Kiểm soát chặt việc nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi

Thứ Năm, 19/10/2023, 08:26

Tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm qua biên giới vào nước ta trong thời gian vừa qua vẫn diễn ra phức tạp. Bên cạnh, việc nhập khẩu (NK) các sản phẩm thức ăn cho chăn nuôi chưa được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nhiễm vi sinh và độc tố khá lớn là điều rất đáng lo ngại, đe dọa ngành chăn nuôi trong nước…

Nhập lậu tràn lan

Gần đây nhất, theo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), ngày 5/10 Cục QLTT Lạng Sơn và các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 1.800 con gia cầm giống tại điểm tập kết. Cơ quan chức năng xác định toàn bộ số gia cầm giống này là hàng nhập lậu nên đã tạm giữ để xử lý.

Nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm tập trung nhiều ở các tỉnh phía Bắc, chủ yếu ở các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang… và việc mua bán, vận chuyển trái phép gia súc qua biên giới chủ yếu ở một số tỉnh miền Nam như Long An, Tây Ninh… Đặc biệt, hiện nay người chăn nuôi trong nước đang tăng đàn để chuẩn bị cung ứng sản phẩm vào dịp cuối năm nên nhu cầu về con giống tăng cao. Nắm bắt nhu cầu đó, các đối tượng đã tìm mọi cách nhập lậu gia súc, gia cầm, con giống để tiêu thụ, khiến tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia súc gia cầm và các sản phẩm chăn nuôi qua biên giới vào thị trường nội địa càng trở nên phức tạp.

Kiểm soát chặt việc nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi -0
Kiểm soát chặt sản phẩm chăn nuôi nhập vào thị trường nội địa để bảo vệ NTD và ngành chăn nuôi trong nước.

Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm. Mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta. Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch VIPA khẳng định, tình trạng nhập lậu đã khiến cho thị trường trong nước hết sức lao đao, kể cả DN hàng đầu hiện nay cũng bị thua lỗ nặng nề.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, một trong những vấn đề cốt lõi tác động đến toàn bộ các yếu tố của chăn nuôi bền vững là kiểm soát được nhập lậu. Không kiểm soát tốt nhập lậu không thể kiểm soát được dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là khi đa phần bệnh dịch trong chăn nuôi ở Việt Nam do truyền nhiễm từ nước ngoài vào. Cùng với đó, hệ lụy là không kiểm soát được an toàn thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được đánh giá hết và đúng tính chất.

Nhập nguyên liệu chứa độc tố cao

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi NK liên tục tăng từ nhiều năm qua. Năm 2020 NK 19,6 triệu tấn (5,7 tỷ USD), năm 2021 NK 21 triệu tấn (7,7 tỷ USD), năm 2022 NK 21,5 triệu tấn (8 tỷ USD). Trong đó, NK chính gồm nguyên liệu từ thực vật (bắp, đậu nành, cám gạo, bã bắp lên men, lúa mì, lúa mạch…) và nguyên liệu từ động vật (bột cá, bột thịt - bột thịt xương, bột mực, bột lông vũ…). Tuy nhiên, trong 2 hai loại nguyên liệu trên đều có một số sản phẩm có vấn đề về chất lượng.

Theo phân tích của GS.TS Lã Văn Kính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, nguyên liệu thức ăn từ động vật Việt Nam NK nhiều nhất là bột cá (200 ngàn tấn), tiếp đến là NK bột thịt, bột thịt xương (660 ngàn tấn). Tuy nhiên, với nguyên liệu bột thịt, bột xương là đáng lo ngại nhất. Nguyên liệu này được chế biến từ khoảng 50% khối lượng sống của gia súc, gia cầm (là phần con người không sử dụng được), trong đó có 60% nước, 20% béo, 20% protein và khoáng. Đặc tính của nguyên liệu này là dễ hư hỏng, chứa nhiều vi sinh vật có hại và nhiều loại có thể lây truyền bệnh cho cả người và động vật.

Một kết quả nghiên cứu gần đây về hàm lượng vi sinh vật trong nguyên liệu chế biến bột thịt, bột thịt xương cho thấy: Loại vi sinh vật Clostridium Perfringen chiếm 71,4% mẫu nguyên liệu chế biến bột thịt, thịt xương; các chủng Listeria chiếm 76,2%; các chủng Salmonella chiếm 84,5%; Các chủng Campylobacter chiếm 29,8%…; Bột thịt, bột thịt xương có nguy cơ lây truyền các dịch bệnh: bò điên, lở mồm long móng, heo tai xanh, tả châu phi, dịch tả…

Nhiều nước trên thế giới đã cấm sử dụng bột thịt, bột xương thịt làm thức ăn cho chăn nuôi, chỉ sử dụng làm phân bón, chất đốt giá rẻ. Trong khi đó, ở Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có quy định kiểm tra vi trùng, vi rút gây bệnh truyền nhiễm trên động vật ở bột thịt, bột xương này.

Tương tự với nguyên liệu NK từ thực vật, khảo sát của BIOMIN (công ty nghiên cứu chuyên sâu) 2021 tại châu Á có đến 83% mẫu khảo sát có rủi ro về hàm lượng độc tố vượt mức cho phép, tại Bắc Mỹ có đến 74% mẫu khảo sát có rủi ro về hàm lượng độc tố vượt mức cho phép và tại Nam Mỹ có đến 67% mẫu khảo sát. Ngoài ra, tại Mỹ một số nguyên liệu như bắp, lúa mì, cao lương, lúa đại mạch, các loại thức ăn này đều ít nhiều cũng có độc tố. Việt Nam NK rất nhiều loại nguyên liệu từ các thị trường này.

Đối chiếu với Thông tư 04/2020 TT-BNNPTNT ngày 9/3/2020, cũng chỉ thấy có quy định về độc tố Aflatoxin B1 trong nguyên liệu thức ăn có nguồn gốc từ thực vật với hàm lượng tối đa cho phép. GS.TS Lã Văn Kính khẳng định, Aflatoxin có nhiều loại, nhưng Aflatoxin B1 là độc nhất. Các nước quy định mức Aflatoxin rất thấp, ví dụ như ở lợn 20 ppb, ở gia cầm thấp hơn, nhưng ở Việt Nam quy định mức Aflatoxin B1 từ 30-50 ppb, đây là mức rất cao. Vì vậy, nên xem xét đổi thành mức Aflatoxin tổng số thay cho Aflatoxin B1 và nên giảm mức tối đa xuống như thế giới. Mặt khác, hiện nay có rất nhiều loại độc tố trong các nguồn nguyên liệu thực vật, thế giới tập trung vào 6 loại độc tố chính, trong khi Việt Nam mới quy định một loại độc tố. Vì vậy kiến nghị, nên xem xét mở rộng phạm vi thêm 5 loại độc tố có khá nhiều trong các nguyên liệu này.

Liên quan đến nguồn nguyên liệu NK từ động vật, GS.TS Lã Văn Kính cũng kiến nghị: Nhiều nước trên thế giới đã cấm sử dụng bột thịt, bột xương thịt làm thức ăn cho chăn nuôi, vậy nước ta cần xem xét quy định cấm như thế này để giảm nguy cơ dịch bệnh trên vật nuôi.

Thúy Hà
.
.
.