Khắc phục "nhỏ giọt" số tiền phải thu hồi từ Dự án đường dẫn cầu Phú Mỹ
Trao đổi về vấn đề nộp lại số tiền 355 tỷ đồng cho ngân sách theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vào tháng 12/2019, ông Lê Việt Hùng, Trưởng phòng Tài chính - Đầu tư, Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cho biết, đến cuối tháng 3 vừa qua, Công ty CP ĐT XD Phú Mỹ (PMC) mới nộp trả lại cho ngân sách được 33 tỷ đồng. Như vậy sau hơn 4 năm, số tiền PMC nộp lại chưa bằng 10% trong tổng số 355 tỷ đồng phải thu hồi cho ngân sách theo yêu cầu của KTNN đối với Dự án đường dẫn cầu Phú Mỹ do PMC làm chủ đầu tư.
Ông Hùng còn thông tin, để thu hồi số tiền trên cho ngân sách, những năm qua, Sở Tài chính đã có hơn 10 văn bản đốc thúc PMC. Ngoài ra, Sở Tài chính cũng đã tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan khác cùng phối hợp trong việc đốc thúc PMC nộp lại tiền cho ngân sách. Để đảm bảo thu hồi số tiền trên, Sở Tài chính cũng tham mưu UBND thành phố chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát các dự án khác của PMC nhằm tìm thêm nguồn thu và hiện đang chờ kết quả phản hồi về việc này.
Dù gần đây số tiền PMC nộp lại cho ngân sách đã tăng khá hơn, nhưng theo ông Hùng, mỗi tuần PMC cũng chỉ nộp lại cho ngân sách được khoảng 700 triệu đồng, mỗi tháng được khoảng 2,8 tỷ đồng. Số tiền này chủ yếu PMC có được từ nguồn thu phí cầu Phú Mỹ sau khi đã trừ đi chi phí hoạt động. Do vậy, nếu không có biện pháp chế tài mạnh để nhanh chóng thu hồi tiền về cho ngân sách, thì với thực trạng nộp lại tiền nhỏ giọt như trên, cần phải mất 115 tháng nữa PMC mới có thể nộp hết số tiền còn lại.
Liên quan đến vụ việc này, trong kết luận cách đây hơn 4 năm, KTNN đã chỉ rõ một loạt sai sót đối với Dự án đường dẫn cầu Phú Mỹ, UBND thành phố đã không tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Dù Công ty BOT cầu Phú Mỹ được chỉ định làm nhà đầu tư thực hiện dự án, song nhà đầu tư này không lập hồ sơ đề xuất gửi UBND thành phố; không có văn bản xác minh năng lực tài chính theo quy định. Dự án cũng không được lập và phê duyệt, thiếu nội dung thuyết minh về hiệu quả đầu tư, sự cần thiết phải đầu tư theo hình thức PPP, không thực hiện thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình… ngay cả chi phí đầu tư cho dự án được phê duyệt quyết toán cũng có nhiều sai sót.
Qua kiểm toán, KTNN đã yêu cầu phải giảm trừ hơn 368 tỷ đồng và có nhiều nội dung chưa đủ cơ sở pháp lý, chưa phù hợp với nội dung của hợp đồng BT với giá trị lên đến 646 tỷ đồng. KTNN cũng xác định, báo cáo quyết toán của dự án này chưa phù hợp, chưa đảm bảo tính pháp lý. Việc thanh toán thực hiện dự án cho PMC số tiền rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng đã không được lập kế hoạch, phương án phân bổ đầu tư trình HĐND thành phố xem xét, quyết định. Từ đó KTNN đã đề nghị UBND thành phố rà soát, quyết toán lại dự án theo quy định pháp luật, không để thất thoát tiền, tài sản Nhà nước. Rà soát, quyết toán lại các chi phí đầu tư mà KTNN xác định chưa đủ căn cứ, cơ sở để quyết toán với giá trị lên đến 646 tỷ đồng. Ngày 7/8/2020, UBND thành phố đã chỉ đạo thu hồi từ dự án trên để nộp NSNN số tiền 355 tỷ đồng và giao Sở Tài chính khẩn trương rà soát số tiền đã quyết toán 646 tỷ đồng cho nhà đầu tư theo kiến nghị của KTNN.
Tìm hiểu lý do vì sao một dự án chỉ có mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng nhưng đã bị KTNN yêu cầu rà soát, quyết toán lại chi phí đầu tư và thu hồi cho ngân sách số tiền rất lớn, chiếm tới 1/3 tổng mức đầu tư… chúng tôi được biết, Hợp đồng BT dự án đường dẫn cầu Phú Mỹ được UBND TP Hồ Chí Minh ký với PMC vào ngày 6/3/2008 theo hình thức PPP. Nhưng sau đó, từ năm 2010 đến 2013, UBND thành phố liên tiếp ký 3 phụ lục hợp đồng với PMC. Đã vậy, ngày 27/11/2014, PMC tiếp tục có tờ trình kết quả kiểm toán chi phí đầu tư của dự án này.
Sau thời gian xem xét, ngày 6/1/2015 và ngày 26/6/2015, Văn phòng UBND thành phố có 2 văn bản truyền đạt ý kiến của ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND thành phố khi đó với nội dung: Giao Giám đốc Sở GTVT làm Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương xem xét đề xuất của PMC về kết quả kiểm toán báo cáo chi phí đầu tư cho dự án. Sau các cuộc họp để xem xét, Tổ công tác liên ngành thống nhất tổng mức kinh phí đầu tư Dự án đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ ở mức gần 3.000 tỷ đồng.
Ngày 26/6/2016, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành có văn bản kiến nghị UBND thành phố chấp thuận mức đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng và sau đó hoàn chỉnh số liệu thành hơn 2.917,9 tỷ đồng. Từ đề xuất trên, ngày 1/9/2016, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khi đó là ông Lê Văn Khoa đã ký văn bản chấp thuận tổng mức đầu tư dự án với giá trị gần 3.000 tỷ đồng.
Sau khi được các sở, ngành liên quan hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh hợp đồng thanh, quyết toán dự án… ngày 16/7/2018, PMC đã được Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ký quyết định quyết toán cho Dự án đường dẫn cầu Phú Mỹ với thời gian khởi công là tháng 3/2008 và thời gian hoàn thành là tháng 7/2014. Theo đó, PMC được tất toán nguồn vốn và chi phí công trình với số tiền là 2.700 tỷ đồng. Với thực trạng trên, vấn đề đặt ra hiện nay là những ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng chậm thu hồi tiền cho ngân sách?