Ngành Hải quan phấn đấu hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2025
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan vừa phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ hải quan
Theo đó, mục tiêu được ngành Hải quan đặt ra là đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ hải quan một cách toàn diện, đồng bộ với chuyển đổi số phục vụ doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các bộ, ngành trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN nhằm hoàn thành mục tiêu 100% thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên mỗi trường mạng (phi giấy tờ).
Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành hải quan số, trong đó thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý nhà nước về hải quan với hệ thống công nghệ thông tin có mức độ tích hợp cao, có tính mở, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng toàn diện nhu cầu xử lý tự động tất cả các khâu nghiệp vụ hải quan từ khâu đầu đến khâu cuối, thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc - mọi nơi - trên mọi phương tiện và nhu cầu khai thác thông tin, sử dụng thông tin trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới nhất về công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Bên cạnh đó, hoàn thành các mục tiêu nêu tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành Hải quan.
Về các mục tiêu trọng tâm, cụ thể, đối với nghiệp vụ hải quan, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ hải quan một cách toàn diện, đồng bộ với chuyển đổi số của doanh nghiệp, các bộ, ngành trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN theo hướng tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác quản lý điều hành nghiệp vụ hải quan, công tác tham mưu, thực thi nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
Cùng với đó, các quy trình thủ tục hải quan đơn giản được số hóa tối đa, các lĩnh vực nghiệp vụ được tích hợp, liên thông, tự động hóa mức độ cao; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan, giảm tỷ lệ kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan; ứng dụng khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4... với các trang thiết bị hiện đại nhằm giảm thiểu can thiệp của con người trong quá trình thông quan hàng hóa.
Về quản lý thuế, quản lý nợ thuế được thực hiện hoàn toàn theo phương thức điện tử với phương pháp quản lý hiện đại.
Đối với kiểm tra sau thông quan, tự động xác định đối tượng cần kiểm tra sau thông quan trên cơ sở áp dụng mô hình tự động phân tích, đánh giá rủi ro, phân tích số liệu thống kê, các bài toán nghiệp vụ, các dấu hiệu khác thường trên hệ thống công nghệ thông tin.
Về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tự động thu thập, tiếp nhận, phân tích thông tin về các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh người và phương tiện thông qua thông tin tình báo, hợp tác quốc tế để lập các hồ sơ xác định trọng điểm các lô hàng có mức độ rủi ro cao theo các tiêu chí kiểm soát; tự động phân tích, cảnh báo những giao dịch bất thường trong hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp; tự động cảnh báo đến các địa chỉ cụ thể về lô hàng tình nghi và chỉ dẫn chi tiết biện pháp kiểm soát hải quan; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đo lường tuân thủ để thiết lập và triển khai các phương án kiểm soát linh hoạt hiệu quả…
Mang lại lợi ích lớn đối cơ quan quản lý và doanh nghiệp
Theo Tổng cục Hải quan, việc đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành Hải quan mang lại lợi ích to lớn không chỉ đối với ngành Hải quan mà còn mang lại lợi ích cho đất nước, cho hoạt động xuất nhập khẩu, của doanh nghiệp, các Bộ, ngành và các bên liên quan. Việc thực hiện chuyển đổi số sẽ giúp đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, nâng cao năng suất lao động của cán bộ, công chức hải quan; cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan.
Đặc biệt, việc chuyển đổi số giúp cho việc thực hiện thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện thông qua hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) và nguồn dữ liệu lớn với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các công nghệ mới như: Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)... Các hoạt động nghiệp vụ hải quan được quản lý tự động trên môi trường số cả trước thông quan, trong thông quan và sau thông quan, đảm bảo quản lý xuyên suốt từ khâu đầu đến khâu cuối đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Việc thực hiện yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan một cách nhất quán, toàn bộ mọi giao dịch được xử lý theo cách thức thống nhất, đảm bảo áp dụng nhất quán các qui định luật pháp trong nước và đối xử ngang bằng với tất cả các đối tác thương mại. Đẩy mạnh chuyển đổi số và tự động hoá quy trình thu thuế góp phần đảm bảo các khoản thuế được thu và tính toán kịp thời; các khoản nợ quá hạn hoặc nợ xấu có thể được xác định và xử lý nhanh chóng. Mặt khác, việc phân tích dữ liệu chính xác hơn; thống kê hải quan chính xác và kịp thời…Ngoài lợi ích mang lại cho cơ quan Hải quan, việc đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành Hải quan còn mang lại lợi ích đối với đất nước nói chung, hoạt động thương mại quốc tế, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các bộ, ngành và các bên liên quan.
Việc thực hiện chuyển đổi số của ngành Hải quan mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: Thời gian thông quan hàng hóa nhanh chóng, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục, cho phép doanh nghiệp khai báo và thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc, mọi nơi, trên mọi phương tiện. Chỉ thực hiện khai thông tin hàng hóa một lần để thực hiện nhiều thủ tục hành chính thông qua hệ thống một cửa quốc gia. Nâng cao tính minh bạch, phòng chống tham nhũng, doanh nghiệp dễ dàng theo dõi tiến trình xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước trong chuỗi cung ứng.
Việc chuyển đổi số của ngành Hải quan góp phần nâng cao năng lực quản lý, nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong quản lý của các bộ, ngành, thúc đẩy hình thành Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở Việt Nam. Cụ thể: Các Bộ, ngành và các bên liên quan được chia sẻ thông tin về các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu thông qua hệ thống mà không phải đề nghị cơ quan Hải quan cung cấp khi phát sinh, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước nói chung, là cơ sở đế phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở Việt Nam. Phối hợp cùng với cơ quan Hải quan nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục hải quan, thông quan và sau khi thông quan. Thực hiện thủ tục hành chính (cấp phép, kiểm tra chuyên ngành,...) liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên một hệ thống qua đó góp phần cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí trong việc xây dựng hệ thống CNTT.
Mô hình quản lý hải quan thông minh
Xây dựng mô hình hải quan thông minh nhằm đưa Hải quan Việt Nam trở thành tổ chức hải quan hiện đại, theo các xu hướng và chuẩn mực quốc tế đảm bảo ứng dụng các thành tựu công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 (như: Al, Big Data, Blockchain, IoT,...); phấn đấu đến năm 2025, đạt trình độ ngang bằng với các nước phát triển như: EU, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh, quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối; có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới, đòi hỏi mô hình hải quan thông minh phải có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, đảm bảo minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan hải quan, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ người dân, doanh nghiệp.