“Nhạc trưởng hay, việc còn lại là các nhạc công phối hợp ăn ý, hiệu quả!”

Thứ Hai, 18/10/2021, 07:50

“Nghị quyết 128 của Chính phủ hiện như là “kim chỉ nam” cho mọi chủ trương, phương thức, biện pháp của các địa phương để cả nước tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch vừa sản xuất, kinh doanh trên tinh thần mới”, Chủ tịch HBA Nguyễn Văn Bé nhấn mạnh...

Đó là cách ví von hình tượng của ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp (DN) Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (HBA) với PV Báo CAND khi trao đổi quanh nội dung Nghị quyết 128/NQ-CP mà Chính phủ vừa ban hành và các địa phương đang khẩn trương có sự điều chỉnh về mức độ mở cửa hợp lý nhất để sớm trở lại trạng thái “bình thường mới” trên tinh thần “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

“Nghị quyết 128 của Chính phủ hiện như là “kim chỉ nam” cho mọi chủ trương, phương thức, biện pháp của các địa phương để cả nước tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch vừa sản xuất, kinh doanh trên tinh thần mới”, Chủ tịch HBA Nguyễn Văn Bé nhấn mạnh.

Không chỉ xuất phát từ thực tiễn công tác phòng, chống COVID-19 của nước ta và cả thế giới, đó là không thể “Zero COVID” và muốn sang trạng “bình thường mới” phải “sống chung với dịch”, ông Bé cho rằng nội dung tinh thần chủ đạo của nghị quyết này xuất phát từ hàng loạt vấn đề bất cập, chưa thống nhất trong các biện pháp phòng, chống dịch cụ thể, mỗi tỉnh, thành, mỗi bộ, ngành đều có cách hiểu và cách làm thiếu nhất quán, thay đổi liên tục, không tạo sức mạnh cộng hưởng mà đôi khi thành trở lực của nhau.

“Hơn bao giờ hết, rõ ràng cần có một nhạc trưởng để mọi nhạc công đều phát huy khả năng và phối khí cho khúc hoan ca phòng, chống dịch COVID-19 thành công. Tôi tin rằng, với nội dung, tinh thần rất mới, rất hay của nhạc trưởng chính là Nghị quyết 128/NQ-CP, việc còn lại là các nhạc công sẽ phối hợp ăn ý và hiệu quả hơn”, ông Bé nói thêm.

“Nhạc trưởng hay, việc còn lại là các nhạc công phối hợp ăn ý, hiệu quả!” -0
Đảm bảo an toàn trước đại dịch COVID-19 để thực hiện mục tiêu kép đang là nỗ lực của các DN trong các KCN, KCX tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh chụp tại KCN Hiệp Phước (TP Hồ Chí Minh).

Theo Chủ tịch HBA, các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) tại TP Hồ Chí Minh – địa phương giữ vai trò “đầu tàu” kinh tế của cả nước nhận thức rằng, để “sống chung với dịch”, cần thực hiện: Phòng dịch là cơ bản, lâu dài. Chống dịch là kịp thời và hiệu quả. Thực hiện “mục tiêu kép” tùy theo địa bàn, khu vực và ngành nghề cụ thể, từng KCN, từng DN phải “chủ động thích ứng” với các phương thức, biện pháp phòng, chống dịch an toàn trong điều kiện cụ thể. Đương nhiên “an toàn đến đâu, sản xuất đến đó, an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. “Linh hoạt” mang nội hàm giao quyền chủ động cho các cấp có thẩm quyền quyết định và thay đổi quyết định nhằm đối phó kịp thời trong phòng, chống dịch. Cuối cùng là phải “kiểm soát” được diễn biến tình hình.

Để minh chứng cho thực tế thích ứng hiệu quả, ông Bé kể câu chuyện tại Công ty Freetrend (KCX Linh Trung 1, 2). Tháng 7/2021, tại DN này đã ghi nhận vài chục công nhân F0. Thế là hơn 30.000 công nhân nghỉ việc và đóng cửa nhà máy. Đến đầu tháng 10/2021, Công ty Freetrend tái hoạt động, tuyển dụng được 4.800 công nhân, phát hiện 20 ca F0 phải đưa đi điều trị. Tuy nhiên, không phản ứng vội vàng, thiếu hiệu quả như lần trước, nhà máy vẫn tiếp tục mở cửa, duy trì sản xuất an toàn, đúng tinh thần “sống chung với dịch”.

Theo ông Nguyễn Văn Bé, nhiều tháng qua, các KCN, KCX tại TP Hồ Chí Minh đã chủ động trước diễn biến hết sức phức tạp, khó lường của đại dịch với tinh thần “Mỗi KCN/KCX là một pháo đài, từng công nhân là chiến sỹ”. DN tại các KCN/KCX thường xuyên tuyên truyền, xây dựng ý thức phòng, chống dịch an toàn công nhân theo đúng Điểm 10 Bộ tiêu chí của thành phố.

“Các DN trong KCN/KCX luôn ý thức tự giác của công nhân là tuyến phòng ngự hàng đầu và rất quyết định nên tập trung huấn luyện, nâng cao ý thức đó thành kỹ năng sống, thực hiện 5K mọi nơi, mọi lúc”, ông Bé nói. Việc tiêm mũi 2 vaccine phòng COVID-19 cho toàn thể công nhân đã được thực hiện. Tuy nhiên, điều khiến cho các DN trong các KCN, KCX băn khoăn hiện nay lại là việc xét nghiệm với tần suất cao.

Theo Bộ Tiêu chí 10 điểm của thành phố, hiện người có “Thẻ xanh” vẫn phải xét nghiệm hằng tuần và “Thẻ vàng”, nhóm nguy cơ cao vẫn phải xét nghiệm 3 ngày một lần. Trong khi quy định của Bộ Y tế chỉ xét nghiệm 20% và 2 tuần một lần. “Nếu chưa thống nhất và thành phố yêu cầu như thế, chi phí xét nghiệm rất lớn, thêm gánh nặng cho DN”, ông Bé đồng cảm cùng DN.

Liên quan đến quy định phải xây dựng cơ sở thu dung bệnh nhân COVID-19 tại KCN, KCX và có khả năng điều trị tầng 1, Chủ tịch HBA cho biết, hiện KCX Linh Trung 2 sắp khánh thành Khu thu dung 1.500m2 với 250 giường có sự phối hợp của Bệnh viện TP Thủ Đức. Đây là mô hình thí điểm nhằm chủ động hỗ trợ các DN trong KCN này khi có phát sinh dịch bệnh. Trong các KCN, KCX của TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 1.500 nhà máy đang phục hồi sản xuất.

Một trong những nội dung mà HBA đang tập trung cần phát động là các DN tái hoạt động theo hướng “tái cấu trúc”, ứng dụng công nghệ mới từng phần hoặc toàn phần, từng bước thực hiện DNsố. DN số cũng là phương thức vừa sản xuất, kinh doanh hiệu quả vừa giãn cách giữa “người và người” tốt nhất, góp phần phòng, chống dịch và là xu thế phát triển của thời đại.

Qua 6 tháng thực tế phòng, chống đại dịch cho thấy, DN nào có ký túc xá hoặc khu lưu trú dành cho công nhân thì DN đó rất chủ động trong phòng, chống dịch và thực hiện hiệu quả “3 tại chỗ”. “Chính do vậy, chúng tôi cho rằng, trong các dự án KCN sau này, cần luật định nội dung xây dựng khu lưu trú công nhân”, ông Bé đề xuất.

Quán triệt Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, HBA kiến nghị các bộ, ngành nhất là Bộ GTVT và Bộ Công an cần thống nhất cách kiểm soát thông thương liên tỉnh và Bắc-Nam bằng một hệ thống quốc gia. 400 KCN và khu kinh tế của cả nước đang rất mong sớm được kết nối, giao thương nhằm cung ứng hàng hóa, nguyên phụ liệu, hàng xuất nhập khẩu qua các tỉnh và đến các cảng. Đi liền với đó cần sớm thống nhất “hộ chiếu vaccine”, kết nối đường bay nội địa và quốc tế. Đề xuất này - theo ông Bé, xuất phát từ 1.500 nhà máy trong các KCN, KCX tại TP Hồ Chí Minh (bao gồm cả 500 nhà máy FDI - DN có vốn đầu tư nước ngoài) thường là các mắt xích trong chuỗi sản xuất kinh doanh toàn cầu. Đó là chưa kể nhu cầu đón các nhà đầu tư và chuyên gia từ nước ngoài vào và đưa đội ngũ kỹ thuật đi đào tạo tại các nước.

“Không thể mong có “cây đũa thần”, nhưng Nghị quyết 128/NQ-CP đang cho chúng ta kỳ vọng về một định hướng chủ động tư duy với cách nghĩ, cách làm, nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, tổ chức, đề ra các giải pháp đồng bộ, thích ứng an toàn, linh hoạt nhằm kiểm soát được tình hình dịch bệnh và phát triển sản xuất kinh doanh với hiệu quả tốt nhất”, Chủ tịch HBA Nguyễn Văn Bé chia sẻ.

Thái Bình
.
.
.