Người dân, doanh nghiệp là trung tâm trong mọi quyết sách

Thứ Sáu, 08/10/2021, 07:42

Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi thăm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI và gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp nhân ngày doanh nhân Việt Nam, chiều 7/10.

Tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam những lời chúc, những tình cảm tốt đẹp nhất. Chia sẻ lý do để tổ chức buổi gặp gỡ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, cách đây 17 năm, Thủ tướng Phan Văn Khải đã quyết định lấy 13/10 là ngày doanh nhân Việt Nam. “Chỉ còn ít ngày nữa là tới ngày quan trọng này. Trên thực tế, đội ngũ doanh nhân Việt Nam luôn là đội ngũ xung kích và đi đầu trong công cuộc phát triển đất nước, đây là nhiệm vụ quan trọng của đội ngũ doanh nhân.

Cách đây 10 năm, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 09 ngày 9/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, Chủ tịch Quốc hội nói và cho biết hiện nay Bộ Chính trị yêu cầu tổng kết nghị quyết quan trọng này. Hiện Quốc hội cũng đang chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2 được dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 20/11 năm nay.

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ lắng nghe các quyết sách lớn về kinh tế-xã hội trong đó có việc đánh giá tác động của COVID-19 tới việc làm sinh kế người dân và tình hình hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. “Những vấn đề quan trọng đó rất cần tới tiếng nói, sự góp ý của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Trong thực tế, ở lần sửa các đạo luật quan trọng này, chúng ta đã rất lắng nghe rất nhiều ý kiến doanh nghiệp và trong mọi quyết sách của Quốc hội, Quốc hội luôn đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thay mặt cho đội ngũ doanh nhân của trên 800.000 doanh nghiệp trong cả nước, ông Phạm Tấn Công- Chỉ tịch VCCI chân thành cảm ơn sự quan tâm của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, sự có mặt của Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam lần đầu tiên tại Trụ sở VCCI – "ngôi nhà chung" của các doanh nghiệp, doanh nhân vừa là niềm tự hào của giới doanh nhân, doanh nghiệp, vừa thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Tại cuộc gặp ngày 26/9 với Thủ tướng Chính phủ bàn về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, VCCI thay mặt cộng đồng doanh nghiệp đã đề xuất 2 chủ trương mới. Thứ nhất, cần nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó COVID-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp. Thứ hai, mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện sống chung với dịch.

“Tại cuộc gặp gỡ hôm nay, thay mặt giới doanh nhân Việt Nam, VCCI xin đề xuất thêm với đồng chí Chủ tịch Quốc hội một chủ trương, quan điểm thứ 3, đó là: lấy COVID-19 làm động lực thực hiện đột phá trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, đặc biệt cần chủ động rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp lý và các quy định, chính sách cho phù hợp với điều kiện “bình thường mới”, để tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, khôi phục tăng trưởng kinh tế và đưa Việt Nam bứt lên giành vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Phạm Tấn Công đề xuất.

Mang nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp vận tải đến buổi gặp gỡ, ông Đặng Thế Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng cho biết, đại dịch COVID-19 liên tiếp qua các đợt dịch khiến doanh nghiệp vận tải giảm tới 70% doanh thu, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, người lao động mất việc làm. Do đó, Hiệp hội vận tải Hải Phòng kiến nghị 10 giải pháp bao gồm giảm thuế, phí, giảm lãi suất, dừng đóng bảo hiểm xã hội, tăng thời gian kiểm định, đề xuất lùi thời hạn lắm camera… Trong khi đó, cũng có đề xuất rất thiết thực, ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may 29/3 (Đà Nẵng) cho biết, từ hơn 2 tháng nay, Công ty đã triển khai phương án sản xuất “3 tại chỗ” nhằm bảo đảm tiến độ đơn hàng cho các đối tác quan trọng ở Mỹ và châu Âu.

Theo ông Chính, nếu vì dịch bệnh mà dừng sản xuất, doanh nghiệp sẽ mất bạn hàng vào tay đối tác khác và sẽ bị đánh bật khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu mà doanh nghiệp đã rất nỗ lực để tham gia. Để doanh nghiệp được tiếp tục an toàn sản xuất trong bối cảnh hiện tại, ông Chính đề xuất để các công nhân làm việc tại các nhà máy được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.

Tương tự, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cần có thêm các chính sách đặc thù hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại tại khu vực bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch. Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần NAFOOD Nghệ An đề nghị các chính sách hỗ trợ phải được công bằng.

Sau khi lắng nghe ý kiến của một số đại diện đến từ cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đánh giá cao các phát biểu tâm huyết, thiết thực và mang tính xây dựng của các đại biểu. Ghi nhận những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong các đợt dịch bùng phát đặc biệt là lần thứ 4, Chủ tịch Quốc Hội cho biết Đảng, Nhà nước và các cơ quan đoàn thể đều hiểu và chia sẻ những khó khăn này.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thời gian tới cần phải có sự rà soát lại năng lực quản trị của từng doanh nghiệp, phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu để tiếp tục xây dựng doanh nghiệp lớn mạnh, đồng thời, đề nghị VCCI có hiến kế để phục hồi và phát triển kinh tế…

Hà An
.
.
.