Nan giải thiếu hụt lao động

Thứ Năm, 29/09/2022, 05:50

Từ nay đến cuối năm ước thiếu khoảng 120 nghìn lao động, tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời trong một số ngành, lĩnh vực sẽ tiếp tục diễn ra. Đây là con số được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 vừa được tổ chức.

Các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia đều nhận định, tình trạng thiếu hụt lao động này tập trung vào các doanh nghiệp có "thâm dụng lao động" trong ngành dệt may, da giày… gắn với nhu cầu các đơn hàng tăng. Đồng thời, do mức lương còn thấp, điều kiện lao động chưa cao, thời gian làm việc dài khiến các doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng lao động.

lao dong.jpg -0
Đẩy mạnh kết nối cung - cầu là giải pháp quan trọng để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động hiện nay.

Tuyển dụng tiếp tục gia tăng

Tình trạng thiếu hụt lao động đã diễn ra từ khi doanh nghiệp mở cửa sản xuất kinh doanh trở lại sau dịch COVID-19 và đã kéo dài đến nay. Tại thị trường lao động Hà Nội, theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thì qua quan sát của đơn vị này, Hà Nội và các tỉnh lân cận vẫn đang xảy ra thiếu hụt lao động cục bộ ở một số lĩnh vực, ngành nghề, phân khúc, trình độ.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, qua hoạt động thu thập thông tin và từ các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng nhân lực tại trung tâm này cho thấy, phân khúc trình độ lao động phổ thông đang rất thiếu, kể cả lao động có tay nghề.

"Mới đây, chúng tôi nhận được đơn hàng của Công ty Cổ phần Vinhomes đăng ký tuyển dụng 20.000 lao động trên toàn bộ miền Bắc để phục vụ cho các công trình của đơn vị. Lĩnh vực du lịch, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí cũng đang thiếu người làm việc", ông Thành dẫn chứng.

Trong khi đó, theo báo cáo của VietnamWorks (website việc làm lớn nhất Việt Nam hiện nay) vừa công bố, có đến 89% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ sẽ chủ động đẩy mạnh tuyển dụng những tháng cuối năm tuỳ theo quy mô và nhu cầu của các doanh nghiệp. Đứng ở góc độ người tìm việc, 80% người lao động ở các cấp độ có nhu cầu chuyển việc và tìm kiếm một công việc mới trong những tháng cuối năm 2022. Theo nhận định của đơn vị này, trong những tháng sắp tới, sẽ là lúc thị trường tuyển dụng bắt đầu hòa nhịp sôi động khi nhu cầu tìm việc/chuyển việc của nhân viên đã quay trở lại. Để đáp ứng nhu cầu phục hồi hoạt động, các doanh nghiệp sẽ ưu tiên tuyển dụng nhân sự ở các lĩnh vực như: Kinh doanh/bán hàng; kỹ thuật; công nghệ thông tin - IT, tài chính kế toán; kiểm toán; tiếp thị marketing…

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thị trường lao động đang phục hồi tương đối nhanh. Hiện thị trường đang có sự thiếu hụt lao động cục bộ ở một số ngành, trong khi thời điểm hiện nay nhu cầu tuyển dụng của nhiều nhóm nghề, doanh nghiệp cũng tiếp tục gia tăng. "Hiện còn một số lượng lớn lao động trở về khu vực nông thôn nhưng chưa kịp quay lại nơi làm việc, hoặc không muốn quay lại nơi làm việc vì đã tìm được việc làm phù hợp ở quê nhà. Cùng với đó, sau khi nghỉ việc, một bộ phận người lao động muốn chuyển sang ngành nghề khác cho thu nhập cao hơn…", Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh lý giải về tình trạng thiếu hụt lao động diện nay.

Cần đẩy mạnh kết nối cung - cầu

Chuyên gia lao động, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, theo con số của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 48,1 nghìn doanh nghiệp là tín hiệu rất đáng mừng cho thấy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển của Chính phủ trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, TS Nguyễn Thị Lan Hương cũng thừa nhận, một trong những khó khăn đối với các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là việc tuyển dụng được nhân lực phục vụ cho sản xuất. "Nhiều doanh nghiệp đã phải triển khai phương án về nhà ở, bố trí công việc, lương thưởng, chế độ đãi ngộ để giữ chân và thu hút người lao động quay trở lại làm việc nhưng vẫn rất khó khăn. Tôi cho rằng, các địa phương cần tạo điều kiện hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp trong tìm kiếm lao động. Các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động cần triển khai thêm nhiều giải pháp tăng cường kết nối cung cầu lao động, kịp thời cung cấp các thông tin về thị trường lao động để hỗ trợ, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động, thường xuyên thông báo nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp đến với người lao động, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận thông tin để lựa chọn việc làm phù hợp", TS Nguyễn Thị Lan Hương nêu giải pháp.

Theo dự báo của Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng lên so với những tháng trước đây. Thông thường, những tháng cuối năm, các doanh nghiệp sẽ có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động để phục vụ cho việc hoàn thành đơn hàng trong năm đã ký kết và phục vụ những kỳ nghỉ lễ lớn như: Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán. Xu hướng tuyển dụng các tháng cuối năm sẽ rất đa dạng, trong đó những ngành nghề liên quan đến thương mại - dịch vụ sẽ có xu hướng tuyển dụng lớn hơn, tiếp đến là các ngành liên quan đến sản xuất, công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, dệt may, da giày, xây dựng...

Phan Hoạt

.
.
.