụ sở chính trên địa bàn huyện Kiến Xương, ngày 14/10/2024 cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án và quyết định khới tố bị can về tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Cụ thể, trước đó vào ngày 20/9 và ngày 21/9/2024, Đội QLTT số 5 phối hợp với Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường, Công an tỉnh Thái Bình kiểm tra xưởng may T.V thuộc Công ty TNHH may xuất khẩu T.V, địa chỉ tại xã Hòa Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình và khám kho hàng của Công ty TNHH may xuất khẩu T.V. Kết quả kiểm tra và khám kho hàng phát hiện: Tại xưởng may và kho hàng của Công ty TNHH may xuất khẩu T.V đang cất giữ 2.180 đơn vị sản phẩm quần áo mang dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu “THE NORTH FACE và hình” đang được bảo hộ tại Việt Nam, trong đó có 1.230 chiếc áo khoác cùng chủng loại và  950 chiếc quần nối ống cùng chủng loại. Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện tại xưởng may của công ty đang cất giữ 639 chiếc tem rời bằng bìa giấy; 2,2 kg dây đeo kéo khóa màu đen mang dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu “THE NORTH FACE và hình” đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Bà N.T.H.V , Giám đốc Công ty khai nhận đã thực hiện việc mua nguyên vật liệu, tem rời bằng giấy, dây đeo tai kéo khóa màu đen trôi nổi ngoài thị trường, sau đó thuê người thêu dấu hiệu THE NORTH FACE trên áo để sản xuất. Bà N.T.H.V  không cung cấp được hóa đơn, chứng từ hay bất cừ tài liệu gì kèm theo để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hóa nêu trên. Đội QLTT số 5 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hoá, nguyên liệu trên để xác minh làm rõ hành vi vi phạm.

Ngày 27/9/2024, căn cứ văn bản trả lời của công ty luật TNHH Quốc tế BMVN là đại diện chủ thể quyền của nhãn hiệu “THE NORTH FACE”, Đội Quản lý thị trường số 5 đã xác định Công ty TNHH may xuất khẩu T.V do bà N.T.H.V – là Giám đốc công ty có hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Cùng ngày, Hội đồng xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính của Đội QLTT số 5 đã họp, xác định tổng trị giá của lô hàng hóa vi phạm là 650.130.000 đồng. Đối chiếu với Điều 226, Bộ Luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2017 thì vụ việc trên có dấu hiệu tội phạm, ngày 30/9/2024 Đội QLTT số 5 đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc và tang vật vi phạm đến Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thái Bình để xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Ngày 14/10/2024, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ban hành quyết định khởi tố vụ án số 98/QĐ-CSĐT, quyết định khới tố bị can số 282/QĐ-CSĐT đối với bị can N.T.H.V về tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Phan Đức
.
.
.