Nhiều thách thức về chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước
Dù được đánh giá là khu vực doanh nghiệp có nhiều điểm mạnh về quy mô cũng như vai trò tiên phong, dẫn dắt nền kinh tế nhưng chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều thách thức trong chuyển đổi mô hình, trong vận hành và ứng dụng công nghệ mới… Bên cạnh đó, việc thiếu nhân lực nội bộ, thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu thông tin công nghệ số, thiếu lộ trình chuyển đổi số cũng đã và đang trở thành yếu tố cản trở quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhà nước hiện nay.
Tại Hội thảo "Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước: Cơ hội và thách thức" do Báo điện tử VOV phối hợp với một số đơn vị tổ chức tại Hà Nội ngày 26/7, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết: Chuyển đổi số mang lại những giá trị lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay việc chuyển đổi số vẫn gặp nhiều khó khăn như chi phí đầu tư chuyển đổi số lớn, các doanh nghiệp cũng đã có thói quen kinh doanh, khó thay đổi; thiếu sự cam kết từ lãnh đạo; hay thậm chí có tình trạng "trên chỉ đạo, dưới không nghe, thiếu sự cam kết từ người lao động", thiếu nhân lực nội bộ, thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu thông tin công nghệ số, thiếu lộ trình chuyển đổi số rõ ràng…
Tất cả những yếu tố này đang cản trở quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhà nước nói riêng.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI) - Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết: Theo nghiên cứu của DTSI, để chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần chuyển đổi cách thức tổ chức, thông qua việc áp dụng hiệu quả các công nghệ, phương thức quản trị mới và những nguồn lực mới để hoạt động hiệu quả hơn.
Mặc dù vậy, để thực hiện chuyển đổi số với các nội dung trên, doanh nghiệp nhà nước (có vốn nhà nước) vẫn đang gặp không ít thách thức. Đó là doanh nghiệp nhà nước có những quy định tổ chức rất khác với các doanh nghiệp có hình thức sở hữu khác. Doanh nghiệp nhà nước có những hành lang pháp lý, những quy định, quy chế và cách thức kiểm soát rất chặt chẽ. Đây là yếu tố tạo nên những rào cản trong việc chuyển đổi cách thức tổ chức để chuyển đổi số, bởi không thể muốn chuyển đổi như thế nào cũng được và muốn chuyển đổi là chuyển đổi được ngay, sự chuyển đổi cũng chịu rất nhiều ràng buộc, không dễ để chuyển đổi thành công.
Cũng theo phân tích của ông Lê Nguyễn Trường Giang, tiến trình chuyển đổi số trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước cũng gặp những trở ngại trong hành lang pháp lý về quy trình, quy định cũng như cơ chế về việc thay đổi và áp dụng mô hình tổ chức, mô hình nghiệp vụ, mô hình dữ liệu, mô hình vận hành… Chính việc thiếu kiến trúc này dẫn đến việc chuyển đổi số không phát huy tối đa những lợi thế trong quá trình ứng dụng vào vận hành thực tế để chuyển đổi một cách căn bản và toàn diện doanh nghiệp sang bản chất kinh doanh mới - trở thành một doanh nghiệp số.
Ông Bùi Trung Thành, Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số Công ty cổ phần Base Enterprise cũng thừa nhận, những thách thức doanh nghiệp nhà nước đối mặt trong quá trình chuyển đổi số đó là quy mô lớn, được đầu tư từ khá lâu, các nghiệp vụ và quy trình đã ổn định lâu dài nên khó khăn trong chuyển đổi mô hình, trong vận hành, trong ứng dụng công nghệ mới. Quy trình đầu tư, đặc biệt là công nghệ của doanh nghiệp nhà nước gặp phải nhiều khó khăn về mặt thủ tục, hiệu quả đầu tư… Vì vậy, để chuyển đổi số thành công, theo ông Thành, doanh nghiệp nhà nước cần chuyển đổi tư duy, định hướng của doanh nghiệp từ trung tâm sản xuất sang việc lấy khách hàng làm trung tâm.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel cũng nêu quan điểm: Tuỳ thuộc vào mỗi đặc thù doanh nghiệp, chuyển đổi số có các xuất phát điểm khác nhau; cần đánh giá hiện trạng cụ thể để xây dựng chiến lược và lộ trình phù hợp với doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, không có mô hình “may sẵn” cho chuyển đổi số của doanh nghiệp nhà nước bởi chuyển đổi số là một tiến trình, không phải là một mô hình, hay phương thức. Do vậy, không có một mô hình hay phương thức chuyển đổi số cụ thể nào thích ứng và phù hợp cho mọi doanh nghiệp, tổ chức.