Hoạt động xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp vượt khó

Thứ Sáu, 04/08/2023, 23:26

Trong bối cảnh thiếu đơn hàng xuất khẩu (XK), giá giảm sâu, thị trường bị thu hẹp thì việc quay trở lại thị trường nội địa, tham gia vào các hội chợ - triển lãm được các doanh nghiệp (DN) xem như là đòn bẩy kinh tế hữu hiệu để tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường.

Tại các hội chợ, triển lãm diễn ra trong thời gian gần đây, đã có nhiều DN “chốt” được những đơn hàng lớn của khách hàng trong nước cũng như quốc tế. Tại Diễn đàn và Hội chợ Xuất khẩu TP Hồ Chí Minh, Công ty TNHH TM DV Xuất nhập khẩu Vina T&T đã ký được 2 hợp đồng với khách hàng Đài Loan - Trung Quốc và Mỹ. Công ty CP Thực phẩm Bình Tây cũng ký hợp đồng với khách hàng Hàn Quốc và Mỹ để XK thực phẩm chế biến sang các thị trường này... Ngoài ra, nhiều DN, HTX cũng bán hàng cho khách quốc tế lẫn trong nước ngay tại sự kiện.

Hoạt động xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp vượt khó -0
Nhiều DN ký được đơn hàng lớn khi tham gia hội chợ, triển lãm.

Theo Ban tổ chức, sự kiện có hơn 500 lượt kết nối B2B (thương mại DN với DN) có nhiều hợp đồng lớn đã được ký kết. Còn hoạt động B2C (DN với người tiêu dùng), DN bán lẻ tại chỗ với trị giá hơn 2,1 tỷ đồng. Tương tự, tại Hội chợ quốc tế Đồ gỗ & Mỹ nghệ XK Việt Nam (VIFA EXPO 2023), Công ty TNHH Kettle Interiors Asia cũng ký bán được 24 container hàng, thu về hơn 500 ngàn USD, đồng thời tiếp cận được thêm 40 khách hàng mới.

Theo Ban tổ chức VIFA EXPO 2023, tại hội chợ này Công ty Lyprodan cũng ký kết được 6 hợp đồng với giá trị 5 triệu USD. Công ty White Lable ký hợp đồng trị giá 350.000 USD. Công ty VietS ký hợp đồng bán được 20 container… Đáng chú ý, có nhiều DN ký được hợp đồng và biên bản ghi nhớ tại chỗ với tổng giá trị gần 100 triệu USD.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (Hawa) khẳng định, trong giai đoạn đơn hàng giảm sâu ở các thị trường, thì việc thúc đây kênh XTTM rất quan trọng, trong đó kênh XTTM hiệu quả nhất là tổ chức hội chợ.

Đối với ngành gỗ, có 5 Hiệp hội đã thống nhất thành lập một công ty là Công ty hội chợ ngành gỗ Việt Nam và được sự hỗ trợ rất lớn của các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài như: Canada, EU, Đức, Sigapore… cho các đoàn khách đến các hội chợ cuả Việt Nam. Ông Nguyễn Chánh Phương cũng kiến nghị, trong ngắn hạn, Bộ Công Thương hỗ trợ DN trong công tác nghiên cứu thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành để tổ chức các hoạt động XTTM bền vững và hiệu quả. Thực tế cho thấy, việc thường xuyên tham gia các sự kiện XTTM không chỉ giúp DN có cơ hội tìm được đơn hàng, mở rộng thị trường mà còn học hỏi được kinh nghiệm từ các nhà sản xuất, kinh doanh trên toàn cầu. Song song việc tham gia hội chợ, triển lãm, các DN cũng tăng cường khai thác thị trường nội địa và thu được những kết quả khả quan.

Dưới góc độ quản lý, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết: “Trong lúc XK khó khăn, nhiều DN quay về xúc tiến tiêu thụ, kích cầu thị trường nội địa. Sáu tháng cuối năm là cơ hội cho các DN phát triển và mở rộng thị trường. Sở Công Thương đang tập trung nhiều giải pháp để hỗ trợ các DN tiêu thụ hàng hóa ở thị trường nội địa lẫn XK. Trong đó, có các hoạt động kết nối DN với ngân hàng, chương trình khuyến mãi tập trung, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành...”.

T.Hà
.
.
.