Ngành đường sắt: Loay hoay tìm cách “lội ngược dòng” thoát thua lỗ

Thứ Hai, 27/09/2021, 07:20

Năm 2020, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã phải ghi nhận khoản thua lỗ kỷ lục lên tới 1.300 tỷ đồng, tương đương với 42,2% vốn điều lệ. Sang đến năm 2021, tình hình không thể khả quan hơn, khi tàu khách liên tục dừng hoạt động do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

 

Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2021, VNR lỗ 180 tỷ đồng. Trong quý 3, tình hình kinh doanh của VNR không những không khởi sắc mà còn tối hơn . Để tự “cứu mình”, ngành đường sắt vẫn kiên trì đưa ra nhiều giải pháp, như đẩy mạnh vận tải hàng hoá đi châu Âu, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư đóng mới toa xe, cải thiện chất lượng để hút khách đi tàu.

Thua lỗ triền miên

Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mới đây đã có quyết định phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2021 của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Theo đó, năm 2021, VNR phải đạt doanh thu 1.600 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là âm 700 tỷ đồng; nộp ngân sách 150 tỷ đồng. Doanh thu này đã được loại trừ các yếu tố khách quan, bao gồm: ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; ảnh hưởng của chất lượng, năng lực kết cấu hạ tầng đường sắt và việc triển khai thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đường sắt tuyến Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh; ảnh hưởng của các cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đường sắt. Cũng trong năm 2021, VNR với số lao động bình quân 6.984 người (không bao gồm người quản lý) được yêu cầu không đầu tư quá 20 tỷ đồng.

Ngành đường sắt: Loay hoay tìm cách “lội ngược dòng” thoát thua lỗ -0
Doanh thu vận tải trong tháng 8/2021 thấp kỷ lục do dừng hoàn toàn các đoàn tàu khách. (Ảnh minh hoạ)

Trước đó, năm 2020, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao VNR đạt doanh thu khoảng 2.100 tỷ đồng, không có nợ phải trả quá hạn; kế hoạch vốn tối đa không quá 77 tỷ đồng; nộp ngân sách 220 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2020, VNR đã phải ghi nhận khoản thua lỗ kỷ lục lên tới 1.300 tỷ đồng, tương đương với 42,2% vốn điều lệ.

Sang năm 2021, tình hình kinh doanh tiếp tục bi đát. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 toàn tổng công ty chỉ đạt 77,8% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm sâu chỉ bằng 54,4% so với năm 2019 khi chưa có COVID-19. Trong 6 tháng đầu năm 2021, VNR lỗ 180 tỷ đồng. Quý 3, tình hình kinh doanh của VNR còn tối hơn do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, tàu khách trên toàn mạng đang dừng chạy. Doanh thu vận tải trong tháng 8/2021 thấp kỷ lục. Cụ thể, sản lượng vận tải hành khách chỉ hơn 8.640 lượt hành khách lên tàu, đạt 24,8% kế hoạch, bằng 6,5% so với cùng kỳ.

Với vận tải hàng hóa, tình hình có khả quan hơn khi thực hiện 413.944 tấn, đạt 101,6% kế hoạch, bằng 105,4% cùng kỳ. Tuy nhiên, tăng trưởng vận tải hàng hóa cũng đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí giảm do thiếu nguồn hàng và vận chuyển khó khăn hơn. Tổng doanh thu vận tải đường sắt trong tháng chỉ đạt 114,7 tỷ đồng, đạt 89,5% kế hoạch, bằng 66,4% cùng kỳ và là mức thấp kỷ lục từ trước đến nay.

Theo lãnh đạo VNR, do không thể tiếp tục chi trả lương cho toàn bộ cán bộ công nhân viên nên VNR đã phải thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động đối với cán bộ công nhân viên cơ quan tổng công ty, các chi nhánh ga, các chi nhánh đầu máy. Cụ thể, từ 1/9 đến 31/12/2021, khoảng 25% người lao động khối gián tiếp tạm hoãn, kể cả cấp Phó Trưởng ban, Phó Giám đốc chi nhánh. Còn đối với lao động trực tiếp, tùy theo đặc điểm, chức năng đơn vị, chức danh và đặc điểm tuyến vận tải để sắp xếp. Dự kiến, giai đoạn này sẽ tạm hoãn hợp đồng với hơn 1.600 lượt lao động.

Cú “lội ngược dòng” liệu có đem đến hy vọng?

Khó khăn là hiện hữu, song theo lãnh đạo VNR cho hay, đơn vị vẫn phải tìm mọi cách để có doanh thu. Trong đó, việc tổ chức thành công các chuyến tàu chuyên container từ ga Yên Viên chạy thẳng sang Bỉ là một trong những tín hiệu khả quan. Các đoàn tàu này có 23 container 40 feet, vận chuyển các loại hàng hóa như: Dệt may, da giày, điện tử. Hành trình đoàn tàu sẽ đến Trịnh Châu (Trung Quốc) và kết nối vào đoàn tàu Á - Âu để đến điểm đích. Tổng thời gian vận chuyển các đoàn tàu này từ 25 - 27 ngày.

Ngoài các đoàn tàu này, đường sắt Việt Nam vẫn duy trì ổn định chạy tàu hàng liên vận quá cảnh Trung Quốc đi các nước Trung Á, châu Âu như: Kazakhstan, Nga, Ba Lan, Đức… vào ngày thứ 4 và chủ nhật hàng tuần. Tuyến Việt Nam - Trung Quốc tổ chức chạy hàng ngày. Vì vậy, sản lượng hàng hóa liên vận quốc tế đường sắt từ đầu năm đến nay tăng vọt.

Nếu chỉ tính riêng hàng xuất đi Nga và châu Âu, 8 tháng đã đạt hơn 1.600 TEU, bằng 96% so với cả năm 2020. Còn tính hàng liên vận xuất - nhập nói chung qua cửa khẩu ga Đồng Đăng, ga Lào Cai tăng hơn 40% so với cùng kỳ 2020. Gần đây, Bộ GTVT cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Liên quan đến kết nối đường sắt quốc tế, dự thảo quy hoạch đề xuất kết nối với đường sắt Trung Quốc thông qua 2 tuyến hiện có là Hà Nội - Đồng Đăng và Hà Nội - Lào Cai.

Ngoài việc tìm nguồn hàng cho các chuyến tàu liên vận, đường sắt Việt Nam còn lên phương án thuê toa xe khách do nước ngoài đóng mới hiện đại kỳ vọng hút khách; giảm chi phí đầu tư thay thế phương tiện hết hạn. Ông Nguyễn Hồng Linh, Phó TGĐ Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, đang thuê tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi đề án xã hội hóa đầu tư toa xe theo hướng thuê toa xe do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, đóng mới, trong đó chi tiết phương án thuê, thời gian, giá thuê, lãi, chuyển giao…sẽ được đề cập cụ thể trong đề án. Đây là phương án được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đưa ra nhằm giảm áp lực gánh nặng tài chính đối với doanh nghiệp vận tải khi phải đầu tư thay thế toa xe hết niên hạn, đồng thời có được phương tiện hiện đại thu hút khách đi tàu.

Được biết, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Jinxin (Trung Quốc). Tập đoàn này sẽ đầu tư đóng mới một đoàn tàu khách và cho công ty thuê lại để khai thác trong thời gian nhất định trước khi chuyển giao lại toàn bộ. Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đây là toa xe thiết kế mới hoàn toàn từ bộ phận chạy đến thùng xe nên theo quy định của Việt Nam phải chạy thử nghiệm 100.000km trước khi cấp giấy phép đăng kiểm.

Đặng Nhật
.
.
.