Phát triển vùng dược liệu gắn với du lịch tại cao nguyên Sìn Hồ

Chủ Nhật, 01/12/2024, 13:11

Là một huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu, những năm qua, với sự quan tâm đặc biệt của chính quyền tỉnh Lai Châu, sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc, Sìn Hồ đã trở thành một điểm đến, thu hút các nhà đầu tư phát triển vùng dược liệu Sâm Lai Châu, Đương quy, Atisô,… gắn với du lịch sinh thái và phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Hiện, Sìn Hồ có 23 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao và nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách như: đồi chè cổ, động ông Tiên…

Phát triển mỗi tấc đất thành vùng trồng dược liệu

Từ TP Lai Châu, chúng tôi xuất phát tới trung tâm thị trấn của huyện biên giới Sìn Hồ chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ với cung đường gần 60km; Sìn Hồ đón chúng tôi bằng cơn mưa và những cung đường bồng bềnh sương trắng, không khí mát lành.

Phát triển vùng dược liệu gắn với du lịch tại cao nguyên Sìn Hồ, Lai Châu -0
Ông Hà Quý Trọng, Bí thư Đảng ủy xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, Lai Châu thông tin với PV Báo CAND tình hình phát triển cây Sâm gắn với du lịch trên địa bàn.

Đến trụ sở Công an huyện, chúng tôi nhận thấy sự đổi thay bởi những ngôi nhà làm việc cũ ẩn bên những gốc lê già mùa hoa nở trắng sân Công an huyện xưa, nay đã được thay bằng một trụ sở mới khang trang, thể hiện sự qua tâm của Bộ Công an, chính quyền tỉnh Lai Châu, huyện Sìn Hồ đầu tư cho lực lượng Công an cơ sở, Công an huyện biên giới về vật chất, trang thiết bị…để cùng lực lượng hoàn thành mục tiêu thật sự chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, công tác chiến đấu trong tình hình mới.

Tìm hiểu được biết, Sìn Hồ là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu, có tổng diện tích tự nhiên 152.245,2 ha, trong đó: đất nông nghiệp 93.180,2 ha; đất phi nông nghiệp 7.751,4 ha; đất chưa sử dụng 51.313,6 ha. Khí hậu ở Sìn Hồ tương đối mát mẻ và được chia làm hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9, mùa khô từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, lượng mưa trung bình hằng năm từ 2.050 đến 3.450mm. Nhiệt độ trung bình ở Sìn Hồ từ 18C - 25°C, riêng khu vực cao nguyên Tả Phìn từ 15 - 17°C, cao nhất không quá 23°C; nhiệt độ thấp nhất khoảng 3°C, có năm xuống tới 0°C do vậy rất thích hợp trong việc phát triển các loại cây dược liệu, đặc biệt là trồng sâm …

Trò chuyện cùng PV, Thượng tá Vương Trung Dũng Trưởng Công an huyện Sìn Hồ thông tin, trong những năm qua, khi triển khai đưa Công an chính quy xuống xã, lực lượng còn mỏng; song với quyết tâm cao nhất, lực lượng Công an huyện đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ Công an huyện phối hợp tốt với Công an xã làm tốt công tác bảo đảm ANTT phục vụ việc triển khai và phát triển kinh tế, du lịch trên địa bàn. Đặc biệt, Công an an huyện đã phối hợp với các lực lượng của Bộ Công an, Công an tỉnh Lai Châu bảo vệ an ninh, an toàn chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm, làm việc với huyện và đến một số điểm trên địa bàn huyện năm 2023; cũng như, bảo vệ an toàn tuyệt đối hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách trong và ngoài nước đến làm việc, thăm quan, du lịch trên địa bàn huyện.

Đưa chúng tôi đi thực tế tại xã Sà Dề Phìn, đồng chí Thiếu tá Sùng A Phức, Đội trưởng, Đội Tham mưu Công an huyện, người dân tộc Mông đã tranh thủ giới thiệu đôi nét về việc phát triển dược liệu trên địa bàn.

Hiện nay, được nhắc đến nhiều và là một trong những điển hình về làm kinh tế giỏi chính là Công ty Cổ phần Nông nghiêp công nghệ cao Thái Minh, do anh Dương Thanh Lâm làm Giám đốc Công ty. Qua triển khai  20.000m2 trồng và phát triển cây Sâm Lai Châu tại huyện Sìn Hồ, hiện Công ty duy trì từ 10 – 20 công nhân làm việc với thu nhập 120-130 triệu đồng/1 người/1 năm), đồng thời Công ty đã triển khai và hướng dẫn cho 3 hộ dân cùng đầu tư trồng, phát triển cây Sâm.

Từ việc trồng Sâm, nhiều hộ gia đình đã có tiền để xây nhà, mua xe đi lại, cuộc sống không còn khó khăn như trước đây. Về Sìn Hồ, chúng tôi được nghe về những tấm gương làm kinh tế giỏi, dần thoát khỏi cách làm nông nghiệp truyền thống để đầu tư sang cây kinh tế mũi nhọn như trường hợp của hộ gia đình anh Giàng A Lồng, SN  1990, trú bản Sảng Phìn, xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ. Hay hộ gia đình anh Giàng A Chớ,  SN 1970, hộ gia đình anh Giàng A Ứ, SN 1980, cũng trú bản Sảng Phìn, xã Sà Dề Phìn, với diện tích trồng Sâm của mỗi hộ lên tới 200m2. Những tấc đất trước đây trồng ngô, lúa, cây ăn quả, dưới sự dẫn dắt, định hướng của chính quyền và doanh nghiệp, người dân đã thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư trồng dược liệu gắn với phát triển du lịch.

Phát triển vùng dược liệu gắn với du lịch tại cao nguyên Sìn Hồ, Lai Châu -0
Với sự định hướng, hỗ trợ của chính quyền tỉnh Lai Châu, huyện Sìn Hồ và các doanh nghiệp trên địa bàn, đồng bào các dân tộc đã thay đổi cây trồng sang hướng trồng Sâm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhìn lại tình hình phát triển vùng dược liệu trên địa bàn cũng như nêu ra các chính sách của tỉnh Lai Châu “trải thảm đỏ” với chính sách đặc biệt, có nhiều ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển vùng dược liệu… Đồng chí Trần Văn Sứng, Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, Sìn Hồ đã mời gọi, thu hút các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư các dự án về dược liệu như: Sâm Lai Châu, Đương Quy, Atisô... Đến nay, trên địa bàn huyện có 2 Công ty (Công ty CP Thái Minh, Công ty Cổ phần Sao Đỏ Tây Bắc), 2 Hợp tác xã (Hợp tác xã Sâm Lai Châu, HTX Nông sản dược liệu cao nguyên Sìn Hồ) và 11 cá nhân, hộ gia đình thực hiện trồng Sâm Lai Châu tại các xã: Tả Phìn, Sả Dề Phìn, Phăng Sô Lin và Thị trấn Sìn Hồ với tổng diện tích khoảng 7,5; ngoài ra còn có một số cây dược liệu khác như: Đương quy với diện tích gần 150ha, cây Khoai Sâm g130ha, Đỗ trọng 13ha,… Qua đó, góp phần thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp của huyện đến với thị trường trong và ngoài tỉnh, tạo thu nhập, giải quyết việc làm cho nhân dân các xã trên địa bàn huyện.

Việc phát triển cây dược liệu ở Sìn Hồ đã và đang mang lại giá trị kinh tế rất lớn, trong đó có cả thu nhập đến từ việc phát triển du lịch sinh thái. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục có bước phát triển, thu nhập bình quân đầu người năm sau tăng cao hơn năm trước. Hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp được quan tâm chỉ đạo, thực hiện đã hình thành một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực; 23 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện kịp thời; các chính sách an sinh xã hội, đào tạonghề, giải quyết việc làm cho người lao động đạt kết quả tích cực. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo, quốc phòng - an ninh được giữ vững- Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ chia sẻ thêm.

Phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an ninh du lịch      

Bí thư Đảng ủy xã Sà Dề Phìn Hà Qúy Trọng cho biết, tại xã Sà Dề Phìn đang có 2 doanh nghiệp đầu tư trồng cây dược liệu, đồng thời phát triển mô hình lưu trú (farmstay), đó là Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh và Công ty Cổ phần Sao Đỏ - Tây Bắc. Đến với miền biên viễn Sìn Hồ, du khách có thể thăm quan, chụp ảnh tại vườn sâm, trải nghiệm mua sâm, trồng sâm, thu hái sâm, kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng, đó sẽ là một trong những trải nghiệm khó quên.

Ngoài ra, Sìn Hồ có nhiều điểm thăm quan nổi tiếng như: thác Nậm Lúc, núi Đá Ô, động ông Tiên, đồi chè cổ…Du khác sẽ được trải nghiệm, hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ nơi núi rừng Tây Bắc, chiêm ngưỡng những nét văn hóa truyền thống, các món ăn đậm đà bản sắc của các dân tộc: Dao, Mông, Thái,… của huyện Sìn Hồ.

Anh Dương Thanh Lâm, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh chia sẻ cơ duyên để anh gắn bó với vùng đất Sìn Hồ. Qua nghiên cứu huyện Sìn Hồ là vùng cao biên giới, địa hình, khí hậu, quanh năm sương mù, độ cao từ 1500m đến 1600m so với mặt nước biển; dân cư sinh sống rải rác, diện tích đất canh tác, rừng bao phủ thuận lợi. Tuy nhiên, đời sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Sâm Lai Châu là giống cây dược liệu bản địa, phù hợp với khí hậu, thời tiết mát mẻ và đem lại giá trị kinh tế cao, do đó Công ty đã quyết định đầu tư trồng cây Sâm trên địa bàn huyện Sìn Hồ, thuận lợi cho việc tạo công ăn, việc làm, thu nhập cho bà con. Ngoài việc trồng và phát triển Sâm Lai Châu, Công ty đã tạo môi trường, cảnh quan gắn với phát triển du lịch nhằm thu hút khách đến thăm quan trải nghiệm các điểm du lịch của huyện Sìn Hồ.

Phát triển vùng dược liệu gắn với du lịch tại cao nguyên Sìn Hồ, Lai Châu -1
Một số hình ảnh sản phẩm Sâm Lai Châu ( ảnh CTV Thu Hoài)

Đại tá Tao Văn Trường, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu  cho biết, công tác đảm bảo ANTT gắn với phát triển du lịch sinh thái, phát triển kinh tế trên địa bàn Lai Châu nói chung, Sìn Hồ nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Công an tỉnh Lai Châu.

Lai Châu là tỉnh vùng núi, biên giới phía Tây Bắc, có 20 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc đều có truyền thống, bản sắc văn hóa riêng. Tiềm năng du lịch của tỉnh Lai Châu tương đối dồi dào, bao gồm các đỉnh núi cao, các danh lam, thắng cảnh, các lễ hội truyền thống cùng các giá trị văn hóa bản sắc của dân tộc ở địa phương. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch mạo hiểm, khám phá, du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa, phong tục, tập quán các dân tộc. Đón đầu xu hướng du lịch trong thời gian tới và căn cứ tình hình thực tiễn của địa bàn; tỉnh Lai Châu đã chủ động đẩy mạnh thu hút đầu tư và cân đối nguồn ngân sách để đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và khai thác các loại hình du lịch mạo hiểm.

Lai Châu có 16 điểm du lịch được cấp phép hoạt động; trong đó điểm sáng là 2 dự án dịch vụ du lịch đang được đầu tư trên địa bàn xã Sơn Bình, huyện Tam Đường và 4 điểm du lịch cộng đồng đang là điểm sáng thu hút số lượng lớn khách du lịch đến thăm quan, du dịch và trải nghiệm văn hóa, ẩm thực các dân tộc. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hàng chục điểm du lịch đang được đầu tư thực hiện đang trong quá trình xin UBND tỉnh cấp phép. Các dự án do UBND tỉnh phê duyệt đầu tư đều được các cơ quan chức năng thẩm định theo các quy định của pháp luật; các điểm du lịch đều có cam kết bảo đảm ANTT, được lực lượng Công an các cấp hỗ trợ xây dựng các kế hoạch, phương án bảo đảm ANTT và cứu hộ cứu nạn tại các điểm du lịch, đặc biệt là các điểm du lịch có các loại hình du lịch mạo hiểm.

Thực hiện công tác đảm bảo ANTT gắn với phát triển ngành du lịch trên địa bàn tỉnh. Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng An ninh du lịch thực hiện tốt công tác liên kết, phối hợp giữa các lực lượng trong và ngoài ngành trong việc triển khai phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh, chủ động phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm, xử lý các vụ việc phức tạp về ANTT các khu, điểm du lịch, bảo đảm an toàn cho các sự kiện, lễ hội du lịch và các hoạt động xúc tiến đầu tư. Qua đó, 100% các chương trình/lễ hội trên địa bàn tỉnh đều được tổ chức thành công tốt đẹp, an toàn. Khách du lịch đã chia sẻ trên các trang mạng xã hội, góp phần tuyên truyền về hình ảnh du lịch Lai Châu an toàn, thân thiện mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc nói riêng và hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung đến du khách trong và ngoài nước.

Anh Hiếu
.
.
.