Nhiều dự án triển khai chậm, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thấp
Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa hoàn thành cuộc kiểm toán chuyên đề công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội khóa XV.
Kết quả kiểm toán cho thấy các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền, trách nhiệm được phân công tại chương trình, song việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Kết quả kiểm toán cho thấy, sau ¾ thời gian (khoảng 1,5 năm) thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 11/NQ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã tích cực chủ động thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền, trách nhiệm được phân công tại Chương trình.
Tuy nhiên, kết quả cũng cho thấy, đa số các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chủ yếu đăng ký các dự án chưa có trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 (255/264 dự án) nên tính sẵn sàng và khả năng hấp thụ vốn không cao.
Đáng chú ý, việc giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình phải đảm bảo hoàn thành trong năm 2022, 2023, tuy nhiên kết quả thực hiện đến thời điểm kiểm toán (30/6/2023), đã hết ¾ thời gian thực hiện Chương trình, chỉ còn khoảng 6 tháng để triển khai thực hiện, nhưng đối với các dự án thuộc chính sách đầu tư phát triển mới chỉ thực hiện giải ngân được 24.143 tỷ đồng, đạt 18,4% so với tổng số vốn đã giao.
Trong tổng số 219 dự án được Thông báo danh mục và mức vốn để hoàn thiện thủ tục đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư, có 50 dự án chậm so với mốc yêu cầu tại Mục 3 Văn bản số 450/TTg-KTTH ngày 20/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 28/6/2022 còn 25 dự án thuộc các bộ, địa phương chưa đề xuất giao vốn giai đoạn, gồm: An Giang, Khánh Hoà, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Thanh Hoá, TP Cần Thơ, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH).
Có 50 dự án chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chậm báo cáo UBTVQH xem xét theo quy định tại Nghị quyết số 69/2022/QH15. Đến nay còn lại 45 dự án mới được Quốc hội đồng ý phân bổ 13.369,5 tỷ đồng số vốn còn lại của Chương trình cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để thực hiện các dự án đủ thủ tục đầu tư tại Nghị quyết số 93/2023/QH15; có 4 dự án không được Quốc hội tiếp tục phân bổ vốn; 1 dự án được Quốc hội cho phép tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Bên cạnh đó, tỷ lệ bố trí và giải ngân nguồn vốn đối ứng của địa phương chưa phù hợp với tỷ lệ bố trí và giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương (NSTW), cụ thể tổng số vốn NSTW đã được phân bổ 81.801/116.848 tỷ đồng đạt 70% nhưng tổng số vốn NSĐP mới chỉ bố trí là 422,6/17.436 tỷ đồng đạt 2,4%, đặc biệt tại một số dự án đường bộ cao tốc có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, số vốn ngân sách địa phương bố trí là 0%.
Tính đến ngày 30/6/2023, lũy kế giải ngân của các dự án là 24.143,507 tỷ đồng, mới đạt 18,4% so với tổng vốn đã giao cho các dự án thuộc Chương trình, còn 21 dự án chưa được các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phân bổ vốn năm, 59 dự án có số giải ngân đến thời điểm kiểm toán là 0%; chính sách cấp bù lãi suất 5.000 tỷ đồng giải ngân đạt 22,9%, chính sách Hỗ trợ lãi suất (2%/năm) 40.000 tỷ đồng giải ngân đạt 0,7%.
Do vậy áp lực giải ngân số vốn còn lại của Chương trình trong 6 tháng còn lại của năm 2023 theo quy định của Nghị quyết số 43/2022/QH15 là rất lớn và việc thực hiện giải ngân toàn bộ số vốn theo cam kết của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là khó khả thi hoàn thành trong 2 năm 2022 và 2023 theo quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã đề ra.
Liên quan đến việc dành khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để hỗ trợ cho người lao động thuê nhà, báo cáo KTNN cho hay, đến thời điểm 31/8/2023, tổng kinh phí đã sử dụng đề nghị quyết toán là 3.761,08 tỷ đồng (NSTW 3.746,07 tỷ đồng, ngân sách địa phương (NSĐP) 15 tỷ đồng) bằng 56,9% nguồn lực thực hiện chính sách.
Tổng số người lao động được hỗ trợ là 2.981.196 người, trong đó một số địa phương thực hiện thấp hơn so với nguồn dự kiến, còn dư lớn như TP Hồ Chí Minh 810,8 tỷ đồng, TP Hà Nội là 160,19 tỷ đồng; Tỉnh Đồng Nai 277,8 tỷ đồng, Long An 196,15 tỷ đồng, Bình Dương 408,15 tỷ đồng... Song, vấn đề hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm cũng bộc lộ bất cập.
Cụ thể, công tác tham mưu của Bộ LĐTB&XH cho Chính phủ trong việc xây dựng, ban hành quyết định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động chậm tiến độ gần 1 tháng; ban hành quyết định công bố thủ tục hành chính về việc thực hiện Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và một số văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai còn chưa chi tiết, thiếu cụ thể.
Bộ LĐTB&XH cũng đưa ra phương án dự kiến số liệu về đối tượng lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà chưa phù hợp, thiếu tin cậy, chưa có các số liệu về số lượng doanh nghiệp, lao động trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm chi tiết theo từng địa phương.
Một số địa phương như tỉnh Bình Phước, thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế), TP Cam Ranh (tỉnh Khánh Hoà), huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh), tỉnh Tuyên Quang, xã Xuân Trường (tỉnh Nam Định), Phú Thọ, Kon Tum, Hưng Yên, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Vũng Tàu, Hậu Giang... chưa thực sự quan tâm đến chính sách hỗ trợ cho người lao động. Cụ thể là thực hiện công tác tuyên truyền chậm, chậm xây dựng kế hoạch, chậm triển khai thực hiện chính sách.