Nguồn vốn chính sách tạo sức bật cho nông dân Anh Sơn

Thứ Hai, 18/11/2024, 17:11

Cho vay giải quyết việc làm là một trong những chương trình tín dụng chính sách được NHCSXH huyện Anh Sơn (Nghệ An) triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Đây được coi là “cứu cánh” để nông dân phát triển kinh tế, tạo việc làm và có thu nhập ổn định.

Nguồn vốn chính sách tạo sức bật cho nông dân Anh Sơn -0
Mô hình chăn nuôi lợn nái, lợn thịt của hộ gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hà ở thôn 8, xã Khai Sơn.

Được tiếp cận nguồn vốn vay NHCSXH, chị Nguyễn Thị Thu Hà ở thôn 8, xã Khai Sơn đã có bước khởi đầu. Năm 2023, từ nguồn vốn vay 100 triệu đồng, gia đình chị đã đầu tư mua 10 con lợn sinh sản, 500 con gà Sao nuôi thịt, 50 con gà H’mông. Đến cuối năm 2024, gia đình chị Hà đã xuất bán 3 lứa lợn thịt tổng mỗi lứa 50 con.

Thời gian đầu bước vào ngành chăn nuôi quy mô, gia đình gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch bệnh, kinh nghiệm chưa có. Đặc biệt nhất là thiếu vốn để làm ăn. Sau 1 năm chăn nuôi, mô hình này đã mang lại thu nhập cho gia đình chị trên 500 triệu đồng/năm. Với bản tính cần cù, chịu khó học hỏi nhanh nhạy trong kinh doanh, có vốn, chị mở rộng phát triển sản xuất đầu tư nuôi 1.500 con gà Sao, mua máy ấp để nhân giống và bảo tồn gen giống gà H’mông.

Đến nay, gia đình chị có gần 600 con gà H’mông; 10 con lợn nái, 50 con lợn thịt nuôi theo công nghệ hiện đại và nhân giống  phục vụ nhu cầu của người dân trong xã. Không những thế, mô hình chăn nuôi của chị Hà đã giải quyết việc làm cho 2 lao động địa phương. Gia đình chị đã thực sự vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương…

Từ nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm 100 triệu đồng của NHCSXH cùng với nguồn vốn của gia đình, anh Hoàng Đình Quyên ở thôn 9, xã Khai Sơn đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cam “Bù sen”. 3 năm đầu tiên, cam chưa cho thu nhập, gia đình anh trồng xen ngô, đỗ, lạc để chăn nuôi lấy ngắn nuôi dài. Đồng thời, anh còn mua thêm 10 con lợn thịt để tận dụng rau, củ trong vườn làm thức ăn cho lợn. Hiện tại vườn cam bù sen của gia đình anh đã cho thu nhập mỗi năm 400 triệu đồng.
Là hộ được vay vốn từ chương trình cho vay giải quyết việc làm, với số tiền 100 triệu đồng, gia đình chị Đặng Thị Nga ở thôn 4, xã Khai Sơn cho biết: Năm 2023, chị tận dụng nguồn vốn vay NHCSXH để đầu tư mở rộng xưởng sản xuất tinh bột nghệ, bột ngũ cốc, dầu gội đầu, sữa tắm,… Đến nay, cơ sở sản xuất của gia đình đã sản xuất được hàng chục sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Vạn sự khởi đầu nan, ban đầu, nguồn vốn ít, kinh nghiệm sản xuất còn non tay, sản phẩm của chị chưa được nhiều người biết đến nên rất khó bán. Nhờ chịu khó học hỏi và đầu tư vào sản xuất nên dần dần, các sản phẩm sản xuất ra luôn đảm bảo chất lượng, được người dân tại địa phương và trong cả nước sử dụng ngày một tăng.

Ưu tiên hàng đầu về chất lượng, xây dựng thương hiệu từ chính tâm người sản xuất mà các sản phẩm như: Tinh bột nghệ, viên tinh bột nghệ mật ong, viên hà thủ ô, bột ngũ cốc nana, dầu gội đầu thảo mộc kim nhan… đã khẳng định được tên tuổi trên thị trường, đưa tổng thu nhập lên đến gần 1 tỷ đồng/năm. Bên cạnh việc tăng thu nhập cho gia đình, chị còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hội viên trong xã. Song, điều đáng nói là chị Nga luôn sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật cho tất cả hội viên trong và ngoài địa phương trồng các dược liệu để cung cấp cho công ty.

Tính đến nay, toàn xã Khai Sơn đã có 84 hộ vay vốn giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Anh Sơn với doanh số cho vay đạt gần 6 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn chính sách, hầu hết các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đã phát huy được hiệu quả đồng vốn. Nhiều hộ gia đình đã sử dụng vốn hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Những mục tiêu hoạt động trong tín dụng chính sách được NHCSXH huyện Anh Sơn, cùng chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội xã Khai Sơn tiếp tục thực hiện có hiệu quả, triển khai thành công chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.

Thái Tố
.
.
.