Ngành Đường sắt nợ hơn 250 tỷ đồng tiền thuê đất tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm

Thứ Ba, 25/10/2022, 13:45

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét xác nhận diện tích đất thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt, công trình công nghiệp đường sắt tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm để được miễn giảm tiền thuê đất, giảm khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cơ sở nhà đất tại 551 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, TP Hà Nội (Nhà máy Xe lửa Gia Lâm) được đầu tư xây dựng theo dây chuyền công nghệ do Chính phủ Ba Lan viện trợ vào năm 1970 để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, chế tạo, sửa chữa, đầu máy toa xe phục vụ cho ngành đường sắt.Cơ sở có tổng diện tích hơn 203.000 m2.

Tổng Công ty đường sắt Việt Nam nợ hơn 250 tỷ đồng tiền thuê đất tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm -0
Ngành đường sắt than khó vì tiền thuê đất và tiền phạt nộp chậm từ năm 2020 đến nay của Công ty CP Xe lửa Gia Lâm lên con số cả trăm tỷ đồng.

Năm 2013, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thuê toàn bộ diện tích này để giao cho Nhà máy Xe lửa Gia Lâm tiếp tục sử dụng cùng với công trình đã xây dựng làm văn phòng làm việc và cơ sở sản xuất kinh doanh. Tiếp theo đó, năm 2014, Sở Tài chính TP. Hà Nội có quyết định phê duyệt đơn giá thuê đất tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm theo đơn giá thuê đất kinh doanh, áp dụng đối với toàn bộ diện tích hơn 203.000 m2 này, mà chưa chia tách diện tích đất được miễn (đất kết cấu hạ tầng đường sắt), diện tích đất được giảm (hồ điều hòa) tiền thuê với các phần diện tích khác theo đúng hiện trạng quản lý, sử dụng của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ trước.

Do vậy, tiền thuê đất bị đội lên quá cao, đường sắt chưa thể thanh toán hết. Sau nhiều lần kiến nghị, cơ quan thuế xác định ngành đường sắt phải trả tiền thuê đất (từ 18/11/2013 đến 31/12/2019) hơn 380 tỷ đồng. Đường sắt đã trả hơn 129 tỷ và chưa trả hơn 252 tỷ tiền thuê đối với phần diện tích theo tổng công ty là diện tích đất kết cấu hạ tầng đường sắt và công trình công nghiệp đường sắt (gồm toàn bộ hệ thống đường sắt và các nhà kho, xưởng để phục vụ sửa chữa đầu máy, toa xe).

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, ngoài ra còn tiền thuê đất và tiền phạt nộp chậm từ năm 2020 đến nay cũng lên con số cả trăm tỷ đồng, một con số khá lớn trong bối cảnh vô cùng khó khăn hiện nay. Nếu được cơ quan có thẩm quyền xác nhận diện tích đất công nghiệp và diện tích đất kết cấu hạ tầng đường sắt sẽ được giảm, miễn tiền thuê theo luật định.

Từ đây, doanh nghiệp này kiến nghị Bộ GTVT xem xét, xác nhận diện tích đất thực tế tổng công ty đang sử dụng tại cơ sở nhà, đất tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm để làm cơ sở cơ quan thuế xác định lại tiền thuê đất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, phát triển.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP. Hà Nội diễn ra vào tháng 7/2022, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội (đợt 1). Trong vòng 5 năm tới, có 9 cơ sở nhà đất phải di dời, trong đó có cơ sở nhà đất tại 551 Nguyễn Văn Cừ diện tích hơn 20 ha, hiện là trụ sở Công ty CP Xe lửa Gia Lâm (tiền thân là Nhà máy xe lửa Gia Lâm).

Phạm Huyền
.
.
.