Kiểm soát hoạt động shipper trong việc vận chuyển lương thực, thực phẩm
Trong những ngày đầu thực hiện giãn cách, các hệ thống phân phối vấp phải sự phản ứng của người tiêu dùng khi “thiết kế” các combo hàng hóa với giá quá cao. Sau khi điều chỉnh lại giá combo phù hợp hơn, lại xảy ra vấn đề vận chuyển.
Tại siêu thị BigC, các combo được “thiết kế” theo từng chủng loại hàng hóa như: Combo hàng tươi sống gồm: rau, cá, thịt, gia vị với giá 300.000 và 400.000 đồng; Com bo hóa mỹ phẩm gồm: dầu gội, sữa tắm, nước giặt, xả, nước rửa chén, kem đánh răng... giá 315.000 -514.000 đồng; Combo hàng thiết yếu: gạo, dầu ăn, mì gói, sữa, nước chấm, gia vị... giá 200.000 - 705.000 đồng; Combo trái cây giá 60.000 - 120.000 đồng...Tương tự, Mega Maket, có 6 combo hàng thiết yếu với giá từ 150.000 - 500.000 đồng; VinMart, VinMart+ có 9 combo hàng hóa thiết yếu có giá từ 150.000 đồng/combo...
Chị Ngọc Mai (ngụ phường Tân Mỹ, quận 7) cho biết: “Hiện nay hầu hết các siêu thị đều bán hàng theo combo trong khi không phải mặt hàng nào người dân cũng cần dùng đến. Như vậy số tiền bỏ ra mua cao gấp mấy lần, trong khi những mặt hàng còn lại trong combo chúng tôi chưa cần dùng”.
Bên cạnh đó, việc không đặt được hàng cũng đang là bức xúc lớn của người dân. Điển hình, siêu thị Bách hóa Xanh ra thông báo, từ ngày 26/8 Bách hóa Xanh triển khai đặt hàng qua website (không đặt hàng qua Group Zalo nữa).
Việc đặt hàng qua website có ưu điểm là khách hàng lựa chọn hàng hóa, ưu tiên giao hàng theo thứ tự thời gian đặt, sản phẩm đặt sẽ hiển thị hình ảnh và số lượng tồn kho tại cửa hàng… tránh bị sót các đơn hàng như hiện tại trên Zalo. Tuy nhiên, khi nhấp vào link website lúc nào cũng thấy thông báo: “Ngừng nhận đơn vì đơn hàng quá nhiều, vui lòng quay lại vào khung giờ khác”. Thực tế, người dân rất khó đặt trên website vì “canh” khung giờ nào cũng bị nghẽn.
Có thể thấy, trong mấy ngày qua việc “đi chợ hộ”, cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân, đang tồn tại những bất cập. Đó là nhu cầu đặt hàng của người dân quá lớn trong khi các nền tảng để đặt hàng còn thiếu và thiếu đội ngũ giao hàng, đã khiến nhiều đơn hàng chưa tới được tay của người dân đã bị hư hỏng. Trước tình hình đó, một số đơn vị ứng dụng công nghệ cũng đã đề xuất với Sở Công Thương để tham gia hỗ trợ, nhằm giảm áp lực đặt hàng của người dân cũng như vận chuyển hàng hóa tới tay người tiêu dùng.
Cụ thể, ngày 27/8, Công ty cổ phần Be Group đề xuất việc sử dụng ứng dụng Be “đi chợ giúp dân”. Đại diện đơn vị này cho biết, Be Group hiện đang vận hành một đội ngũ với hơn 3.000 tài xế beBike (xe 2 bánh) đã tiêm vaccine mũi 1 đảm bảo đủ sức khỏe và điều kiện hỗ trợ cho người dân. Ngoài ra, tính năng “Đi chợ hộ” đã được triển khai trên ứng dụng Be hơn 1 năm đã mang lại sự quen thuộc, dễ thao tác cho người dân. Tương tự, Công ty TNHH Grab (Grab) đề xuất cung cấp miễn phí hạ tầng ứng dụng Grab để hỗ trợ lực lượng chức năng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân tại các vùng cam và vùng đỏ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Trước mắt, Grab đề xuất triển khai tại: Quận 8, quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, Hóc Môn và TP Thủ Đức. Theo dữ liệu của Grab, khu vực này hiện có 1,9 triệu người dùng và hơn 3.500 đơn vị bán lẻ đang hoạt động ứng dụng Grab, (trong đó siêu thị chiếm 4,3% còn các cửa hàng có quy mô nhỏ chiếm 95,5%). Với ứng dụng Grab, các đơn vị cung ứng hàng hóa tạo một gian hàng trực tuyến trên ứng dụng Grab, người mua đặt hàng xong, thì người “đi chợ thay” sẽ tới đơn vị cung ứng hàng hóa để nhận hàng đi giao cho khách. Hiện, TP Thủ Đức cũng đã phối hợp với Grab triển khai hoạt động này.
Trước tình trạng căng thẳng về việc cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu đến người dân. Đặc biệt, trong thời gian tới, việc “đi chợ hộ” sẽ tiếp tục còn khó khăn hơn nữa khi lương thực, thực phẩm người dân dự trữ từ trước giảm dần, phải tăng cường mua sắm thêm. Trong khi đó, đội ngũ nhân viên giao hàng công nghệ (shipper) vốn thông thạo mạng lưới giao thông sẽ giúp vận chuyển hàng hóa đến từng hộ dân tốt hơn. Sáng 28/8, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã có công văn gửi UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất giải pháp để shipper tham gia vận chuyển hàng hóa trong thời gian giãn cách xã hội.
Theo đó, chỉ cho phép shipper đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19 từ ngày 13/8 trở về trước được tham gia. Doanh nghiệp cung cấp ứng dụng shipper chịu trách nhiệm lập danh sách shipper đủ điều kiện gửi về Sở Công Thương để đưa vào cơ sở dữ liệu “tra cứu shipper”, phục vụ cơ quan chức năng tra cứu trực tuyến khi cần thiết. Sở Công Thương cho rằng, có thể huy động được khoảng 25.000 shipper hoạt động, mỗi shipper giao nhận 20-25 đơn hàng/ngày thì có khả năng phục vụ nhu cầu mua sắm của khoảng 500.000- 625.000 hộ gia đình. Bên cạnh đó, Sở Công Thương đề xuất UBND TP xem xét giao Sở Y tế hướng dẫn, cung cấp danh sách cơ sở y tế đủ điều kiện cấp giấy xét nghiệm nhanh COVID-19 để doanh nghiệp có shipper chủ động liên hệ, tổ chức xét nghiệm định kỳ 3 ngày/lần cho shipper với chi phí do doanh nghiệp trả.
Chiều 28/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh về việc bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu cho người dân. Tại buổi làm việc, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thống nhất căn cứ vào yêu cầu giao, nhận hàng hoá thiết yếu ở những vùng dịch bệnh đang phức tạp để tăng cường số lượng shipper được phép hoạt động tại TP Thủ Đức và 7 quận huyện “vùng đỏ” nhằm đáp ứng nhu cầu mua nhu yếu phẩm của người dân.
Tổ công tác yêu cầu Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chỉ đạo công tác xét nghiệm, giám sát chặt chẽ đội ngũ shipper trên tinh thần vừa làm vừa theo dõi, để có những điều chỉnh cần thiết. Sở Y tế khẩn trương kết nối dữ liệu xét nghiệm với dữ liệu của Công an TP Hồ Chí Minh để đối chiếu phải kiểm soát người di chuyển trên đường và người dân TP nói chung.
Công an TP Hồ Chí Minh được giao chỉ đạo Công an các quận, huyện xuống đến các xã, phường kiểm soát chặt chẽ số lượng shipper đăng ký hoạt động và ứng dụng triệt để các giải pháp công nghệ để quản lý chặt chẽ hoạt động trên.