Nâng cao năng lực chuyển đổi xanh để kéo giảm chi phí logistics
Xuất khẩu của Việt Nam tăng cao đạt con số kỷ lục trong năm 2024 là một trong những yếu tố tác động lớn tới sự tăng trưởng tích cực của ngành logistics trong năm 2025.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường thế giới có dấu hiệu ổn định, lạm phát giảm tại các thị trường lớn, nhu cầu và sức mua phục hồi. Do đó, xuất nhập khẩu sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt trong quý I/2025, và có sự tăng trưởng đều ở các nhóm hàng và thị trường. Cùng với đó, một số địa phương ở Việt Nam đang có sự tăng trưởng xuất khẩu lớn, đi cùng với tín hiệu đó là sự phát triển về hạ tầng logistics, ngành logistics cũng phát triển hơn.
Theo ông Hải, xuất khẩu tăng trưởng tốt sẽ kéo theo sự phát triển của ngành logistics. Hàng hoá được vận chuyển từ tỉnh đi tới các các cảng hàng không, cảng biển thuận lợi, sẽ gia tăng giá trị và tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp. Trong năm 2024, ngành logistics cũng ghi nhận 10 dấu ấn, trong đó, nổi bật là thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đà Nẵng được phép thí điểm làm khu thương mại tự do; Kết nối hai cảng tại Cái Mép theo cơ chế "cảng mở"; Khai trương Công viên Logistics Viettel; Triển khai thí điểm dự án logistics xanh Hải Phòng - Bắc Kạn…
Qua những đề án, dự án đã và đang được triển khai cho thấy, Việt Nam đang có nhiều yếu tố thuận lợi có thể tạo đà cho sự phát triển của lĩnh vực logistics; trong đó, ngành dịch vụ logistics Việt Nam sẽ là nhân tố chiến lược góp phần đẩy mạnh sự tăng trưởng kinh tế. Trong đó, có hoạt động xuất nhập khẩu truyền thống và sự bùng nổ của thương mại điện tử sẽ là động lực cho sự phát triển ngành dịch vụ logistics trong năm 2025 vả những năm tiếp theo. Bởi, thực hiện giao dịch ở đâu nhưng dịch vụ logistics là mắt xích không thể thiếu để hoàn thành các đơn hàng và giao dịch.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14 - 16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm. Cùng với đó, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 43/155 nước về hiệu quả logistics và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng thứ hạng với Philippines). Với tốc độ phát triển hằng năm đạt từ 14 - 16%, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam trong thời gian qua.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức về chi phí và môi trường thì ngành logistics của Việt Nam cũng đối diện với nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng và chi phí cao so với nhiều nước trong khu vực. Đồng thời, ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước; chi phí logistics còn cao, năng lực cạnh tranh thấp; sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và thiếu tính kết nối về hạ tầng là những "điểm nghẽn" lớn, kìm hãm sự phát triển của dịch vụ logistics. Doanh nghiệp logistics phát triển chưa mạnh, thiếu cơ chế; mối liên kết giữa các phương thức vận tải với kho bãi còn thiếu; chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong xử lý cả chuỗi logistics chưa nhiều.
Do đó, để kéo giảm chi phí logistics, ông Trần Thanh Hải cho rằng, mấu chốt là tăng tốc kết nối hạ tầng giao thông với phát triển trung tâm logistics, cảng cạn, đẩy mạnh vận tải đa phương thức… cũng như chính sách hỗ trợ cho các trung tâm logistic phát triển, thủ tục phải thuận lợi và nhanh chóng. Các địa phương cũng cần xây dựng Kế hoạch phát triển logistics phù hợp với Chiến lược quốc gia.
Đối với doanh nghiệp logistics, ông Hải cho rằng, cần chuyển đổi năng lượng, tiết kiệm năng lượng; tối ưu hoá quy trình; vận dụng. M&A để mở rộng thị trường, quy mô, nâng cao tốc độ tăng trưởng song cần cảnh giác với khả năng bị doanh nghiệp khác thôn tính. Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần hợp tác với doanh nghiệp logistics để có giải pháp tối ưu cho chuỗi cung ứng; chuẩn bị kịch bản ứng phó với những biến động của thị trường và chuỗi cung ứng.
Theo các chuyên gia, trong khi áp lực về chi phí vẫn đang gia tăng, việc nâng cao năng lực và chuyển đổi xanh chính là chìa khóa giúp ngành logistics không chỉ giảm chi phí mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững. Theo đó, doanh nghiệp cần nâng cao sức cạnh tranh, đầu tư công nghệ mới, chuyển đổi số. Đặc biệt, là xanh hoá ngành logistics. Việc ứng dụng công nghệ trong ngành logistics không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố sống còn để các doanh nghiệp phát triển bền vững. Số hóa và tự động hóa đóng vai trò then chốt, mang lại hiệu quả vượt trội, tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
Hiện, chuyển đổi xanh trong logistics không chỉ nhằm đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, mà còn mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho doanh nghiệp. Việc giảm phát thải CO2, sử dụng năng lượng tái tạo, và thay đổi phương tiện vận tải từ xe động cơ xăng dầu sang xe điện hoặc sử dụng nhiên liệu sinh học có thể làm giảm chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng trong dài hạn. Hiện, nhiều công ty logistics lớn đang đầu tư vào xe tải điện hoặc xe sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) thay vì xe chạy bằng dầu diesel. Dù chi phí ban đầu có thể cao hơn, nhưng về lâu dài, các phương tiện này tiết kiệm chi phí vận hành và bảo trì, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Do đó, để tối ưu hóa hoạt động logistics, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ cũng như có chiến lược dài hạn để tạo động lực và tiền đề cho logistics Việt Nam phát triển bền vững. Trong đó, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics, các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp logistics, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Tiếp tục tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, bao gồm hạ tầng giao thông vận tải và hạ tầng logistics. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Bộ Công Thương cho biết, Bộ hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Dự thảo đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt; trong đó, có giải pháp về xây dựng Khu thương mại tự do nhằm hiện thực hoá mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về logistics, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.