Petrovietnam tiên phong, làm chủ công nghệ năng lượng tái tạo ngoài khơi
Petrovietnam là doanh nghiệp đứng đầu Việt Nam về cơ khí chế tạo, thi công và xây lắp các công trình dầu khí ngoài khơi, được khách hàng quốc tế đánh giá cao. Petrovietnam cũng đảm bảo năng lực, được chấp thuận khảo sát chuẩn bị triển khai phát triển dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi.
Kể từ khi thành lập đến nay, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) không chỉ giữ vị trí, vai trò quan trọng, trụ cột của nền kinh tế, mà còn tiên phong trong lĩnh vực năng lượng nói chung và dầu khí nói riêng. Mới đây, Petrovietnam vừa được chấp thuận khảo sát chuẩn bị cho việc phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) ngoài khơi tại Việt Nam…
Với bề dày kinh nghiệm, năng lực, nguồn lực và hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có trong lĩnh vực khai thác dầu khí ngoài khơi, việc Petrovietnam tham gia vào ngành công nghiệp năng lượng tái tạo ngoài khơi sẽ đem lại lợi ích to lớn, tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có của các đơn vị trong nước, tránh lãng phí đầu tư, có thể xuất khẩu dịch vụ ra thị trường quốc tế và đặc biệt góp phần vào công tác bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Cuối tháng 8/2023, trong khuôn khổ Hội nghị thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam - Singapore, Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) - đơn vị thành viên của Petrovietnam đã nhận Quyết định về việc chấp thuận hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển để chuẩn bị cho việc phát triển dự án NLTT ngoài khơi tại Việt Nam, xuất khẩu điện sạch sang Singapore. PTSC hiện là nhà đầu tư duy nhất tại Việt Nam được cấp phép dựa trên cơ sở từ những nguồn lực sẵn có.
Vào tháng 2/2023 tại Singapore, Liên danh PTSC (Petrovietnam) - Sembcorp (Singarpore) đã ký và trao Thỏa thuận Phát triển chung (JDA) về việc hợp tác đầu tư, xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn NLTT ngoài khơi tại Việt Nam. Việc Dự án phát triển NLTT ngoài khơi nhận được các giấy phép liên quan thể hiện sự tin tưởng của Chính phủ hai nước trong việc thúc đẩy hợp tác phát triển NLTT.
Mới đây, ngày 26/10, tại Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Phan Tử Giang đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn đại biểu Ngân hàng HSBC.
Tại buổi tiếp, Phó Tổng Giám đốc Phan Tử Giang đã thông tin sơ bộ đến đoàn đại biểu từ Ngân hàng HSBC về hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí của Petrovietnam.
Ông Phan Tử Giang cho biết, thăm dò, khai thác dầu khí trên đất liền và ngoài khơi trong nước và ngoài nước là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Petrovietnam nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của đất nước. Bên cạnh đó, Petrovietnam cũng đang hướng đến mục tiêu không phát thải ròng (Net Zero) vào năm 2050, trong đó nhấn mạnh vai trò của LNG trong quá trình chuyển dịch năng lượng với mong muốn thúc đẩy triển khai đồng bộ hóa việc sử dụng LNG cho các dự án điện, chuỗi giá trị khí/LNG.
Net Zero là cơ hội và cũng là thách thức đối với Petrovietnam và Tập đoàn cũng đang cân đối giữa việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời từng bước thực hiện mục tiêu chuyển dịch năng lượng.
Lĩnh vực NLTT ngoài khơi là một lĩnh vực mới với nhiều quốc gia trong khu vực, cũng như trên thế giới. Triển khai các dự án này, bên cạnh việc có kinh nghiệm, năng lực trong việc thiết kế, thi công các công trình trên biển còn cần một yếu tố nữa đó là tiềm lực tài chính.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chia sẻ, chuyển dịch năng lượng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi luôn nhận thức đó là xu hướng tất yếu không thể thay đổi, Petrovietnam không thể đứng ngoài cuộc. Đây cũng là mục tiêu và là nhiệm vụ bắt buộc đối với Petrovietnam - Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng chủ lực của nền kinh tế.
Trước sứ mệnh tiên phong đó, từ năm 2019, Petrovietnam bắt đầu xây dựng kế hoạch, lộ trình liên quan đến chuyển dịch năng lượng trên tinh thần triển khai mang tính liên tục, lâu dài. Petrovietnam cùng các đơn vị thành viên có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng với việc sản xuất và sử dụng các nguồn NLTT thay thế; đặc biệt là việc đánh giá về cơ hội và chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất đáp ứng khả năng triển khai các dự án NLTT ngoài khơi.
Để thực hiện, Petrovietnam điều chỉnh chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu nâng tổng công suất đặt đạt 8.000 - 14.000MW và tỷ trọng nguồn điện tái tạo chiếm 5 - 10%; đến năm 2045, phấn đấu nâng công suất đặt chiếm từ 8 -10% tổng công suất hệ thống điện Việt Nam và tỷ trọng nguồn NLTT chiếm 10 - 20% trong tổng công suất nguồn điện Petrovietnam.
Hiện tại, Petrovietnam là tập đoàn kinh tế lớn nhất trong số những doanh nghiệp Nhà nước, giữ vai trò, vị trí chủ lực, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, kinh tế, lương thực, gìn giữ an ninh quốc phòng trên biển. Với những đóng góp lớn của mình, trong Dự thảo Đề án phát triển doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định Petrovietnam sẽ là "Doanh nghiệp đầu đàn" phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, đặc biệt giữ vai trò dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng.
Việc xếp hạng tín nhiệm của Petrovietnam ngang bằng với tín nhiệm quốc gia là cơ sở để Tập đoàn thu xếp vốn cho các dự án một cách thuận lợi. Nhất là có khả năng tiếp cận các nguồn tài chính xanh, vốn vay lãi suất thấp, thời gian ân hạn dài, cũng như các ưu đãi khác của Chính phủ và các tổ chức tài chính quốc tế ủng hộ phát triển năng lượng xanh, sạch.
Với những lợi thế sẵn có, cùng niềm tin dành cho Petrovietnam, chúng ta có thể tin tưởng rằng Petrovietnam sẽ thực hiện tốt sứ mệnh tiên phong của mình trong lĩnh vực NLTT ngoài khơi, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam xanh và bền vững trong tương lai.